Công Nghệ

Nền kinh tế chia sẻ: Ai cũng có phần!

Thứ Ba | 29/09/2015 08:30

GrabTaxi và Uber là những điển hình thành công của việc đưa “nền kinh tế chia sẻ” vào thị trường Việt Nam, mang lại lợi ích cho nhiều tầng lớp xã hội.

Thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” vốn đã không còn quá xa lạ. Tại Việt Nam, làn sóng kinh doanh dựa trên những nguồn lực sẵn có từ xã hội đang ngày càng mạnh mẽ và góp phần làm cho sự lựa chọn của người dùng thêm phong phú. Có thể kể đến như mô hình Airbnb (chia sẻ chỗ ở), Taske (kiếm người giúp việc), Eduu (chọn gia sư), Ahamove (tìm xe tải) hay Uber và GrabTaxi ở lĩnh vực vận chuyển hành khách.

Mỗi ứng dụng kể trên đều nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu thường ngày của con người một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, trong đó vẫn có những sự cạnh tranh và có phần đối nghịch ở định hướng phục vụ thị trường. Tiêu biểu là GrabTaxi, đại diện cho phân khúc đại chúng; và Uber, biểu tượng của sự “hoành tráng”.

Trước hết là GrabTaxi. Nếu như trước đây, GrabTaxi chỉ là một ứng dụng kết nối xe taxi với hành khách thì nay, mô hình này đã tích hợp thêm tính năng GrabBike tại Việt Nam, cho phép người dùng gọi được cả xe ôm. Ngày 23.9 vừa qua, GrabTaxi cũng vừa tổ chức sự kiện tuyển dụng tài xế cho GrabBike và đã thu hút thêm gần 5.000 ứng viên đăng ký vào hệ thống.

Xuất hiện từ hơn 1 năm trước, GrabBike được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đi lại cho người dùng và giảm bớt lưu lượng xe máy trên đường. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai sở hữu một chiếc xe máy cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập nhờ tham gia vận chuyển hành khách và hàng hóa thông qua GrabBike. Nếu vận hành hiệu quả, mô hình kinh tế chia sẻ này sẽ có thể tạo tác động tích cực đến Việt Nam, khi mà cả nước hiện có khoảng 39 triệu môtô, xe máy.

Việc ra mắt tính năng GrabBike còn thể hiện bước đi mở rộng trong hoạt động kinh doanh của GrabTaxi. Hãng này lựa chọn chiến lược phát triển đa dạng hóa sản phẩm theo chiều ngang với tham vọng tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu di chuyển bằng nhiều loại phương tiện phổ thông như taxi và xe máy. Ngoài ra, mục tiêu phục vụ đại chúng còn được GrabTaxi củng cố khi họ liên tục phát triển các lựa chọn GrabTaxi tiết kiệm (6.000 đồng/km) và xe ôm GrabBike siêu rẻ (3.000 đồng/km). Trong khi đó, đối thủ Uber dù gia nhập thị trường Việt Nam muộn, nhưng lại gợi nhiều liên tưởng đến một dịch vụ “sang trọng” hơn.

Nguyên nhân là ngay từ khi xuất hiện, Uber đã tập trung vào thị trường vận chuyển hành khách cao cấp với dịch vụ UberBlack. Dù sau đó, Uber đã phát triển dịch vụ UberX giá rẻ (5.000 đồng/km), nhưng đối tượng khách hàng hướng đến vẫn nằm ở phân khúc cao cấp do họ chỉ có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đến trước thời điểm 21.8.2015, mọi giao dịch của Uber tại Việt Nam đều qua thẻ. Điều này đã giới hạn số lượng khách hàng của mô hình này, bởi người Việt vẫn rất phụ thuộc vào tiền mặt. Tuy nhiên, hiện Uber đã chấp nhận thêm phương thức thanh toán bằng tiền mặt bên cạnh thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, khác với GrabTaxi mở rộng theo chiều ngang, chiến lược mà Uber khai thác lại là đa dạng hóa sản phẩm theo chiều dọc. Hãng này chỉ tập trung phát triển các sản phẩm dành cho đối tượng duy nhất là khách hàng muốn di chuyển bằng xe ôtô.

Các gói sản phẩm của Uber thể hiện sự phân loại sâu về nhu cầu của nhóm đối tượng này. Trải rộng từ UberX, UberBlack, UberEXEC, dịch vụ vận chuyển hành khách của Uber đưa ra mức giá tùy theo nhu cầu về dòng xe được lựa chọn. Uber sử dụng tất cả các dòng xe từ bình dân (Kia Morning, Honda City) đến trung lưu (Toyota Innova, Mercedes) và cao cấp (BMW, Audi, Limousine). Những lựa chọn này thể hiện mức giá khách hàng sẵn lòng chi trả cho sự tiện nghi của chuyến hành trình. Và dù đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa theo hai phương khác nhau, nhưng Uber và GrabTaxi vẫn cạnh tranh nhau ở phân khúc khách hàng muốn dùng phương tiện ôtô bình dân và trung cấp.

Có thể nói, cuộc đua giữa Uber và GrabTaxi tại Việt Nam là một câu chuyện thú vị vẫn chưa đến hồi kết. Cả hai đều là những mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên khái niệm “nền kinh tế chia sẻ”, và hướng đến phục vụ những tầng lớp khác nhau của xã hội. Về phía người dùng, dù là học sinh còn đang đến trường hay những chủ doanh nghiệp lắm tiền nhiều của, tất cả đều được phục vụ chu đáo bởi Uber hoặc GrabTaxi. Thậm chí trong tương lai, vẫn có khả năng Uber sẽ mở rộng sang các lĩnh vực vận chuyển khác để đa dạng hóa sản phẩm của mình hay chia sẻ miếng bánh thị trường với GrabTaxi. Ví dụ ở Mỹ, Uber đã phát triển dịch vụ UberKittens và UberEats để giao thú nuôi và thức ăn.

Dù theo đuổi chiến lược nào, GrabTaxi và Uber đều là những điển hình thành công của việc đưa “nền kinh tế chia sẻ” thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Xu hướng chia sẻ nguồn lực này đang dần thay thế kinh tế truyền thống trên thế giới, nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ để giảm chi phí giao dịch và tiết kiệm tài nguyên.

Tất nhiên, sự thay đổi mới mẻ này khi du nhập vào Việt Nam cũng đã gặp không ít khó khăn về vấn đề pháp lý và sự phản đối của các doanh nghiệp truyền thống cùng ngành. Nhưng điều này cũng sẽ khó lòng cản bước phát triển của những xu thế kinh doanh hiện đại, nhờ chúng đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dùng.

Gia Linh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày