Chuyên đề

Quyền năng ESG

Ngọc Thuỷ Chủ Nhật | 13/11/2022 15:00

Việt Nam phát triển điện gió để đạt các mục tiêu giảm thiểu carbon.

Sức ép và động lực của việc thực hành ESG ngày càng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp khi đây vừa là trách nhiệm, vừa là lợi ích.
Việt Nam phát triển điện gió để đạt các mục tiêu giảm thiểu carbon.

Tại một diễn đàn cách đây chưa lâu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), chia sẻ suốt 2 năm qua, doanh nghiệp dệt may nào rụt rè trong đầu tư ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố bảo vệ môi trường - trách nhiệm xã hội - quản trị doanh nghiệp) đều không thể nhận đơn hàng giá tốt và đã gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng có lúc bị sụt giảm đến 40-50%.  

SỨC ÉP TỪ MỌI PHÍA

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chịu nhiều áp lực từ phía đối tác, khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điều kiện phải chuyển đổi lên chuẩn mực bền vững trong xử lý nước thải, sử dụng năng lượng, sử dụng lao động... Thậm chí, ở thị trường châu Âu (EU), ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, từng lưu ý: “EU là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Các doanh nghiệp, địa phương cần thay đổi để có thể tiếp cận thị trường”.

Ngay quy định của Việt Nam cũng ngày càng yêu cầu cao về thực thi các chỉ số môi trường. Bởi vì, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt khí phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Muốn thế, Việt Nam cần loại bỏ dần nhiệt điện than (đến năm 2040), chấm dứt phá rừng (năm 2030) và giảm khí phát thải nhà kính (năm 2030) từ 9% (qua các nguồn lực trong nước) lên 29% (với sự hỗ trợ quốc tế). Đây là những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

 Vì thế, trong hội thảo “Tương lai ESG - Tương lai Việt Nam” đã được PwC Việt Nam phối hợp cùng Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, bà Nguyễn Thiên Hương, Lãnh đạo chương trình ESG thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), cho biết, thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tùy theo lĩnh vực mà thay đổi nhiều chính sách để thúc đẩy các ngành xanh, hạn chế các ngành nâu (tác hại đến môi trường). Trước mắt, Chính phủ đã yêu cầu hàng ngàn doanh nghiệp kiểm kê khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hay Việt Nam cũng đang có những ưu đãi về phí và hướng tới giảm thuế cho những công ty đầu tư ESG. Các doanh nghiệp cần quan sát để có sự chuẩn bị kịp thời. 

 

Thực tế, theo báo cáo về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” của PwC Việt Nam, 80% doanh nghiệp đã nhận thức tầm quan trọng của ESG và cam kết triển khai. Điều này xuất phát từ tác động chính sách nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, doanh nghiệp chú ý đến ESG chủ yếu vì muốn cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng, duy trì vị thế cạnh tranh cũng như quản trị rủi ro, giúp công ty có thêm sức mạnh nội lực vượt qua các giai đoạn khó khăn như đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Tại Mỹ, 66% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững. Ở Việt Nam, con số này là 80%, theo Nielsen. Xu hướng tiêu dùng xanh đã kéo theo sự phát triển của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Homefood, Hanofarm... “Dưới sự tư vấn hỗ trợ của IFC, để đạt yếu tố phát triển bền vững, thay vì chăn nuôi trong chuồng trại chật chội, BaF sẽ tiến đến nuôi thả theo nhóm và chỉ nuôi bằng cám thực vật”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF, cho biết.

Sức ép ESG không thể không nhắc đến là cổ đông, nhà đầu tư. Ông Pawalit Ua-Amonwanit, Phó Tổng Giám đốc CPFoods, cho biết, CPFoods đã phải thực hành kinh tế tuần hoàn như yêu cầu các nông trại tạo khí biogas để phát điện hoặc làm phân bón, giao 80% nông trại của CP cho nông dân địa phương vận hành... Bởi vì đây là điều kiện cần có để huy động vốn trên thị trường chứng khoán quốc tế. CPFoods hiện đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEx) và hằng năm đều phải thực hiện báo cáo về ESG.

Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, giá trị các khoản vay liên quan đến ESG đã tăng gấp 3 lần trong năm 2021 và các khoản đầu tư ESG hiện chiếm 18% nguồn tài chính nước ngoài cho các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc. Còn theo Morningstar, các quỹ ESG đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 2.700 tỉ USD năm 2021.

Ở Việt Nam, từ IFC đến Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holding và các quỹ như Tundra Frontier, AFC Vietnam Fund đều xét đến tiêu chí ESG trong các khoản đầu tư mới. Thậm chí, Dragon Capital, VinaCapital còn xây dựng bộ tiêu chí riêng về ESG, lập đội ngũ phân tích để theo dõi, đánh giá và xếp hạng ESG cho các công ty trong danh mục đầu tư.

Bà Trần Anh Đào, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho biết khoảng cuối năm sau, Việt Nam sẽ có bộ tiêu chuẩn chung dành về báo cáo ESG cho thị trường vốn ở Đông Nam Á.

MUỐN XANH PHẢI TỐN

“ESG thực ra không mới. Đó là cảm nhận của bất kỳ doanh nghiệp nào khi thực hiện ESG. ESG đâu đó đã là vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh từ trước tới nay của doanh nghiệp. Nhưng sở dĩ ESG trở thành vấn đề quan trọng bởi những rủi ro cùng các cơ hội mà nó tác động”, ông Nguyễn Hoàng Nam khẳng định.

Một ví dụ khá điển hình về thực hành ESG là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). PNJ đã ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng, hơn 11,6% về doanh thu dù năm 2021 chịu những tác động rất lớn của dịch COVID-19: bị gián đoạn sản xuất 90 ngày, không thể kinh doanh 80 ngày và ngành bán lẻ trang sức bị suy giảm nghiêm trọng. 

Nông trại tạo khí biogas để phát điện hoặc làm phân bón của CPFoods.
Nông trại tạo khí biogas để phát điện hoặc làm phân bón của CPFoods.

Dù vậy, PNJ vẫn lội ngược dòng nhờ văn hóa doanh nghiệp và những nỗ lực đầu tư cho ESG, cụ thể hơn là câu chuyện Social (S). Chuỗi siêu thị 0 đồng ra đời giữa cao điểm tâm dịch COVID-19 đã thôi thúc những con người ở PNJ xông ra hành động, sống hết mình, trải nghiệm sâu sắc và có với đồng nghiệp, đối tác những mối quan hệ gắn kết, kỷ niệm, ký ức khó quên. Tất cả giúp PNJ đạt đến một sức mạnh mới, một tài sản mới: tài sản xã hội. Ở lĩnh vực môi trường, từ năm 2017, PNJ đã triển khai chương trình thu gom bụi vàng và tiết kiệm được nhiều triệu USD mỗi năm. 

Ban đầu, PNJ phải tốn thêm chi phí cho đầu tư. Làm sao để không xem đầu tư đó là chi phí? PNJ đã nhìn vào một tài sản khác. Đó là ý thức của nhân viên, là sự chi li, tỉ mỉ rất cần có trong ngành vàng. Từ tài sản vô hình này, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, cho biết PNJ chuyển tài sản ấy qua câu chuyện kinh doanh và tối ưu hóa vận hành. Như vậy, PNJ đổ tiền vào ESG nhưng sẽ thu về ở chỗ khác. “Nếu chỉ thấy các khoản chi ra cho ESG là chi phí thay vì đầu tư, doanh nghiệp sẽ bỏ cuộc trước khi thu về lợi ích”, ông Thông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành Tài chính Vinamilk, nhận xét: “Nếu doanh nghiệp xác định ESG là cơ hội thì việc chủ động thực hiện và tổ chức sẽ bài bản hơn”. Một khi đã cam kết và quyết tâm, theo ông Liêm, từ Hội đồng Quản trị đến Ban lãnh đạo đều sẽ đưa ESG vào trong chiến lược hoạt động và sẵn lòng thay đổi, làm mới, đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG.

Vinamilk đã không ngại chi tiền vào việc xây dựng các trang trại theo chuẩn quốc tế như EU Organic, GlobalGAP. Trước đó, Công ty đã thay đổi cách vận hành, quản trị cũng như bổ sung các quy tắc, quy định... cho phù hợp với chiến lược phát triển bền vững. Đến nay, 95% quy trình, chính sách của Vinamilk đều lên hệ thống điện tử. Về môi trường, Vinamilk xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy cũng như dùng năng lượng mặt trời, biomass, CNG...

Tính ra, số tiền Vinamilk đầu tư cho xây dựng các công trình đạt chuẩn ESG lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Bù lại, suốt 5 năm qua, Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc Top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%. Danh tiếng của Vinamilk được nhận biết không chỉ trong nước mà cả quốc tế, với định giá thương hiệu là 2,8 tỉ USD, tăng 18% năm 2021. Vinamilk thuận lợi trong gọi vốn nước ngoài và đã xây dựng được 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ...

Vinamilk đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho các nông trai xanh.
Vinamilk đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho các nông trai xanh.

Giám đốc ESG, Tập đoàn VinGroup/Công ty VinFast, ông Morgan Donovan Carroll chia sẻ ESG phát triển cùng doanh nghiệp của họ. Chuyển đổi từ sản xuất xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, loại năng lượng xanh hơn, ESG cho phép VinFast có thể đo lường các nỗ lực và thêm giá trị gia tăng cho Tập đoàn. Đầu tư vào 1 trong 3 thứ con người cần là phương tiện di chuyển, VinFast mong muốn có thể phát triển những phương tiện chạy điện thành một hệ sinh thái xanh. Chiến lược chuyển từ xe dùng nhiêu liệu hóa thạch sang xe điện giúp giảm khí thải carbon, nhưng VinFast không dừng lại ở đó mà phấn đấu để toàn bộ chiếc xe đều có thể tái sử dụng...

“Điều này cho thấy nhu cầu ESG từ bản thân doanh nghiệp hơn là từ việc phải tuân thủ quy định”, ông Nguyễn Viết Thịnh, thành viên Ban Cố vấn Chuyên môn của VIOD, nhận xét. Tuy nhiên, luôn có khoảng cách từ cam kết đến thực hành và trong 6 mục đã khảo sát gồm chương trình ESG, cơ cấu quản trị, ban lãnh đạo, mục tiêu và chỉ số ESG, dữ liệu và triển khai, những vướng mắc lớn nằm ở việc nhiều doanh nghiệp chưa rõ về cơ sở dữ liệu (70% doanh nghiệp) và chỉ có một tỉ lệ khiêm tốn thành viên ban lãnh đạo trực tiếp điều hành ESG (35%).

 

“Việc phát triển bền vững còn mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư. Bởi vì, những công ty áp dụng chuẩn mực ESG cao thể hiện doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn”, bà Nguyễn Hoài Thu, thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc Điều hành khối đầu tư của VinaCapital, chia sẻ. Ngoài ra, những doanh nghiệp này luôn tìm cách tối ưu hóa chi phí sản xuất qua việc cắt giảm chi phí nguyên liệu, hoạt động hiệu quả nhờ áp dụng chuẩn mực tốt nhất về môi trường và xã hội.

“Doanh nghiệp đầu tư vào ESG có thể nhận được ưu đãi về tín dụng và việc ưu đãi thuế cũng đang được cân nhắc. Tại Việt Nam đang có chính sách khuyến khích đầu tư các ngành xanh và Chính phủ có thể sẽ thay đổi chính sách đối với các ngành gây ô nhiễm”, bà Thiên Hương cho biết.

TỪ TẦM NHÌN ĐẾN THỰC HÀNH

Việt Nam cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Theo lộ trình quốc gia cũng như xu hướng trên thế giới, phải chăng đã đến thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp Việt đầu tư vào ESG? Từ góc độ quốc gia, ông Andrew Chan, Lãnh đạo Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á, Trung tâm Phát triển Bền vững PwC châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng cần xem xét đến áp lực của việc đầu tư, cân nhắc những yêu cầu của các thị trường giao dịch chính, kỳ vọng của tất cả các bên tham gia (khách hàng, nhà cung cấp và chính phủ) và cân bằng cam kết phát thải ròng bằng 0 với việc phát triển kinh tế. Ông đưa ra ví dụ vì vấn đề nhân quyền, một số nhãn hiệu của Malaysia đã bị cấm tại EU. “Muốn xanh phải tốn chi phí”, ông Andrew phân tích.

 

Ở trường hợp của PNJ, Công ty đều không nghĩ đến lợi ích tài chính trước tiên khi thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị công ty ngoài mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Nhưng dần dần, bà Trần Phương Ngọc Thảo, thành viên Hội đồng Quản trị của PNJ, nhận thấy thực hành ESG có thể giúp nâng cao vị thế, tăng cường mối quan hệ với người lao động, ESG tạo nền tảng tốt để PNJ trò chuyện với khách hàng cũng như góp phần xây nền móng cho ngôi nhà PNJ thêm vững chắc.

Từ đây, PNJ đã quyết định tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro, lập Tiểu ban ESG và cử 3 thành viên Hội đồng Quản trị cùng chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược ESG và định hướng. Theo chia sẻ từ PNJ, sự quan tâm của Hội đồng Quản trị sẽ khiến các thành viên trong tổ chức có cam kết cao về ESG. PNJ cũng xây dựng bộ phận ESG chuyên trách. Với cơ cấu này, hoạt động ESG sẽ chuyên nghiệp, bài bản hơn. 

Rõ ràng, dù nhìn nhận chi phí đầu tư cho ESG là cơ hội trong dài hạn thì đây vẫn là một trong những mối lo của các doanh nghiệp khi thực hành ESG. Vinamilk, REE, PNJ đều là những doanh nghiệp đầu ngành, có nguồn lực mạnh nên có thể chuyển đổi, còn các công ty nhỏ hơn thì sao? 

PNJ tiết kiệm nhiều triệu USD
Từ năm 2017, PNJ đã triển khai chương trình thu gom bụi vàng và tiết kiệm được nhiều triệu USD mỗi năm. 

Lãnh đạo VinaCapital cho biết, điều cần nhất là lãnh đạo cao nhất ở công ty phải nhận thức sớm về ESG và có sự theo dõi, chỉ đạo sát sườn với những hoạt động ESG. Các công ty có thể tự đánh giá cơ hội và rủi ro của mình dựa trên bộ tiêu chí 200 câu hỏi của VinaCapital. Trong lá thư gửi đến 50 doanh nghiệp liên quan, VinaCapital còn đề xuất doanh nghiệp nên tự đặt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn về ESG, có chính sách, chiến lược ESG ngay và theo thực tế. Ngoài ra, các công ty cần cử người chuyên trách, điều phối cho các hoạt động ESG. Doanh nghiệp cũng cần công bố thông tin về ESG theo hướng minh bạch, cởi mở. 

Ở góc nhìn khác, ông Andrew Chan cho rằng, cần đào tạo kiến thức ESG cho toàn doanh nghiệp. Bởi nếu chỉ lãnh đạo thông tỏ về ESG mà cấp dưới, như bộ phận nhân sự, tài chính, mua sắm chưa hiểu ESG để làm gì thì sẽ rất cản trở. 

 

Báo cáo của PwC Việt Nam đã đưa ra 4 lộ trình để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu ESG. Với nhóm khởi đầu, doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các quy định ESG đến công ty, xây dựng cơ cấu quản trị và xác định các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng cũng như thiết lập lộ trình báo cáo về các vấn đề ESG. Với nhóm thực thi, các công ty cần tuyển dụng Giám đốc phát triển bền vững để xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu ESG, thường xuyên trao đổi, báo cáo với Hội đồng Quản trị về tiến độ và hiểu rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp trong báo cáo ESG.

Ở nhóm chiến lược, doanh nghiệp có thể đi con đường như PNJ là có Tiểu ban ESG, có Giám đốc phát triển bền vững, có truyền thông thể hiện cam kết của doanh nghiệp. Ở mức độ dẫn đầu, đó là lúc công ty theo dõi những điểm nhạy cảm trong hệ sinh thái ESG, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, khung quy định.

“Dù theo lộ trình gì thì doanh nghiệp không chỉ nên nhìn ESG như yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Đó còn là cách thức quản trị rủi ro. Trong những giai đoạn biến động, quản trị rủi ro rất quan trọng để giúp doanh nghiệp vượt khó và giữ sự ổn định. Những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng”, lãnh đạo của PwC Việt Nam tư vấn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày