Công Nghệ

Đường vào Việt Nam của Temu

Huy Vũ Thứ Sáu | 11/10/2024 16:00

Điều Temu “ngán” nhất là vấn đề đến từ Trung Quốc, thị trường chính của PDD, đồng thời là nơi cung cấp nguồn hàng chủ lực của Temu. Ảnh: TL

Tại Đông Nam Á, Temu đã có mặt ở 3 nước là Thái Lan, Malaysia và Philippines. Ngày vào Việt Nam được dự đoán sẽ không còn xa.
Điều Temu “ngán” nhất là vấn đề đến từ Trung Quốc, thị trường chính của PDD, đồng thời là nơi cung cấp nguồn hàng chủ lực của Temu. Ảnh: TL

Theo báo cáo “Temu: 2 years on” của Momentum Works, Temu là thành viên thứ 3 của Tập đoàn PDD Holdings, thành lập vào năm 2022 với nhiệm vụ bán hàng Trung Quốc ra thế giới. 2 công ty còn lại chủ yếu phục vụ thị trường nội địa là Pinduoduo (mạng xã hội mua hàng theo nhóm, thành lập năm 2015) và Duoduomaicai (dịch vụ giao hàng tạp hóa, năm 2020)

 Mô hình hoạt động của Temu theo hình thức ký gửi toàn bộ, tức là các nhà cung cấp sẽ thỏa thuận về giá bán sỉ và gửi hàng đến kho Temu. Các bước còn lại gồm giá bán lẻ, tiếp thị vận chuyển thì Công ty sẽ tự vận hành. Công ty hợp tác với các đối tác giao nhận thứ 3 với tiêu chí lựa chọn là giá cả, khả năng xử lý đơn hàng số lượng lớn và tốc độ. Quy trình giao nhận như sau: từ kho hàng của nhà cung cấp đến Temu là đội vận chuyển trong nước như ZTO, KYE… thực hiện; từ kho Temu đến kho các nước là công đoạn của DHL, FedEx, UPS… và cuối cùng, từ kho đến người mua là các đơn vị vận chuyển last-mile (chặng cuối) ở địa phương như J&T, iMile…

 

Cách làm này sẽ giúp nhà bán hàng có lợi nhuận không đổi dù giá bán hàng giảm để thu hút khách hàng. Lấy ví dụ, một mặt hàng có giá bán lẻ 19 USD trên Amazon, nhà bán hàng phải chịu chi phí sản xuất (6 USD), chi phí vận chuyển, tiếp thị (10 USD), còn lại 3 USD lợi nhuận. Với Temu, chi phí vận chuyển và tiếp thị thì Công ty sẽ chịu, nhưng do tối ưu tốt nên tổng chi phí chỉ 7 USD dẫn đến khách hàng có thể bán với giá 16 USD nhưng vẫn giữ nguyên lợi nhuận là 3 USD.

Dĩ nhiên, Công ty cũng có yêu cầu đối với các nhà cung cấp là mặt hàng đó phải có giá thấp nhất với chất lượng cao hơn cùng mặt hàng trên Taobao. Phương châm của Công ty là “chỉ giá rẻ mới có được sự quan tâm của khách hàng và số lượng  mua hàng lớn”.

“Dù yêu cầu khó khăn nhưng có 3 lý do khiến các nhà cung cấp vẫn làm việc với Temu là đảm bảo đạt được khối lượng bán hàng mong muốn, dễ vận hành và giải phóng hàng tồn kho”, báo cáo của Momentum Works viết.

Tính đến đầu tháng 9/2024, Temu có mặt tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các nước thu nhập cao và trung bình. Báo cáo tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau cho biết GMV (tổng giá trị hàng hóa) của Temu 6 tháng đầu năm nay đạt 4 tỉ USD. Tốc độ phát triển quá nhanh của Temu đã làm dấy lên câu hỏi về tính bền vững của mô hình này. Theo báo cáo tài chính của PDD, thời điểm ra mắt Temu, chi phí bán hàng và tiếp thị của Tập đoàn đã tăng gần 200%, song chỉ số này có xu hướng giảm dần và không ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ròng của Công ty. 

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, đáng lưu ý, trong số 3 doanh nghiệp dẫn đầu về GMV là Shopee (61%), TikTok Shop (24%) và Lazada (14%) thì có đến 2 là đại diện của Trung Quốc, theo báo cáo Momentum Works năm 2023. Trả lời NCĐT qua email, đại diện Momentum Works cho biết danh mục sản phẩm thời trang, phụ kiện, nhà cửa sinh hoạt là các sản phẩm đang được người tiêu dùng Đông Nam Á tìm kiếm trên Temu nên nhiều khả năng đây cũng là các sản phẩm sẽ vào Việt Nam. Về AOV (giá trị đơn hàng trung bình) ở Việt Nam, nếu như Shopee dao động từ 6-8 USD, Lazada từ 8-10 USD và TikTok Shop từ 5-6 USD thì con số này của Temu chưa thể ước tính. 

Đại diện Momentum Works cho biết AOV của Temu trên các thị trường vào khoảng 30 USD. Năm qua, AOV của Temu tại 2 thị trường Đông Nam Á còn thấp hơn mức giá trên. “Tuy nhiên, vì Temu không thực sự tập trung vào hoạt động tại khu vực này nên chúng tôi vẫn chưa biết AOV sẽ như thế nào trong tương lai hoặc khi nào chúng đạt đến trạng thái ổn định”, vị này nói thêm.

Về tốc độ giao hàng cũng sẽ khó là vấn đề với Temu vì hiện Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các chính sách hỗ trợ lưu thông hàng hóa thương mại điện tử ở Đông Nam Á khá tốt. Điển hình như tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã quy hoạch 53 kho bãi tầm nhìn năm 2025 đến năm 2035 tại 6 tỉnh ở các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để phát triển hàng hóa xuyên biên giới. Theo lộ trình quy hoạch, các kho sẽ có diện tích tối thiểu 500 m2/kho với tổng diện tích kho hơn 1,2 triệu m2, thiết kế hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, với chính sách hợp tác cùng các bên vận chuyển thứ 3, Temu sẽ có nhiều lựa chọn cho việc giao hàng chặng cuối.
Dĩ nhiên, Temu vẫn gặp rào cản về chính sách bảo hộ ở các quốc gia. Nhìn chung, thương mại điện tử xuyên biên giới ở quy mô lớn có tác động nhất định đến hệ sinh thái bán lẻ và phân phối tại địa phương. Các chính phủ ở Đông Nam Á cũng phản ứng khá khác nhau, từ hạn chế xuyên biên giới đến đánh thuế đơn giản. “Chúng tôi chắc rằng Temu nhận thức được các chính sách này và sẽ lập kế hoạch hoạt động và cơ cấu chi phí cho phù hợp”, đại diện Momentum Works nói.

Điều Temu “ngán” nhất là vấn đề đến từ Trung Quốc, thị trường chính của PDD, đồng thời là nơi cung cấp nguồn hàng chủ lực của Temu. Cạnh tranh thương mại điện tử ngày càng gay gắt ở Trung Quốc sẽ làm thay đổi chiến lược của các công ty, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Hơn nữa, các cơ quan quản lý có thể can thiệp bất cứ lúc nào. 

Một vấn đề nữa là Temu không đạt mục tiêu doanh thu đề ra trong quý II/2024 dù vẫn đạt mục tiêu lợi nhuận. Đáng nói, cách ban điều hành của PDD quá bi quan với tình hình mới là điều khiến giới đầu tư quan ngại. “Về lâu dài, lợi nhuận giảm là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi đã nhận thấy những thay đổi nhanh chóng trong môi trường bên ngoài, mang lại sự bất ổn lớn hơn đáng kể. Cạnh tranh sẽ tiếp tục và dự kiến sẽ gia tăng trong ngành của chúng tôi”, ông Chen Lei, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn PDD, nhận định.

 

Theo ông Chen Lei, Công ty đang bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao nên sẽ tăng cường đầu tư, vì thế lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều giả thiết đang được đặt ra xung quanh sự bi quan thái quá này và một trong số đó là Công ty không muốn quá nổi để trở thành đối tượng bị hướng tới bởi các quy định quản lý mới.

Với các lý do trên cùng với báo cáo tài chính của PDD từ khi ra mắt Temu cho thấy việc mở rộng của Temu là một chiến lược vừa sức. Vì thế, Tập đoàn sẽ không quá căng thẳng về nguồn lực hoặc đốt nhiều tiền để phát triển Temu.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày