Tài Chính

Hai chiều tác động của tỉ giá

Ngọc Tâm Chủ Nhật | 22/10/2023 19:02

Trước áp lực tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút bớt dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm hạn chế đầu cơ tỉ giá. Ảnh: TL.

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024.
Trước áp lực tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút bớt dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm hạn chế đầu cơ tỉ giá. Ảnh: TL.

Áp lực tỉ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 9 khi tỉ giá USD/VND đã tăng lên mức 24.396 vào ngày 10/10/2023, tăng 1,3% so với cuối tháng 8 và tăng 3,2% so với cuối năm 2022. Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, có 3 nguyên nhân chính đã gây áp lực lên tỉ giá USD/VND. 

Đầu tiên là quyết định nâng trần nợ công của Mỹ. Cụ thể, sau quyết định nâng trần nợ công của Mỹ, chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. 

 

Thứ hai, sự gia tăng đầu cơ tỉ giá nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, được hỗ trợ bởi xu hướng mạnh lên của chỉ số DXY (lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023). 

Thứ ba, lạm phát trong nước có xu hướng gia tăng kể từ cuối quý III/2023. Bên cạnh đó, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực, như đồng Rupiah của Indonesia (+1,1% so với đầu năm), Peso của Philippines (+2,0% so với đầu năm), Nhân dân tệ của Trung Quốc (+5,3% so với đầu năm), Baht của Thái Lan (+5,8% so với đầu năm) và Ringgit của Malaysia (+7,4% so với đầu năm). 

 

Theo VNDirect, tỉ giá tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân). Nó cũng làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, khi áp lực từ tỉ giá càng lớn, thì càng ít dư địa cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. 

“Chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 vì Ngân hàng Nhà nước cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỉ giá và lạm phát gia tăng”, VNDirect nhận định. 

Trước áp lực tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút bớt dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm hạn chế đầu cơ tỉ giá. VNDirect kỳ vọng tỉ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ được duy trì trong khoảng 24.300-24.600 trong tháng 10 trước khi nguồn cung USD cải thiện vào cuối năm giúp hạ nhiệt áp lực tỉ giá. 

 

“Chúng tôi thấy rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỉ giá, bao gồm: (1) thặng dư thương mại cao, (2) FDI và kiều hối ổn định và (3) nguồn cung ngoại tệ tăng thêm từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cho rằng việc đồng VND giảm giá vừa phải so với đồng USD (~3%) sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng điều này ít có khả năng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài rút mạnh ra khỏi Việt Nam”, VNDirect đánh giá thêm. 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng từ nay tới cuối năm, áp lực tỉ giá vẫn luôn thường trực ít nhất cho tới tháng 11. Tuy nhiên VCBS duy trì đánh giá trong điều kiện thuận lợi, VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý ~3% so với đồng USD. 

Có thể bạn quan tâm 

Tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt 7%


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày