Công nghệ cấy chip não của tỉ phú Elon Musk được cấp phép thử nghiệm trên người
Sự chấp thuận của FDA là một bước ngoặt quan trọng đối với công nghệ của Neuralink. Ảnh: Bloomberg.
Neuralink, công ty công nghệ thần kinh do tỉ phú Elon Musk đồng sáng lập, mới đây thông báo đã nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong nghiên cứu cấy chip não trên người.
Sự chấp thuận của FDA là một bước ngoặt quan trọng đối với công nghệ của Neuralink. Theo đó, đây sẽ là tiền đề cho những nghiên cứu trong tương lai của công ty nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là công nghệ cho phép bộ não giao tiếp và tương tác trực tiếp với máy tính.
Thành lập vào năm 2016, Neuralink đã thu hút một số nhà thần kinh học hàng đầu tham gia vào nghiên cứu cấy ghép não, mặc dù nhiều người sau đó đã rời đi vì những lý do khác nhau. Trước đó, ông Elon Musk từng nói sẽ mất một khoảng thời gian ngắn nữa để Neuralink đạt được sự chấp thuận của FDA cho các nghiên cứu thử nghiệm trên người.
Neuralink là startup chuyên công nghệ thần kinh do tỉ phú Elon Musk đồng sáng lập vào năm 2016. Ảnh: Shutterstock. |
Về công nghệ của Neuralink, startup của tỉ phú Elon Musk đang phát triển một con chip có thể được gắn vào hộp sọ của người và liên kết với các điện cực truyền vào não người. Các điện cực có thể theo dõi và có khả năng kích thích hoạt động của não.
Song, hiện tại, Neuralink vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi liệu ai sẽ là người đầu tiên trở thành bệnh nhân của thử nghiệm này. Nhiều ý kiến cho rằng đó có thể là một người bệnh gặp vấn đề về thần kinh hoặc một người nào đó muốn thu hút sự chú ý của tỉ phú Elon Musk hay thậm chí là chính bản thân ông.
Mặc dù đã có được sự thông qua của FDA sau khi bị cơ quan này từ chối đơn đăng ký vào đầu năm 2022, nhưng người đại diện Neuralink cho biết cần ít nhất 5-10 năm nữa để việc cấy ghép não và thương mại hóa có thể được giới thiệu chính thức với công chúng. Thông thường, các thử nghiệm trên người cần 5-10 bệnh nhân và mất khoảng 6 tháng để thu được kết quả.
Nếu nghiên cứu diễn ra suôn sẻ, Neuralink sẽ tiến tới một giai đoạn “then chốt”, tương tự như trong nghiên cứu giai đoạn 3 của một loại thuốc bất kỳ trong y học.
Trước đó, các thử nghiệm của Công ty từng vấp phải những ý kiến trái chiều và sự phản đối từ hội bảo vệ quyền động vật. Sau đó tiếp tục bị điều tra vì cáo buộc vận chuyển các thiết bị bị ô nhiễm lấy từ trong các cuộc thử nghiệm với khỉ.
Một điều khác cần lưu ý, Neuralink không phải là doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận cấy chip vào não con người. Năm 2021, Synchron, một startup chuyên phát triển các giải pháp công nghệ thần kinh, đã nhận được sự chấp thuận từ FDA để bắt đầu thử nghiệm tại Mỹ và đã công bố ca cấy ghép đầu tiên của vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, thiết bị công nghệ của Synchron ít xâm lấn vào mô não của người hơn so với của Neuralink.
Có thể bạn quan tâm:
AI được các tập đoàn y tế ứng dụng chữa trầm cảm và khuyết tật
Nguồn Bloomberg
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư