Doanh nghiệp đầu tư lớn để sản xuất gia vị từ cá tra
Ảnh: Vasep.
Liên tục đạt lợi nhuận cao qua nhiều năm nhờ xuất khẩu cá tra, mới đây Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) tỏ rõ quyết tâm lấn sân vào ngành hàng tiêu dùng nhanh, bắt đầu bằng việc ứng dụng khoa học và công nghệ mới để sản xuất các loại gia vị làm từ cá chưa từng có trên thị trường. Sau dầu ăn và bơ chiết xuất từ mỡ cá, gần đây, IDI đang phát triển dự án chế biến nước mắm từ huyết cá và sản xuất bột nước dùng cũng từ cá.
Ông Lê Văn Chung, Tổng giám đốc IDI cho biết: “Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 6,3 lần so với năm 2021. Mục tiêu cao dựa trên sự phục hồi kinh tế và sự tăng trưởng của lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng và khách sạn, điều này sẽ thúc đẩy ngành gia vị. Nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi, khách hàng có xu hướng sử dụng nhiều loại gia vị làm từ thực vật và động vật hơn.”
Cũng đầu tư mạnh cho dây chuyền sản xuất gia vị từ cá, cuối năm 2021, dự án "Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shorteing, margarine từ mỡ cá tra" do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai thực hiện vừa được hội đồng khoa học nghiệm thu. Theo PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương, đây là một trong những dự án mang lại giá trị lớn cho ngành chăn nuôi cá tra, cá ba sa.
Nói về lý do sử dụng mỡ cá tra làm dầu ăn và gia vị, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai cho biết, công nghệ sản xuất dầu ăn trong nước dù khá phát triển nhưng chủ yếu là dầu thực vật. Sản phẩm dầu cá mới chỉ có một vài sản phẩm nhập khẩu dùng cho trẻ em. Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sản lượng mỡ cá được loại ra từ ngành công nghiệp chế biến cá tra lên tới trên 1,2 triệu tấn/năm. Phụ phẩm này được bán với giá rất thấp, chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ áp dụng công nghệ này, giá thành cho sản phẩm dầu ăn đã tăng lên đáng kể. Trước đây, dầu cá lỏng có giá 15.000 đồng/kg thì nay tăng lên 50.000 đồng/kg.
Theo nhóm nghiên cứu của dự án trên, mỡ cá tra, basa có tỷ lệ acid béo không no và no cân đối, tương ứng với dầu cọ, hơn hẳn so với dầu dừa và một số loại dầu thực vật khác. Ngoài ra, khi sản xuất shorterning, margarine, nhóm nghiên cứu đã sử dụng vi sinh vật để khử mùi tanh, chất lượng của sản phẩm tương đương với các sản phẩm khác trên thị trường.
Ông Thành cho biết thêm: một số doanh nghiệp trong nước đã chế biến mỡ cá thành dầu ăn nhưng thất bại. Lý do là không khử được mùi tanh và gặp khó khăn trong công đoạn tinh sạch dầu. Bài toán đặt ra lúc này là chọn công nghệ gì để tận dụng phụ phẩm cá tra, biến nó thành dầu ăn cao cấp, nâng cao chuỗi giá trị.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu cải tiến dây chuyền công nghệ từ tháng 1/2018, đến tháng 6/2020 hoàn tất thiết bị chế biến mỡ cá tra. Dây chuyền công nghệ này thực chất là bước cải tiến của công nghệ sản xuất dầu cá cũ. Khử được mùi tanh, giữ các hoạt chất tốt trong dầu và bảo quản đơn giản. Quy trình sản xuất dầu cá thông thường dùng công nghệ chiết xuất không gia nhiệt, nhưng chỉ phù hợp để làm ra các viên nang cho dược phẩm, công suất thấp. Công nghệ tinh luyện dầu trên thị trường thường sử dụng bằng phương pháp hóa học, hóa lý. Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp vật lý, đông hóa, kết tinh, lọc ép, khử màu, khử mùi mỡ cá để tạo ra dầu ăn.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường ngách đầy tiềm năng từ mật hoa quả
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư