Chuyên đề

Vốn Việt tăng tốc xa bờ

Sơn Nguyễn Thứ Năm | 08/07/2021 08:00

Dòng vốn đầu tư từ Việt Nam ra thị trường thế giới bất ngờ tăng tốc ngay cả trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh.

Trái ngược với không khí có phần u ám vì đợt bùng phát dịch lần thứ 4, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt lại bùng nổ trong nhiều lĩnh vực và nhiều quy mô khác nhau. 

Chẳng hạn, khá bất ngờ khi TNI King Coffee mở cửa hàng King Coffee đầu tiên tại Anaheim, California (Mỹ). Mục tiêu mà thương hiệu cà phê Việt Nam đặt ra là mở 20 cửa hàng cà phê tại Mỹ vào năm 2021 và đạt tới con số 100 cửa hàng vào năm 2022. “Việc khai trương nhà hàng đầu tiên tại Mỹ đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của TNI King Coffee trên thị trường thế giới”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch kiêm CEO của TNI King Coffee, chia sẻ. 

Dấu ấn của vốn tư nhân

Có thể thấy những người chơi trên thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) là những người năng nổ nhất với tham vọng tiến ra thế giới. Không chỉ có TNI King Coffee, chuỗi Phuc Long Coffee & Tea cũng bất ngờ thông báo mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ. Cửa hàng sẽ mở cửa trong tháng 7 tại Garden Grove, California. Trước đó, chuỗi này đã bán 20% cổ phần cho Tập đoàn Masan với giá 15 triệu USD.

Hay như dòng sản phẩm sữa đậu nành Fami của Công ty Vinasoy chính thức xuất hiện tại các hệ thống siêu thị Trung Quốc và Nhật. Đây có thể coi là một dấu mốc lớn của Vinasoy trên hành trình đưa sữa đậu nành ra thế giới với mục tiêu kế tiếp là thị trường Mỹ, Hàn Quốc và khu vực Trung Đông. Đáng chú ý, Fami đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Hema Thượng Hải. Hema là chuỗi siêu thị thông minh vận hành theo mô hình bán lẻ mới của Tập đoàn Alibaba, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Hema kết hợp giữa hình thức bán hàng offline và online nhờ ứng dụng công nghệ số, mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

Công ty xây dựng Hoà Bình
Công ty xây dựng Hoà Bình

Trong mảng sản xuất, “vua thép” Trần Đình Long bất ngờ vung tiền thâu tóm mỏ quặng có trữ lượng 320 tấn tại Úc. Thương vụ đã nhận được cái gật đầu của Ủy ban Giám sát đầu tư nước ngoài (FIRB) kèm theo kỳ vọng nhà đầu tư đến từ Việt Nam sẽ mua thêm một mỏ nữa tại Úc và bù đắp phần nào nguồn cầu sụt giảm từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại.

Đây có thể xem là nước cờ chiến lược của Hòa Phát khi các mỏ quặng trong nước không còn dư dả như trước. Tập đoàn cho biết đang đặt mục tiêu lượng cung từ Úc sẽ đảm bảo 50% nguyên liệu cho năng lực sản xuất 10 triệu tấn mỗi năm. “Tập đoàn cũng đang nghiên cứu mua một số mỏ than luyện cốc của Úc trong thời gian tới để tự chủ dần nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này”, lãnh đạo Hòa Phát cho hay.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã góp 20% vốn trong một dự án căn hộ cao cấp tại vùng Ontario (Canada) trị giá khoảng 2.500 tỉ đồng. Dự án hiện đã hoàn thành thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết, đang huy động thêm vốn để triển khai thủ tục xin giấy phép xây dựng. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn góp của chủ sở hữu khoảng 114%.

 

Một dự án hỗn hợp khác cũng được Hòa Bình góp 36% ở Ontario với các sản phẩm căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng. Vốn đầu tư dự án khoảng 6.800 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn góp của chủ sở hữu dự kiến khoảng 163%.

Hiệu quả của những dự án này là cơ sở để mở rộng ra thị trường toàn cầu trong tương lai của doanh nghiệp xây dựng - phát triển bất động sản này. Hiện Hòa Bình đã hiện diện tại 5 thị trường ngoài lãnh thổ Việt Nam là Campuchia, Malaysia, Myanmar, Kuwait và Canada.

Mảng công nghệ cao cũng ghi dấu ấn khi VNG bắt đầu triển khai chiến lược mang chuông đánh xứ người. Công ty này mới đây đã mang game mới nhất của mình là OMG! Gods of Three Kingdoms giới thiệu tại thị trường Singapore và Malaysia. Đây là màn ra mắt tiếp theo các sự kiện trước đó ở Thái Lan và Việt Nam. Với kinh nghiệm 16 năm trong ngành game Việt, VNG đang nghiêm túc tiến những bước xa hơn để thực hiện giấc mơ chinh phục đấu trường toàn cầu, mà bắt đầu là các bước đi thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Hàng loạt thương vụ trên cho thấy sự sôi động trong dòng tiền đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 khởi đầu đầy thách thức nhưng làn sóng đầu tư ra nước ngoài có dấu hiệu phục hồi và bùng nổ. Cụ thể, đã ghi nhận gần 547 triệu USD được các nhà đầu tư đăng ký rót vào những dự án ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đáng chú ý, phần lớn dòng vốn nóng chảy vào lĩnh vực khoa học - công nghệ với 270,8 triệu USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, nông - lâm - thủy sản và các dịch vụ phụ trợ. Tổng cộng 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đã nhận đầu tư từ Việt Nam trong 6 tháng, trong đó Mỹ là nước nhận đầu tư nhiều nhất với 302,8 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Campuchia đứng thứ 2 với 89,2 triệu USD. Tiếp theo là Canada và Pháp lần lượt đạt 32,08 triệu USD và trên 32 triệu USD. 

Đáng lưu ý, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ của khu vực tư nhân tăng lên trong khi số dự án đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện... lại sụt giảm.

Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường đầu tư ra nước ngoài trong những năm gần đây để mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu. Lũy kế đến ngày 20.6.2021, Việt Nam đã có 1.420 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 21,8 tỉ USD, chủ yếu trong lĩnh vực khai khoáng (chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư), thứ 2 là ngành nông - lâm - thủy sản (15,3%). Về phương diện quốc gia, Lào là nước nhận đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 23,7% tổng vốn, tiếp theo là Campuchia (13,1%) và Nga (12,9%).

Những người mở đường 

Khi đã chiếm thị phần đủ lớn trong nước, nhiều doanh nghiệp xem thị trường nước ngoài là một bước đi quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp hơn, uy tín hơn trên toàn cầu. 

Tận dụng cơ chế ưu đãi của nước sở tại ở thời điểm khó khăn này cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thuận lợi, nhất là trong bối cảnh một số ngành nghề trong nước có thể đã bão hòa. Đặc biệt, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi để mang vốn đầu tư ra nhiều quốc gia nhằm tận dụng các chính sách ưu đãi.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nếu vẫn giữ mô hình hoạt động trong nước như trước đây, Công ty sẽ rất khó giữ đà tăng trưởng nhanh 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. Bởi theo đúng quy luật này, đến năm 2028, doanh thu của Hòa Bình sẽ lớn hơn tổng sản lượng của cả ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 (16 tỉ USD). Đây là điều khó lòng xảy ra vì thị trường trong nước đang cạnh tranh khốc liệt và đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa.

 

“Hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu. Có như thế, Hòa Bình mới thoát khỏi giới hạn chật hẹp của thị trường trong nước, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Ở VNG, CEO Lê Hồng Minh cho biết mục tiêu của Công ty là phần lớn tổng doanh thu sẽ đến từ thị trường toàn cầu trong 3-4 năm tới. Điều này còn giúp cải thiện giá trị doanh nghiệp và đuổi kịp các đối thủ trong khu vực. Theo trang TechinAsia, VNG và Sea Group là những kỳ lân Đông Nam Á nổi bật trên thị trường gaming. Tuy nhiên, Sea Group đã niêm yết và đạt giá trị vốn hóa hơn 100 tỉ USD, trong khi VNG chỉ hoạt động giới hạn tại thị trường Việt Nam và được ước tính có mức định giá tương đối khiêm tốn là 2,2 tỉ USD. Điều này buộc VNG phải bước ra ngoài lãnh thổ và mở rộng quy mô thị trường toàn cầu.

Dù vậy, sức ép cạnh tranh ngay tại khu vực đang rất khốc liệt bởi Garena của Sea Group có vẻ đang thống trị ở Đông Nam Á và đang tiến xa ở Mỹ Latinh, trong khi gã khổng lồ viễn thông Singtel (Singapore) gần đây đã ra mắt với liên doanh trò chơi của riêng mình mang tên Storms.

Vinfast
Nhà máy lắp ráp xe VinFast tại Hải Phòng

Không vươn ra khơi sẽ không thể biết khả năng của mình tới đâu. Theo ông Lê Viết Hải, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt là có, thậm chí cơ hội đang mở ra lớn hơn. Như trên thị trường xây dựng toàn cầu, sau đại dịch, hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc không còn được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp xây dựng Nhật, Hàn Quốc thì không chỉ kém cạnh tranh ở thị trường Việt Nam mà còn cả ở quốc tế vì giá cao, trong khi không có sự khác biệt nhiều về chất lượng. 

“Các nhà đầu tư ở nhiều nước hiện nay đều quan tâm đến chi phí xây dựng và đang tìm kiếm những nhà thầu khu vực Đông Nam Á để thay thế, trong đó Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội”, ông Lê Viết Hải nhận xét. 

Xu thế các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư ở nước ngoài còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người Việt để giảm tình trạng thất nghiệp, đồng thời giúp cải thiện thu nhập và kỹ năng cho các chuyên gia, kỹ sư Việt. Xét về khía cạnh toàn cầu hóa, cho đến nay Việt Nam cũng chứng kiến một số câu chuyện mang chuông đánh xứ người khá tích cực như cách đi của Tập đoàn FPT. 

Bất chấp COVID-19, trong quý I/2021, FPT ký kết 4 hợp đồng trên 5 triệu USD/hợp đồng tại nước ngoài. Theo đó, doanh thu ký mới ở thị trường nước ngoài của tập đoàn này tăng trưởng 43%, đạt 4.489 tỉ đồng. Theo FPT, đây là cơ sở để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong các quý còn lại của năm 2021. Trước đó, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, nhận xét: “Riêng với FPT, thị trường quốc tế mới là mảnh đất dụng võ. Vươn ra thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam không còn bị bỏ xa hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà chỉ chậm hơn một vài năm”.

Hay năm ngoái, Công ty Vonfram Masan (Đức) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 91,5 triệu USD. Vốn đầu tư từ Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của VinFast tại Đức tăng 32 triệu USD.

Đáng chú ý, nhằm khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã mạnh tay hơn cho các dự án trọng điểm tại Mỹ, Đức. Ngoài ra, tập đoàn này còn có 3 dự án khác ở Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD. Một dự án ở Singapore có vốn đầu tư 20,5 triệu USD. Chỉ trong quý I/2021, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Vingroup đã lên tới 448,5 triệu USD - khoản đầu tư rất lớn so với mức trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Tự tin rằng xe điện Việt có đủ tính năng mà xe Tesla có, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, tính toán, đến năm 2026, sẽ bán hàng trăm ngàn chiếc VinFast sang Mỹ. Thừa nhận “xe điện là thứ không dễ dàng” nhưng ông Vượng nói với các cổ đông rằng: “Đó là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”.

Nhưng theo các chuyên gia, điều quan trọng để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chính là phải có dòng tiền đủ mạnh và vận hành an toàn. Trong khi đó, quy mô và năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn so với các đối thủ khác. Khả năng dự báo rủi ro tại các thị trường xa lạ còn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt. 

Đơn cử như ở Viettel Global, kết quả kinh doanh khởi sắc tại các thị trường khác không đủ bù đắp sự mất mát do những vấn đề bất khả kháng liên quan đến biến động chính trị tại Myanmar gần đây. Sự kiện này đã gây tác động rất lớn đến việc quy đổi kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây, trong đó có công ty liên kết của Viettel Global là Mytel. Kết quả là lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Viettel Global đã bất ngờ ghi nhận mức âm 106 tỉ đồng trong quý I/2021. 

“Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng. Ngoài những nguyên nhân khách quan như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại... thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài”, Bộ Tài chính đánh giá. 

Tuy nhiên, cơn khát tăng trưởng và sự hấp dẫn của những thị trường mới vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn của doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày