Bất động sản

Bài toán “ai cũng có chỗ ở”

Hải Đăng Thứ Năm | 10/07/2025 07:30

So với các nước phát triển, tỉ lệ giá nhà ở/thu nhập bình quân ở Việt Nam (đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM) cao hơn đáng kể. Ảnh: TL

Chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh cơn sốt bất động sản kéo dài nhiều thập niên.
So với các nước phát triển, tỉ lệ giá nhà ở/thu nhập bình quân ở Việt Nam (đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM) cao hơn đáng kể. Ảnh: TL

Trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ mới đây chỉ đạo quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi, lũng đoạn thị trường bất động sản, đặc biệt là chỉ đạo “đảm bảo mọi người dân đều có chỗ ở”.

Trong bối cảnh cơn sốt bất động sản kéo dài nhiều thập niên đã đẩy giá nhà vượt qua tầm với của số đông người dân, mục tiêu này không hề dễ dàng, đòi hỏi một giải pháp đột phá. Đây là bất hợp lý lớn nhất và nhức nhối nhất của thị trường nhà ở Việt Nam.

So với các nước phát triển, tỉ lệ giá nhà ở/thu nhập bình quân ở Việt Nam (đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM) cao hơn đáng kể. Chẳng hạn, tỉ lệ này ở TP.HCM là khoảng 32,5 lần, Hà Nội là 18,3 lần, trong khi ở Seoul là 17,3 lần, Tokyo 16,1 lần và Singapore 13,7 lần. Điều này khiến việc sở hữu nhà trở nên xa vời đối với đại đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, thậm chí cả một bộ phận người có thu nhập khá.

 

Trong khi đó, công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị. “Họ không cần một căn hộ cao cấp, một căn nhà đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có được một nơi ở tươm tất để nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau những giờ làm việc vất vả với giá cả hợp lý để thuê hoặc sở hữu trong khả năng của mình”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết. Có thể thấy, thị trường nhà ở Việt Nam bị méo mó nhiều năm qua khi mang nặng tính đầu cơ, đẩy giá nhà lên cao một cách bất hợp lý, tạo ra bong bóng bất động sản và sự thiếu ổn định cho thị trường.

Ở khía cạnh này, Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia phát triển vốn tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và ổn định thị trường bất động sản. Singapore là một ví dụ điển hình về thành công trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho toàn dân. Thành công này chủ yếu dựa vào vai trò chủ đạo của Nhà nước thông qua Hội đồng Phát triển Nhà ở (HDB). HDB được thành lập từ năm 1960 với nhiệm vụ xây dựng hàng loạt khu nhà ở xã hội chất lượng cao.

Đến nay, hơn 80% dân số Singapore đang sinh sống trong các căn hộ HDB. Quỹ Tiết kiệm trung ương (CPF) cho phép người dân vay tới 90% giá trị căn nhà với lãi suất thấp và thời hạn trả góp dài (25-30 năm). Ở Singapore, nhà ở được xem là tài sản xã hội chứ không phải là khoản đầu tư tài chính tư nhân. Điều này giúp kiểm soát giá cả và đảm bảo nhà ở luôn trong tầm với của đa số người dân.

 

Hàn Quốc, dù có giá nhà đắt đỏ, đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cung ứng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tương tự Singapore, Hàn Quốc đã thành lập Korea Housing (nay là LH) vào thập niên 70 để chuyên trách phát triển nhà ở xã hội. LH hiện sở hữu 75% tổng số nhà ở xã hội cho thuê ở Hàn Quốc. Chính phủ nước này tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở xã hội để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án. Hàn Quốc đa dạng loại hình nhà ở công cộng bao gồm cả nhà cho thuê và để bán, đặc biệt chú trọng nhà cho thuê với giá thấp phù hợp với người thu nhập thấp.

Những thay đổi tích cực từ hệ thống pháp luật đã góp phần khơi thông dòng chảy đầu tư vào nhà ở xã hội và nhà ở giá vừa túi tiền tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, Nghị quyết 68 trở thành động lực mới cho thị trường bất động sản khi xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kỳ vọng Nghị quyết 68 cũng như chủ trương giảm mạnh thủ tục hành chính của Chính phủ còn mang tới kỳ vọng xóa đi những lo ngại về thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài, làm doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư và làm cho thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, lệch pha sản phẩm, thiếu nghiêm trọng nhà ở bình dân.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đánh giá Nghị quyết 68 sẽ giải quyết những bài toán hóc búa của thị trường. Đó là nhu cầu cấp thiết về nhà ở giá rẻ, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đô thị và phát triển bền vững.

Có thể thấy, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là một kỳ vọng rất lớn, nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Chính phủ cần có chính sách quyết liệt hơn trong việc tạo lập quỹ đất sạch và quy hoạch đồng bộ các dự án nhà ở xã hội với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào nhà ở xã hội thông qua ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng. 

Có thể bạn quan tâm 

Đường đến 1 triệu căn nhà ở xã hội


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày