Hiệu ứng FOMO của vàng
Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga thúc đẩy các ngân hàng trung ương tích lũy vàng. Ảnh: TL
Thị trường vàng đang trong vòng quay của hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ) khi giá vàng liên tục tăng.Đối với thị trường thế giới, vàng có các mục đích sử dụng cơ bản: hàng rào chống lạm phát, phòng vệ trước thảm họa kinh tế và phản ánh lãi suất. Thông thường, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá thấp khoản đầu tư vào vàng vì nó không tạo ra thu nhập. Trong số các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ quản lý hơn 100 triệu USD tài sản, chỉ có 1/4 báo cáo sở hữu cổ phiếu trong các quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF).
Thế giới đổ xô vào vàng
Cũng cần phải chú ý rằng, giá vàng thế giới từ năm 2021-2023 gần như không tăng. Tuy nhiên, khi lạm phát gia tăng và nỗi sợ chiến tranh đã thúc đẩy người ta đổ xô trú ẩn trong vàng. Kèm theo đó là chất xúc tác của nhiều tin đồn như vụ vỡ nợ sắp xảy ra của Mỹ; Trung Quốc và Nga tung ra một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng... Và đến khi các ngân hàng trung ương cũng nhảy vào gom vàng đã khiến giá vàng bước vào thời kỳ hoàng kim mới.
Các công ty quản lý tài sản gia đình, phương tiện đầu tư được giới nhà giàu tư nhân ưa chuộng, có số tài sản được quản lý đã tăng từ 3.300 tỉ USD vào năm 2019 lên 5.500 tỉ USD hiện nay. Nhiều nhà đầu tư trong số này muốn bảo vệ tài sản của mình khỏi những hậu quả thảm khốc và vàng được ưu tiên lựa chọn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu lần đầu tiên vượt 100 tỉ USD trong quý III, chủ yếu do hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Khối lượng nhu cầu vàng toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục: 1.313 tấn.
Nhưng các nhà quản lý dự trữ tại các ngân hàng trung ương mới thực sự thúc đẩy đợt tăng giá gần đây. Tỉ trọng vàng trong dự trữ của ngân hàng trung ương đã giảm trong nhiều thập kỷ, từ gần 40% năm 1970 còn chỉ 6% vào năm 2008. Tuy nhiên, gần đây tỉ trọng vàng đã tăng đều đặn, tăng lên 11% vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga thúc đẩy các ngân hàng trung ương tích lũy vàng. Kể từ đầu năm 2022, cơ quan tiền tệ ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua lần lượt 316, 198 và 95 tấn vàng, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Thay vì đầu tư vào các ETF, các ngân hàng trung ương chủ yếu tích lũy vàng vật chất.
Gần đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho sự biến động lớn hơn của thị trường. “Cả 2 ứng cử viên tổng thống đều đề xuất các chính sách lạm phát, điều này sẽ rất có lợi cho vàng”, ông Michael Langford, Giám đốc Đầu tư tại Scorpion Minerals, cho biết. Theo đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025.
Trong nước tìm giải pháp căn cơ cho vàng
Tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, trong bối cảnh giá vàng đã ở mức cao, nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào vàng. Mặc dù giá vàng thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh, nhưng thị trường vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng đang chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, có thể không tăng mạnh như giá vàng thế giới.
Ông Heng Koon How, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB, lạc quan về triển vọng của giá vàng và nâng dự báo lên 2.800 USD/ounce cho quý I/2025. Mặc dù vậy, ông cũng đưa ra khuyến cáo: “Duy chỉ có rủi ro chính đối với dự báo tích cực của chúng tôi là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất, từ đó có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại của giá trị USD và điều này sẽ gây bất lợi cho giá vàng”.
Thực tế, để bình ổn thị trường, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường và phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp. Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định được đánh giá đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỉ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, trong khi vàng miếng đã được đưa vào diện bình ổn thì vàng nhẫn vẫn vận hành theo quy luật cung cầu và đang tạo cơn sốt khi lên đến 89 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, người dân vẫn rất khó khăn khi mua vàng, phải tìm đến chợ đen...
Có thể thấy những biện pháp can thiệp này vào thị trường vàng chỉ mang tính tạm thời và trong thời gian tới, cần các giải pháp căn cơ hơn. Việc tăng nguồn cung vàng đáp ứng nhu cầu thị trường cần được nhà điều hành đưa ra giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn vì nhu cầu mua vàng của người dân là chính đáng. Hay nói cách khác, các nhà quản lý nên để thị trường vàng vận hành theo cung - cầu bình thường.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng về dài hạn, cần phải tính đến làm sao để thị trường vàng trong nước và quốc tế liên thông. Theo hướng này, Ngân hàng Nhà nước cần phải cho phép các ngân hàng thương mại hoặc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhập khẩu và kinh doanh bình thường. Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.
Trong khi đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất xem xét đến thành lập sàn vàng nhằm kết nối với thị trường vàng quốc tế. Có như vậy mới giảm chênh lệch về giá giữa vàng trong nước và quốc tế, đồng thời giúp cho việc quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới. Ông cũng lưu ý: “Nếu để người dân mua vàng thoải mái sẽ phá vỡ bài toán vĩ mô, vì khi đó sẽ phải bỏ ra lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh một điểm nghẽn này để giải quyết điểm nghẽn lớn hơn, đó là giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô”
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỉ USD
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư