Việt Nam trong top 20 bao lâu?

Khổng Hiệp Thứ Sáu | 15/11/2019 14:00

Ảnh: Quý Hòa

Năm 2024, Việt Nam có thể rời khỏi Top 20 tăng trưởng toàn cầu. Do Việt Nam chậm lại hay thế giới sẽ đi nhanh hơn?
Ảnh: Quý Hòa

Việt Nam được ví như “ngôi sao đang lên” sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Trong khi nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn với sự giảm tốc kinh tế hay biến động mạnh đồng nội tệ như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia... thì Việt Nam vẫn điềm tĩnh tăng trưởng cùng sự ổn định vĩ mô. Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nằm trong top 20 động lực tăng trưởng của thế giới năm 2019. Tuy nhiên, IMF cũng dự báo đến năm 2024, Việt Nam sẽ rời khỏi top 20 này. Vậy do Việt Nam chậm lại hay thế giới sẽ đi nhanh hơn?

Vừa qua, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng thực toàn cầu về mức 3% trong năm 2019. Việt Nam hiện tại đóng góp khoảng 1% vào tăng trưởng toàn cầu và dự kiến sẽ rời khỏi danh sách này vào năm 2024 cùng với 3 quốc gia Âu - Mỹ: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Canada. Đáng chú ý, những thành viên sẽ thay thế đều là các nền kinh tế mới nổi - đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan, Ả Rập Saudi. Có thể thấy, giai đoạn 2019-2024 sẽ chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ về tăng trưởng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

 

Đến năm 2024, tăng trưởng toàn cầu sẽ vọt lên lên 3,6%. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là nguyên nhân trọng yếu lại do sự dẫn dắt đến từ các nền kinh tế mới nổi - đang phát triển chứ không phải là các nước lớn như Mỹ, Đức hay Nhật. Trong nhóm ngôi sao này, Việt Nam lại được IMF tin rằng vẫn sẽ dậm chân tại chỗ về khả năng tăng trưởng trong suốt 5 năm tới, trong khi các quốc gia khác sẽ quay lại vươn lên mạnh mẽ.

Trong một báo cáo trước đó, IMF đã nhận định tuy chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu trong năm 2018, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô nhờ thu nhập và tiêu dùng của nhóm trung lưu tăng ổn định, mùa màng thuận lợi cùng khu vực sản xuất phát triển mạnh. Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế để ký kết các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP thúc đẩy giao thương.

Theo đó, sự kìm hãm tăng trưởng trong trung hạn sẽ đến từ các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi như giảm sức cầu, các vấn đề nội tại trong nước như rào cản trong môi trường kinh doanh, vai trò khu vực kinh tế Nhà nước, các quy định về ngân hàng - sở hữu và cho thuê bất động sản. Có một điểm đáng chú ý là trong nhận định hồi tháng 7, IMF vẫn giả định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tài khóa, tín dụng thắt chặt. Tuy nhiên, trong tháng trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành, tiếp nối xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương trên thế giới.

 

Thêm nữa, số liệu tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam đã vượt kỳ vọng làm nhiều tổ chức như Citi Group, Maybank Kim Eng điều chỉnh nâng dự báo cho năm 2019 lên 6,9-7%. Tại cuộc họp hồi đầu tháng 10 của Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định tăng trưởng cả năm có thể đạt mức này. 

Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 dự báo, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì mức khá cao, khoảng 7%; GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.500USD năm 2025. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ khó có thể duy trì trong các năm tiếp theo khi động lực cũ đã tới hạn. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2026-2030 sẽ chỉ còn 6,5%/năm.

Xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại đều được dự báo sẽ thấp hơn so với giai đoạn 2021-2025 do nhiều rủi ro và rào cản tăng trưởng ngày càng hiện hữu. Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với xu hướng tăng trưởng chậm của lao động do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, tốc độ tăng dân số ngày càng thấp. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ theo đà giảm, tốc độ tăng lực lượng lao động sẽ chậm lại.

Mặc dù vậy, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong các năm qua, thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường cao hơn dự báo thận trọng của các tổ chức kinh tế - tài chính lớn như World Bank, IMF (dự báo tăng 6,5%) và ADB (dự báo tăng 6,7%). Kịch bản tích cực này có thể lặp lại một lần nữa trong năm 2019 và họ cũng tin rằng tăng trưởng GDP năm 2019 đạt trên 6,8% và đánh giá dư địa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sáng sủa, khả năng cao vẫn duy trì trên ngưỡng 6,5%. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực tìm các động lực tăng trưởng mới từ cả khối FDI và kinh tế tư nhân. Do đó, vẫn có quyền kỳ vọng IMF sẽ có các điều chỉnh khác tích cực hơn cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.

►Việt Nam lọt Top 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới để đầu tư

Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế chi phối tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019

Top 20 thị trường mới nổi hàng đầu thế giới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày