Dệt may 2016: Chưa thể qua cơn bĩ cực
Khó khăn trong xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ tìm đối tác bán lại, các doanh nghiệp lớn cố gắng giữ chân khách hàng bằng cách giảm giá bán. Đây là câu chuyện đang xảy ra đối với ngành dệt may Việt Nam và sẽ còn kéo dài trong năm 2016.
Một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) chuyên gia công cho đối tác Mỹ và Nhật 10 năm nay cho biết đơn hàng trong năm vừa qua quá ít khiến tình hình sản xuất của Công ty chững lại. Giám đốc công ty này chia sẻ: “Năm 2014 do nhu cầu của thị trường tăng nên Công ty đã mở thêm nhà xưởng mới tại Bình Dương. Tuy nhiên, nhà xưởng mới vừa đi vào hoạt động một thời gian thì gặp khó do đơn hàng không tăng như mong đợi”.
Một số doanh nghiệp dệt may khác cũng âm thầm rao bán lại nhà xưởng. Trên các trang rao bán, nhiều doanh nghiệp dệt may ở miền Bắc hay miền Nam như Tây Ninh, TP.HCM...đang muốn sang nhượng hoặc rao bán lại với mức giá từ 60 triệu đồng cho đến 35 tỉ đồng, tùy theo quy mô doanh nghiệp và thời gian hoạt động.
Trong buổi họp gần đây của Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek), các doanh nghiệp cũng cho biết nhiều công ty dệt may, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, đang chuyển nhượng lại nhà xưởng.
Theo Agtek, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may vẫn là tính chủ động về nguồn nguyên liệu quá thấp; ước chỉ có khoảng 20-30% doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này do nguồn vốn đầu tư rất hạn chế. Thậm chí, có thời gian các doanh nghiệp trong nước xây dựng xong thì bán cho công ty nước ngoài.
Trong khi doanh nghiệp nhỏ bán nhà xưởng, các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chứng kiến tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chẳng hạn, dù doanh thu năm 2015 tăng 11% so với năm trước, đạt 52.570 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng năm trước đó, đạt 1.350 tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, trong năm qua, doanh nghiệp dệt may phải vừa tìm cách giữ đơn hàng, duy trì doanh thu và lợi nhuận nhưng lại phải giảm giá bán để có thể cạnh tranh với các đối thủ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia...
“Năm 2016, ngành dệt may sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn. Trong đó, tỉ giá tiếp tục biến động, ảnh hưởng đến giá và doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành”, ông Trần Việt, Trưởng ban Tổng hợp và Pháp chế Vinatex, nhận định.
Kế hoạch sản xuất của toàn Tập đoàn Vinatex trong năm 2016 dự kiến tăng 11%, nhưng doanh thu dự kiến chỉ tăng 8%. Theo ông Việt, đó là do yếu tố biến động tỉ giá trong năm 2016 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá sản phẩm.
Lợi nhuận năm 2015 của Vinatex không tăng cũng có một phần lớn là do yếu tố tỉ giá. Cụ thể, việc nhiều nước giảm giá nội tệ, như nhân dân tệ Trung Quốc có lúc giảm giá đến 4,8%; đồng tiền của Ấn Độ và Indonesia... cũng có mức giảm giá cao hơn so với Việt Nam, khiến hàng hóa dệt may Việt Nam khó lòng cạnh tranh được. Do đó, để giữ được đơn hàng cũng như khách hàng, doanh nghiệp dệt may đã phải hạ giá sản phẩm, khiến lợi nhuận giảm so với kế hoạch đề ra.
Mặt khác, trong năm 2015, giá bông và giá sợi filament polyester đều giảm mạnh. Giá bông giảm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất sợi. Có những hợp đồng doanh nghiệp đang giao hàng nhưng bị khách hàng yêu cầu giảm giá, hoặc bị ngưng lại.
Cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là một bài toán khó giải. Theo ông Dũng, Vinatex, mặc dù giá nhân công Trung Quốc tăng nhưng họ chủ động được vấn đề sản xuất nguyên liệu. Nếu so sánh giá nhân công tăng và giá nguyên vật liệu tăng thì khách hàng vẫn chịu được giá nhân công tăng. Vì thế, chỉ khi Việt Nam tăng sản xuất nguyên phụ liệu thì thị trường dệt may Việt Nam mới hấp dẫn hơn các thị trường còn lại.
Ông Dũng nói thêm, ngành dệt may hiện trong giai đoạn chuyển mình; nhiều doanh nghiệp đang tự tạo ra chuỗi cung ứng riêng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp tự tạo chuỗi cung ứng vẫn chưa nhiều.
Một ví dụ ở khâu đầu tư nhà máy sản xuất cọc sợi và dệt nhuộm. Theo ông Dũng, tổng mức đầu tư FDI vào ngành dệt may từ năm ngoái đến nay đạt 1,5 tỉ USD bằng toàn ngành dệt may trong nước đầu tư 20 năm nay và dòng vốn này sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới, gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại không có vốn lớn để đầu tư vào khâu xử lý nước thải nên việc đầu tư nhà máy sợi dệt nhuộm gặp khó.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chiếm phần rất nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu dệt may. Có đến 60-70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối ngoại. Điều này cho thấy doanh nghiệp FDI đang chi phối lớn trong ngành dệt may, theo ông Dũng.
Tính đến thời điểm này, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa cao. Gia công đơn thuần vẫn đạt 40%, sản lượng mặt hàng sản xuất theo FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) đạt 52% và ODM (tự thiết kế, sản xuất) khoảng 8%. Những doanh nghiệp FOB hiện mới chỉ thực hiện được FOB một nửa, rất ít doanh nghiệp đạt được FOB hoàn toàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã khép kín chuỗi cung ứng và tỉ lệ may theo FOB lớn.
Mặc dù các hiệp định thương mại vừa ký cho phép doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng phải đến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018 mới bắt đầu vận hành. Do đó, vào thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lợi từ những ưu đãi này.
Lúc này, triển vọng kinh doanh năm 2016 chưa mấy sáng sủa. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtek, cho biết theo thống kê sơ bộ về tình hình đơn hàng năm 2016 của các doanh nghiệp hội viên trên địa bàn TP.HCM, hiện chỉ có khoảng 80% doanh nghiệp có đơn hàng cho quý I/2016, giá thực hiện hợp đồng vẫn bằng mức năm 2015.
Thanh Hương
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư