Kinh Doanh

Gạo Việt vượt ngưỡng ngàn USD

Hoàng Hà Thứ Hai | 19/09/2022 14:00

Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020 là 75-80%.

Nhiều tin vui cho hạt gạo Việt Nam khi bước đầu chinh phục được các thị trường khó tính và cao cấp trên thế giới.
Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020 là 75-80%.

Trong thực đơn của Nội các Nhật 

Liên tiếp tin vui đến với danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" ST25 khi lô hàng gạo "Ông Cua ST25" đầu tiên đã xuất khẩu thành công sang thị trường Anh và Úc. Thông tin đáng chú ý hơn trước đó, lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật, rộng đường đến với người tiêu dùng tại Nhật. Một thương hiệu gạo nổi tiếng khác của Việt Nam là Lộc Trời cũng vừa giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" đến Đức, Hà Lan, Pháp.

Đặc biệt, loại gạo này xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. “Số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu của Tập đoàn chinh phục thị trường thế giới”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết.

 

Trong khi đó, gạo ST25 đã có hành trình hơn 20 năm nghiên cứu và canh tác trước khi có được thành công của ngày hôm nay. Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống gạo ST25, cho biết: “Hiện một số nước cũng đặt vấn đề mua gạo ST25. Tôi đang cân nhắc trước khi ký hợp tác, bởi khi xuất khẩu cho họ cần chất lượng và số lượng”.

Dù số lượng chưa nhiều nhưng việc xuất khẩu gạo thương hiệu “Ông Cua ST25” hay "Cơm ViệtNam Rice" sang hàng loạt thị trường khó tính và cao cấp trên thế giới cho thấy thành công bước đầu của việc thay đổi chiến lược về xuất khẩu gạo của Việt Nam: giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường và tăng cường xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá cao. Bên cạnh đó, cũng mở ra sự tự tin trong chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt tại thị trường nước ngoài. Bởi vì lâu nay, gạo Việt Nam cũng được bán tại nước ngoài nhưng với các thương hiệu của nhà phân phối như Longdan, Buffalo, Green Dragon, Golden Lotus và Red Ant....

Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020 là 75-80%. Chính sách này đã đưa gạo Việt trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện với gạo Thái thay vì gạo Ấn, gạo Parkistan ở phân khúc gạo thường như trước đây. Gần đây, gạo của Việt Nam xuất khẩu qua Nhật đạt 1.200 USD/tấn.

Chiến lược tránh “bẫy giá thấp”

Thực tế, giá gạo đã ở mức thấp trong hơn 20 năm trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng. Nếu không điều chỉnh chiến lược xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy giá thấp” dù đứng đầu về số lượng xuất khẩu gạo. Việt Nam đang được hưởng lợi xuất khẩu gạo từ các hiệp định CPTPP, EVFTA. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine khiến nhiều nước tăng nhập khẩu gạo thay thế lúa mì cũng là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt 6,5-6,7 triệu và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2-3,3 tỉ USD. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết: “Thị trường cho thấy nhu cầu có nhiều thay đổi, các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật trong thương mại và người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm”.

 

Vấn đề là vốn và mô hình cụ thể để đảm bảo có gạo chất lượng cao với số lượng lớn. Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo đầu tư từ kho chứa, chế biến, logistics... 

Ông Nguyễn Duy Thuận đề nghị cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000 ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành.

“Tuy nhiên, nếu để nông dân hoặc hợp tác xã tự làm thì mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao khó thành hiện thực nên phải có một mô hình liên kết”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phân Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Để nhân rộng mô hình này, Đề án cần phải có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để cung ứng đầu vào, thu mua lúa chín, đầu tư máy sấy.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày