P2P lending bước vào vùng xanh

Mô hình P2P lending cần được kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ đầu. Ảnh: T.L
Khung pháp lý sandbox sẽ mở lối cho P2P Lending và tránh vết xe đổ của mô hình này tại nhiều thị trường khác.Tính thời điểm là một vấn đề khiến giới kinh doanh đau đầu khi quyết định thử nghiệm P2P lending (cho vay ngang hàng) ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trước đó, có khoảng 100 công ty P2P lending trong và ngoài nước tham gia nhưng đã bị kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ người dân.
Theo báo cáo mới nhất được EY công bố vào tháng 11/2024, tỉ lệ người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt 87% vào cuối năm 2023. Đây là bước tiến đáng kể so với mức 69% được ghi nhận trong báo cáo Global Findex 2021 của World Bank.
![]() |
Mặc dù tỉ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng đã tăng, EY chỉ ra rằng một bộ phận lớn dân số, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và cư trú tại vùng sâu vùng xa, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức.
Các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia từng gặp khó khăn tương tự và đã sử dụng P2P lending như một công cụ tài chính hữu hiệu để giúp nhóm này tiếp cận dịch vụ tài chính, đồng thời kích cầu tiêu dùng cá nhân. Ấn Độ vào năm 2014 chỉ có 54% người trưởng thành tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Con số này ở Trung Quốc là 64% (năm 2011), Indonesia là 36% (năm 2016). Tại Indonesia, theo thống kê năm 2023 của OJK, cơ quan dịch vụ tài chính nước này, hơn 100 nền tảng P2P chính thức giúp hơn 30 triệu người lần đầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Trong khi đó, theo báo cáo của CGAP (thuộc World Bank), vào năm 2015 tổng giá trị giao dịch qua các nền tảng P2P lending tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 100 tỉ USD, xác nhận Trung Quốc là thị trường P2P lending lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
Đây được xem là nguyên nhân hợp lý nhất khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở cánh cửa với P2P lending thông qua công bố thử nghiệm sandbox cho các công ty công nghệ tài chính uy tín và đủ điều kiện tham gia thử nghiệm từ quý III/2025.
Có thể ví P2P lending là cầu nối kết nối giữa nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức có dòng tiền nhàn rỗi muốn có lãi suất tốt hơn và các bên đi vay không tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Tima, chẳng hạn, đang đưa ra mức lãi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư, khoảng 15-18% mỗi năm, cao hơn đáng kể so với mức lãi suất ngân hàng truyền thống (khoảng 5-7% mỗi năm), tạo ra kênh đầu tư thay thế hiệu quả cho cá nhân.
![]() |
Công ty đã xử lý hơn 8,2 triệu đơn vay, giải ngân trên 100 tỉ đồng, phục vụ gần 4,9 triệu người vay và thu hút hơn 46.000 nhà đầu tư. “Đây không chỉ là sự kiện mà các fintech mong mỏi, mà còn là lời khẳng định của Chính phủ nhằm lập thể chế cho kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, nơi khát vọng công nghệ giải quyết các vấn đề thách thức của xã hội được pháp luật đồng hành”, ông Trần Thế Vĩnh, Giám đốc Điều hành Tima, nhận định về cơ chế sandbox mở đường cho các fintech tài chính.
Dù có tiềm năng lớn, bài học từ các thị trường đi trước cho thấy mô hình P2P lending cần được kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ đầu. Trung Quốc là bài học điển hình khi từng có thời điểm gần 6.000 nền tảng P2P hoạt động. Nhưng do thiếu quy định rõ ràng, thị trường này nhanh chóng trở nên hỗn loạn với hàng loạt vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi và vỡ nợ hàng loạt, để lại khoản nợ xấu hàng trăm tỉ USD.
Indonesia cũng gặp thách thức tương tự khi hàng ngàn ứng dụng cho vay trực tuyến không chính thức gây ra những hệ lụy tiêu cực như lãi suất “cắt cổ”, đòi nợ phi pháp và đánh cắp thông tin cá nhân. Chính phủ nước này đã phải ban hành những quy định khắt khe hơn về quản lý và giám sát các nền tảng P2P nhằm bảo vệ người dân và ổn định thị trường.
Nhìn về Việt Nam, với sandbox vừa triển khai hiện vẫn còn bỏ ngỏ một số quy định cụ thể. Điều này có thể tham khảo từ các nước khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, chuyển từ thử nghiệm sang thực tế cần đi kèm với những chuẩn mực pháp lý cụ thể. Đặc biệt là các quy định về trách nhiệm pháp lý khi xảy ra rủi ro, cách xử lý nợ xấu và minh bạch điểm tín dụng cá nhân.
Giới chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, các nền tảng P2P phải hoạt động theo cơ chế gần giống như ngân hàng, chịu sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước, có quy định rõ ràng về vốn điều lệ, quy trình giao dịch, đảm bảo các hợp đồng ký kết có giá trị pháp lý và được pháp luật bảo vệ.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư