Công Nghệ

20 triệu USD bay với drone Made in Vietnam

Trần Chung Thứ Năm | 31/10/2024 06:30

Từ tuổi thơ thiếu thốn, Lương Việt Quốc theo đuổi việc học để thay đổi cuộc đời và trở thành CEO của công ty sản xuất thiết bị bay không người lái.

Lương Việt Quốc cuốn mền quanh người và nằm ngủ dưới sàn nhà, ở nơi cách xa gia đình nửa vòng trái đất. Đó là một đêm của năm 2002 trong căn hộ không đồ đạc mà ông mới thuê tại thành phố Ithaca (New York, Mỹ). Nhưng ông hạnh phúc với thời khắc đó, vì ngày hôm sau sẽ được đi học ở một trong những ngôi trường thuộc Top đầu nước Mỹ.

Hơn 20 năm sau ngày đầu tiên ngủ nơi đất khách quê người, hiện ông và các cộng sự đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng trước khi tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị bay không người lái (drone) “Made in Vietnam” tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, với tổng mức đầu tư ít nhất 20 triệu USD. 

nếu một doanh nghiệp có sáng chế được các quỹ uy tín nước ngoài chấp nhận thì Nhà nước có thể căn cứ vào đó để quyết định tài trợ lại số tiền tương ứng phần trăm giá trị dự án.  Tiến sĩ Lương Việt Quốc, CEO Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Realtime Robotics Inc (RtR)
"Nếu một doanh nghiệp có sáng chế được các quỹ uy tín nước ngoài chấp nhận thì Nhà nước có thể căn cứ vào đó để quyết định tài trợ lại số tiền tương ứng phần trăm giá trị dự án." Tiến sĩ Lương Việt Quốc, CEO Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Realtime Robotics Inc (RtR) cho biết.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc (59 tuổi), CEO Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Realtime Robotics Inc (RtR), kể với Tạp chí NCĐT về hành trình khó tin trong cuộc đời mình, bắt đầu từ ký ức tuổi thơ.

Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi đã đọc nhiều thông tin về ông. Ông có tuổi thơ rất khó quên ở “bên lề cuộc sống”?

Tôi sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em. Mọi người sống và sinh hoạt trên một diện tích sàn nhà khoảng 10 m2. Căn nhà nằm trên nhánh rạch của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM). Trước đây, đó là xóm nghèo dưới đáy xã hội đúng nghĩa... Tôi phải nhặt rác, móc giun chỉ kiếm sống trên dòng kênh đen đó. Có những đêm dầm mình trong nước móc giun 5-6 tiếng, chỉ đủ tiền mua 1 kg gạo.

Rồi cuộc đời thay đổi khi tôi nhận ra giá trị của giáo dục. Tôi học hết chương trình lớp 12 và thi không đậu đại học. Nhưng tôi không dừng ở đó. Tôi chọn học trung cấp rồi lại đăng ký học tiếp lên hệ đại học và dành riêng 2 năm để học tiếng Anh. Từ một người không biết gì về ngoại ngữ, tôi đạt điểm TOFEL đứng thứ 6 trong số 150 thí sinh tại kỳ thi năm 1994. 8 năm sau, tôi giành được học bổng sau đại học Fulbright và học bổng tiến sĩ tại Mỹ những năm tiếp theo. 

Sau này, nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực drone, tôi quyết định mở công ty có trụ sở ở Mỹ vào năm 2014 và chi nhánh sản xuất tại Việt Nam năm 2017. Còn hiện giờ, chúng tôi đang chờ hoàn tất giấy phép xây dựng nhà máy mới tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, mục tiêu đưa nhà máy đi vào hoạt động chậm nhất trong tháng 6/2025.
Sau những gì trải qua, tôi thấy nhiều điều không tưởng đã trở thành hiện thực, kể cả trong giấc mơ tôi cũng chưa từng nghĩ tới. 

Ông có nghĩ rằng câu chuyện đổi thay của cuộc đời mình sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người? 

Câu chuyện của tôi là một phần của tảng băng chìm. Hãy nghĩ rằng, hình ảnh của tôi và một số cá nhân thành công khác nữa nằm ở phần chóp của tảng băng, tức là được mọi người nhìn thấy. Chúng tôi được nổi trên bề mặt nước, nhưng phần còn lại của tảng băng, phần chìm dưới nước lớn hơn nhiều. 

Do vậy, nếu xã hội quá chú trọng kể về những tấm gương sống thì chúng ta sẽ quên rằng, cứ một tấm gương xuất hiện, sẽ có hàng ngàn, hàng ngàn đứa trẻ khác còn vật lộn trong thế giới nghèo khổ. Không bao giờ được quên những đứa trẻ này, xã hội phải giải quyết được vấn đề của chúng, đó mới là điều cần hướng tới.
 
Nói đến hoạt động kinh doanh, quyết định quay về Việt Nam và sản xuất drone của ông có phải do giá nhân công rẻ? 

 

Hiện tại, địa điểm sản xuất của Công ty đặt tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM). Năm 2022, RtR là công ty đầu tiên xuất khẩu drone HERA 100% “Made in Vietnam” ra thế giới. Điều này nói lên giá trị chất xám người Việt có thể cạnh tranh toàn cầu chứ không phải mức giá nhân công.

Dẫn chứng, drone HERA đang được đối tác sử dụng trong hoạt động kiểm tra cơ sở hạ tầng như điện gió, điện mặt trời, đường điện cao thế, cầu đường...; lực lượng cảnh sát Mỹ dùng trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn, trinh sát. Đặc biệt, sản phẩm này được Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (một trong những viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất tại Mỹ, nơi chế tạo bom nguyên tử) dùng để bay ứng phó trong các trường hợp nguy hiểm như rò rỉ phóng xạ hoặc hóa chất.

HERA được bán với giá từ 35.000-50.000 USD/chiếc, cao hơn giá các sản phẩm khác trên thị trường từ 20-30%. Phần chênh lệch đó đến từ chất xám của đội ngũ kỹ sư. Cuối tháng 10, chúng tôi sẽ ký một hợp đồng cung cấp drone cho đối tác Mỹ, trị giá 5 triệu USD.

Chưa dừng lại, chính những kỹ sư Việt trong Công ty vừa sáng chế thành công OmniSight Gimbal. Đây là khung camera chống rung thông minh đầu tiên trên thế giới, hoạt động theo nguyên lý của mắt tắc kè hoa, với 2 camera tương ứng như 2 mắt tắc kè. Các kỹ sư còn cấy “bộ não” trí tuệ nhân tạo để điều khiển 2 mắt phối hợp với nhau hoặc hoạt động độc lập, thu thập hình ảnh theo thời gian thực, tăng hiệu suất thu thập dữ liệu ảnh cũng như tầm quan sát. Đây là ý tưởng 100% của người Việt và sản phẩm đã được cấp 2 bằng sáng chế của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Mỹ. Dự kiến, RtR bán sản phẩm này trong năm 2025 với giá từ 12.000-40.000 USD/chiếc.

Trong hành trình startup 10 năm qua, có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực mà Công ty ông đang theo đuổi không?

Quả thực, tôi may mắn vì có những nhà đầu tư thiên thần, họ đầu tư 4 triệu USD vào Công ty từ khi tôi khởi nghiệp. Họ đặt niềm tin vào những gì chúng tôi làm thời điểm đó, được ăn cả ngã về không. 

Nói về hỗ trợ vốn cho startup, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách cho các công ty theo kiểu khởi nghiệp rủi ro như chúng tôi. Chúng ta chưa có cơ chế để lĩnh vực công chấp nhận rót tiền cho một startup, rồi thành quả phát minh có thể là con số 0. Trong khi đó, tại Mỹ có America’s Seed Fund, hoạt động như một quỹ ươm mầm, chuyên tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, có phát minh đột phá trong mọi lĩnh vực. 

Việt Nam chưa có cơ chế sử dụng vốn công như vậy nhưng chúng ta có thể “đi đường tắt”. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp có sáng chế được các quỹ uy tín nước ngoài chấp nhận thì Nhà nước có thể căn cứ vào đó để quyết định tài trợ lại số tiền tương ứng phần trăm giá trị dự án. Hoặc khi sản phẩm thương mại hóa tốt thì gia tăng hạng mục tài trợ như ưu đãi tiền thuê đất sản xuất… Như vậy, Việt Nam vừa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia sáng tạo, vừa không mất thời gian tìm dự án tài năng. Hãy để thị trường là giám khảo.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày