Kiều bào

Hoạt động người Việt bốn phương tuần qua

Hải Vân Thứ Hai | 10/10/2016 18:14

Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ doanh nghiệp Việt ở Myanmar; Triển lãm “Báu vật khảo cổ Việt Nam” tại Đức; “Tháng ẩm thực Việt Nam” tại Nhật...

Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ doanh nghiệp Việt tại Myanmar

Thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại quan trọng của Myanmar. Theo bà, kết quả này có phần đóng góp quan trọng của các tổ chức của Việt Nam tại Myanmar, các doanh nghiệp và bà con Việt kiều.

Nắm bắt cơ hội mở cửa của Chính phủ Myanmar, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã bước đầu kinh doanh thành công, chấp hành nghiêm pháp luật của sở nước tại, đóng góp vào phát triển kinh tế của Myanmar cũng như của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu để đạt hiệu quả kinh tế cao và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nhân Việt Nam trên đất nước Myanmar.

Hoat dong nguoi Viet bon phuong tuan qua
 

Myanmar đang đẩy mạnh hơn chính sách mở cửa thị trường, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong việc cung cấp thông tin, vận động sự ủng hộ của chính quyền sở tại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam làm ăn ổn định, lâu dài tại Myanmar.

Trên quan điểm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2017, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Cơ quan đại diện sửa đổi. Hiện, Bộ Chính trị đang chỉ đạo xây dựng Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Triển lãm “Báu vật khảo cổ Việt Nam” tại Đức

Trên 400 hiện vật khảo cổ có một không hai của Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học LWL, thành phố Herne (Đức) từ ngày 7.10. Triển lãm trưng bày các hiện vật từ thời kỳ đồ đá như đồ trang sức bằng ngọc, mũi tên, khuyên tai hình đầu các con thú, vỏ thuyền cổ, ngôi đền cao 8 m, trống đồng thời Đông Sơn, tranh thư pháp đến những kỷ vật của thời hiện đại là chiếc gàu sòng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để tát nước. Triển lãm góp phần giúp công chúng Đức và châu Âu tiếp cận gần hơn truyền thống văn hóa của đất nước và con người Việt Nam. Bên cạnh đó, những hình ảnh và phim trong khuôn khổ triển lãm sẽ giúp công chúng Đức được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, một trong những quốc gia được đánh giá là hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Giá trị “Báu vật khảo cổ Việt Nam” đã được những nhà khảo cổ học nghiên cứu, khảo sát và công nhận. Đó không chỉ là món đồ lâu đời mà còn gắn bó mật thiết với lịch sử, quá khứ và chiều sâu văn hóa dân tộc. Cổ vật còn mang đến cho thế hệ hôm nay những hiểu biết biện chứng về lịch sử, tôn vinh một nền văn hóa mà thế hệ ông cha đã gây dựng.

Triển lãm là sự phối hợp của nhiều bảo tàng và trung tâm văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức và Viện Goethe Hà Nội. Theo kế hoạch, “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ được trưng bày tại Đức đến 26.2.2017, bởi sau khi trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học LWL tại Herne, sẽ chuyển sang Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Chemnitz và điểm cuối là Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim.

Hơn 3.000 khách tham dự “Tháng ẩm thực Việt Nam” tại Nhật

Theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật, “Tháng ẩm thực Việt Nam” từ ngày 1-30.9 đã giúp người Nhật hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng của nhiều vùng miền.

Hầu như ngày nào nhà hàng Việt Nam Fair, địa điểm tổ chức “Tháng ẩm thực Việt Nam” cũng đều kín chỗ. Để có được kết quả này, trong quá trình chuẩn bị, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp với khách sạn Nikko Fukuoka xây dựng chương trình, thực đơn, âm nhạc và quà tặng nhằm giới thiệu tới bạn bè nền ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

Nhật được biết đến với nền văn hóa ẩm thực tinh tế, tỉ mỉ trong cách chế biến cũng như thưởng thức món ăn. Những món ăn Việt như gỏi cuốn, nem rán, phở, bánh bèo... không chế biến quá cầu kỳ, nhưng món ăn luôn chất và đặc biệt ngon, đã làm hài lòng thực khách Nhật. Giữ gìn giá trị và nâng tầm ẩm thực Việt là một trong những sứ mệnh quan trọng mà những người tâm huyết với ẩm thực truyền thống gửi gắm đến người dân Nhật trong suốt thời gian diễn ra “Tháng ẩm thực Việt Nam”.

Gần 50 chuyên gia ẩm thực, bếp trưởng khách sạn, những người đã từng sống, kinh doanh tại Việt Nam đã tham gia Hội thảo về ẩm thực Việt Nam, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ “Tháng ẩm thực Việt Nam”. Người Nhật luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những món ăn của Việt Nam vì họ thấy món ăn Việt rất hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe khi đạt các tiêu chuẩn: Không có nhiều dầu mỡ như món Trung Quốc, không cay như món Thái, không nhiều chất béo như món Âu và có rất nhiều rau xanh, nước chấm đi kèm mang hương vị đặc trưng.

Tổng Thư ký Hội người Việt Nam ở Thụy Sĩ nhận bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao

Ông Phạm Hải Bằng, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, vừa trao bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho bà Ngọc Dung Moser, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, thành viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam. Bằng khen ghi nhận những thành tích xuất sắc của bà trong việc củng cố, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Hoat dong nguoi Viet bon phuong tuan qua
 

Đến Thụy Sĩ học tập từ những năm 1970, bà Dung là một trong các sáng lập viên của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam, Hội Người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Hiện nay, trên cương vị Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, bà luôn đi đầu trong công tác vận động người Việt Nam tại Thụy Sĩ hướng về quê hương, tham gia các hoạt động từ thiện, phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông. Tiếp nối những hoạt động không mệt mỏi hướng về quê hương, bà Dung đang chuẩn bị chương trình giảng dạy tiếng Việt dành cho trẻ em Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Khi được giao nhiệm vụ dẫn những người bạn Thụy Sĩ thăm Việt Nam, bà là một hướng dẫn viên xuất sắc, với cơ sở thông tin lịch sử, văn hóa qua từng thời kỳ. Theo bà, có nhiều cách để tiếp cận thông tin nhưng thông tin do con người trực tiếp cung cấp lại có giá trị xác thực, song đó là cách trọn vẹn để giúp những người bạn phương xa hiểu được văn hóa Việt Nam.

Lễ trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao tới bà Ngọc Dung Moser nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ (11.10.1971-11.10.2016).

Hải Vân


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày