Kinh Doanh

Mỗi năm cần 7-10 tỉ USD để phát triển nguồn điện

Hải Hòa Thứ Tư | 22/07/2020 14:05

Đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn.

Cần nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn.

Phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn

Sáng nay 22.7 tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sự kiện tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu địa phương và trực tuyến, quy mô hơn 1.000 đại biểu, 63 điểm cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, 30 điểm cầu quốc tế, 15 quốc gia và 4 hội thảo chuyên đề.

Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để chuyển giao hiệu quả sang định giá theo thị trường, nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần phải xây dựng một kế hoạch cải tổ giá toàn diện và giảm thiểu tác động của Nhà nước lên định giá năng lượng.

Thực tế cho thấy, các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt. Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành.

Mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là một sức ép. Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỉ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035. Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tại Việt Nam, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới chuyển tải điện, tương đương khoảng 7-10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về chính sách, các quy định liên quan đến công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Để khắc phục các hạn chế trên, trong thời gian tới, cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí… để hạn chế sự chồng chéo giữa các luật.

Đồng thời xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển năng lượng cũng như cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn.

Xóa độc quyền, thu hút nguồn vốn tư nhân

Đáng chú ý, các chính sách hiện nay khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Việc tháo gỡ độc quyền, gỡ bỏ rào cản, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng, giúp khối tư nhân tham gia vào ngành năng lượng, thu hút nguồn cung, nguồn cầu về vốn khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, cho biết, tư nhân có thể làm được nhiều việc trong phát triển năng lượng. Ông cho biết doanh nghiệp  đã xây dựng được một đường dây 500 kV chỉ mất 7-8 tháng, giải phóng mặt bằng 700 ha chỉ mất khoảng 45 ngày. Ông hoan nghênh nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cho rằng đó là đòn bẩy để tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn rất cần Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý cụ thể, đưa ra điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Angelin Energy, cho biết, Quyết định 55 tạo điều kiện giúp những doanh nghiệp tư nhân như Angelin Energy có cơ hội tham gia mạnh mẽ hơn trong ngành, hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư dài hạn cho các dự án.

Doanh nghiệp mang đến kinh nghiệm kinh doanh quốc tế mảng khí thiên nhiên, xây dựng các cảng LNG, con đường xây dựng phát triển năng lượng khí, năng lượng sạch, kinh nghiệm phát triển tại các thị trường quốc tế và có những đề xuất đến Chính phủ, cơ quan ban ngành về quy chuẩn kỹ thuật, khung pháp lý cho lĩnh vực này. Vừa qua JAPEX - Japan Petroleum Exploration chính thức trở thành đối tác chiến lược của Angelin Energy trong việc xây dựng các dự án SSLNG tại Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ trưởng cho biết sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng. Ông nhấn mạnh tiềm năng của khu vực tư nhân là rất để tham gia vào hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày