Tài Chính

Cổ phiếu cơ khí công nghệ cao đầu tiên lên sàn

Ngọc Thủy Chủ Nhật | 03/12/2023 21:56

Một trong những công ty cơ khí công nghệ cao đầu tiên đã niêm yết tại sàn HOSE. Đó là công ty như thế nào?

Ngày 1/12/2023, 25 triệu cổ phiếu của  CTCP Tập đoàn cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group, mã CK: SBG) đã niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong những công ty cơ khí công nghệ cao đầu tiên niêm yết tại HOSE.

SBG là ai?

SBG được thành lập năm 2015, với tên tiền thân là CTCP Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế… Đến năm 2022, Công ty đổi tên thành Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng.

Hiện tại, Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực: cơ khí chế tạo – xây dựng (với sản phẩm nhà thép tiền chế, hệ thống silo, quạt turbo…) , cơ khí nông nghiệp; thương mại (kinh doanh nông sản) và cung cấp dịch vụ (công nghệ cao); năng lượng (điện mặt trời). Theo báo cáo thường niên gần nhất, Siba Group có 3 công ty con (Đầu tư Xây dựng Sibacons, Năng lượng sạch Vmeco Đồng Tháp, Năng lượng sạch Vmeco Bạc Liêu) và 3 nhà máy cơ khí (ở Vũng Tàu, Bạc Liêu và Nghệ An).   

SBG cũng đang có hợp đồng gần 1.000 tỉ đồng chuyên cung cấp thiết bị, thi công xây dựng... với CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, CTCP Chăn nuôi Nam An Khánh, CTCP XNK Cao Thăng.

SBG cũng có mạng lưới các nhà máy đã và đang phát triển trải dài tại các tỉnh như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An và Hưng Yên. Theo ông Nguyễn Văn Đức,  CEO của Siba Group: "Việc niêm yết lần đầu của SBG đánh dấu một chương mới của Công ty trên hành trình trở thành tập đoàn cơ khí hàng đầu của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng".

Tại thời điểm tháng 9/2023, Siba Group có 2 cổ đông lớn gồm Siba Holdings sở hữu 55,6% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Đức (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 6,06% vốn điều lệ. Siba Holdings cũng đang là cổ đông lớn nhất nắm 40% vốn tại CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF).

Năm 2023, Siba Group lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 4.101 tỉ đồng đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỉ đồng. Đến 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.091 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 31 tỉ đồng, lần lượt tăng 7,4% và 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 75% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Trong thị trường tỉ USD

Theo báo cáo thường niên, SBG đang ghi nhận doanh thu chủ yếu ở mảng thương mại, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng doanh thu của Siba Group. Nhưng chiến lược của SBG là giảm dần mảng thương mại để tập trung vào cơ khí, năng lượng. Ngoài ra, SBG cũng tăng tốc mảng dịch vụ, tức cơ khí công nghệ cao, với doanh thu mảng này năm 2022 đạt hơn 400 tỉ đồng, tăng vượt bậc so với con số 114 tỉ đồng của năm trước đó. Nhóm khách hàng giữ vai trò quan trọng cho mảng cơ khí công nghệ cao của SBG gồm nội bộ (các công ty liên quan đến Tập đoàn) và thị trường bên ngoài. Năm 2022, nhóm khách hàng nội bộ chiếm hơn 46% doanh thu mảng cơ khí công nghệ cao của SBG. Tương lai, SBG đặt mục tiêu duy trì cơ cấu này.

 

SBG cũng đang đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ vào trong sản xuất, vừa giúp mảng cơ khí công nghệ cao có biên lợi nhuận gộp cao hơn vừa góp phần giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Siba Group cũng chú trọng đến việc tinh chỉnh và tối ưu hóa quy chuẩn hoạt động, điển hình là việc đưa vào vận hành hệ thống chuyển đổi số RISE with SAP. “Việc chuyển đổi số trên nền tảng SAP giúp chúng tôi sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới ", Ông Nguyễn Văn Đức cho biết. SBG đặt mục tiêu trở thành top 10 thương hiệu phổ biến, giá trị nhất thế giới và năng cao vị thế thường hiệu Việt ngang tầm với Châu Âu.

Thực tế, cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí tương đối rộng mở, với quy mô thị trường lên tới hàng tỉ USD. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) từng phân tích, riêng với các dự án điện gió ngoài khơi, các doanh nghiệp Việt có thể hoàn toàn làm chủ và chế tạo được phần chân đế cho các trụ. Với mỗi tấn tương đương 4.000 USD cả chi phí vật tư, mỗi năm trung bình sẽ có khoảng 1,2 tỉ USD thị phần cho các doanh nghiệp chế tạo trong nước.

Mở rộng hơn, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) phân tích, trung bình 5, 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỉ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Bên cạnh đó, Việt Nam dự kiến sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021-2030 khoảng 133 tỉ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỉ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Con số thực tế cho thấy, thị trường cơ khí nội địa trong những năm tới vẫn rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm cả Siba Group sẽ phải tăng tốc để nắm bắt các cơ hội từ thị trường. Cùng đó là liên doanh liên kết để tạo thêm sức mạnh. Xa hơn, Việt Nam cần chính sách, cơ chế hỗ trọ. Bởi như ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), chia sẻ: đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một nghị quyết của Chính phủ cho riêng ngành cơ khí. Chính vì thế, các doanh nghiệp cơ khí vẫn chưa có được một chính sách để phát triển, đang phải tự tìm lối đi.

Có thể bạn quan tâm:

Chân dung nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày