Bất động sản

Đất nền, nhà phố, căn hộ đều khó bán

Đại Việt Thứ Ba | 20/09/2022 17:41

Thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Đất nền, căn hộ, nhà phố đều có nguồn cung giảm mạnh và tỉ lệ tiêu thụ “lao dốc”.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Mới đây, báo cáo nghiên cứu của DKRA cho thấy tháng 8/2022 là giai đoạn rất “ảm đạm” của thị trường bất động sản. Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ trong tháng 8 là 543 căn, tất cả đều đến từ phân khúc hạng A, thế nhưng tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt 177 căn. Đây là số căn hộ hấp thụ thấp nhất trong vòng 3 năm qua tại thành phố.

Theo DKRA, căn hộ hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường, các phân khúc còn lại không có nguồn cung mới. Giá bán sơ cấp nhìn chung không có nhiều biến động. Hiện nay, với chủ trương đẩy mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố thì nguồn cung mới này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sôi động hơn.

Cũng theo DKRA, trong thời gian tới, việc hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản có thể sẽ được “nới lỏng”. Thị trường căn hộ có thể hồi phục vào thời điểm cuối năm nhưng khó có sự đột biến trong ngắn hạn.

Đối với phân khúc đất nền, trong tháng 8/2022, nguồn cung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có 193 nền đến từ 5 dự án cũ mở bán giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt 64 nền. Trong đó, TP.HCM không có dự án mới nào mở bán; Bình Dương có 90 nền, tiêu thụ chỉ 2 nền; Đồng Nai có 9 nền, tiêu thụ 0 nền; Long An có 94 nền, tiêu thụ 62 nền.

DKRA đánh giá, nguồn cung đất nền tại TP.HCM và các khu vực lân cận trong tháng 8 đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, hầu hết các dự án đều bán được với số lượng rất khiêm tốn.

TP.HCM “vắng bóng” nguồn cung mới, đất nền chủ yếu đến từ các dự án phân lô hộ lẻ, quy mô nhỏ từ 1 – 2 hecta. Nguồn cầu toàn thị trường giảm mạnh, tỉ lệ tiêu thụ chung chỉ đạt 34%. Trong khi đó, tỉ lệ tiêu thụ trong tháng 7/2022 là 48% và tháng 6/2022 là 54%. Dự báo nguồn cung và sức cầu trong tháng 9 có thể sẽ khởi sắc hơn khi các “nút thắt” về nguồn vốn tín dụng có khả năng được tháo gỡ.

Thị trường nhà phố, biệt thự cũng không mấy
Thị trường nhà phố, biệt thự cũng không mấy "sáng sủa".

Trong khi đó, đối với phân khúc nhà phố, biệt thự thì cả TP.HCM và các tỉnh lân cận có tổng cộng 350 căn và tiêu thụ được 78 căn trong tháng 8/2022.

Cụ thể, TP.HCM có 66 căn, tiêu thụ chỉ 4 căn; Bình Dương có 50 căn, tiêu thụ 8 căn; Long An có 54 căn, tiêu thụ 6 căn; riêng Đồng Nai có đến 180 căn và tiêu thụ được 60 căn.

Đại diện DKRA, cho biết nguồn cung nhà phố, biệt thự đã sụt giảm mạnh so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai. Nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án mở bán trước đó. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới.

Đơn vị nghiên cứu cho rằng, việc khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng cùng với tác động tâm lý từ tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) đã ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu của thị trường nhà phố, biệt thự. Lượng tiêu thụ duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 22%. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng 7/2022.

“Việc thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản ở mức trung bình, mặt bằng giá không có nhiều biến động đã khiến nhà đầu tư bị ảnh hưởng dòng tiền do một số dự án xuất hiện việc giảm giá”, DKRA nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Khẩu vị lạ của người mua nhà phía Bắc


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày