Doanh Nghiệp

Nội địa nhiều cạnh tranh, thị trường quốc tế trở thành động lực chính của VJC?

Phạm Vũ Thứ Sáu | 29/11/2019 15:14

Nội địa cạnh tranh, thị trường quốc tế trở thành động lực chính của VJC . Ảnh: VJC.

Vận tải quốc tế và doanh thu phụ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng trong tương lai của hãng hàng không Bikini....
Nội địa cạnh tranh, thị trường quốc tế trở thành động lực chính của VJC . Ảnh: VJC.

Tiềm năng từ thị trường quốc tế

Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá xu hướng tăng trưởng mạnh của du khách quốc tế tới Việt Nam đã diễn ra liên tục trong những năm gần đây. Đóng góp phần lớn vào đó là hành khách Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, nhờ vào khoảng cách địa lý ngắn, thủ tục visa dễ dàng và có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Ngược lại, các quốc gia này cũng đã có chính sách visa cởi mở hơn với khách du lịch Việt Nam. VDSC cho rằng CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC)  đã tích cực tập trung vào việc mở rộng các tuyến quốc tế mới kết nối Việt Nam với các thị trường tiềm năng này.

 

Theo đánh giá của VDSC, VJC vẫn duy trì vị thế cạnh tranh của mình khi đưa ra giá vé máy bay thấp nhất trên các tuyến quốc tế. VDSC kỳ vọng mảng quốc tế của VJC sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới. Cùng với đó, doanh thu phụ trợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện khi các chuyến bay quốc tế thường tạo ra nhiều doanh thu phụ trợ hơn so với các chuyến bay nội địa.

 

Thị trường trong nước nhiều cạnh tranh

VDSC tin rằng thị trường hàng không trong nước sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng bình thường hóa, sau nhiều năm phát triển nhanh. Hai nguyên nhân cho nhận định trên: (1) Các tuyến đường bay nội địa sinh lời tốt đã được khai thác tối đa bởi các hãng hiện hữu. (2) Hạn chế về cơ sở hạ tầng tại một số sân bay lớn sẽ là trở ngại cho các hãng hàng không nếu muốn tăng thêm tần suất chuyến bay, ảnh hưởng tới tăng trưởng trong trung hạn.

 

Thị trường nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng khi những hãng mới tham gia. 10 tháng sau chuyến bay đầu tiên vào tháng 01/2019, Bamboo Airways (BA) đã có được 5,4% thị phần trong nước.

Thực tế, trong hạng vé Bamboo Plus, giá vé chỉ cao hơn một chút so với hãng hàng không giá rẻ là VJC và thấp hơn nhiều so với hãng dịch vụ đầy đủ như Vietnam Airlines. Với những đặc điểm của các hãng hàng không mới như Bamboo Airways, VDSC cho rằng một bộ phận khách hàng đang sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ sẽ có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ của BA. Cùng với đó, nhiều khả năng BA sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường nội địa sau nhiều đợt giao hàng máy bay vào năm tới. Điều này sẽ gây áp lực lớn hơn đối với hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của VJC.

Trong dài hạn, VDSC đánh giá bối cảnh cạnh tranh sẽ trở nên khó khăn hơn khi có bốn hãng hàng không mới, ngoài BA, đang chuẩn bị gia nhập ngành hàng không. Trong khi Viettravel Airlines và Vietstar Airlines nhắm đến các thị trường ngách (phục vụ các chuyến bay thuê bao và khai thác chuyên cơ), thì Vinpearl Air và Thiên Minh (Kite Air) được kỳ vọng sẽ tham gia vào thị trường hàng không thương mại chính. Trong đó, với việc đội bay dự kiến của Kite Air bao gồm các máy bay thân hẹp, VDSC kỳ vọng hãng này sẽ vận hành mô hình hàng không giá rẻ, và qua đó, cạnh tranh trực tiếp với VJC trong tương lai.

►BVSC: VJC có thể được thêm vào danh mục của quỹ VNM ETF và FTSE ETF

►VNM ETF thêm mới VJC, loại NT2


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày