Glamping nở rộ
Glamping, kết hợp giữa glamous (quyến rũ) và camping (cắm trại), là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu.
Khách du lịch ngày càng tìm kiếm trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên mà vẫn có sự tiện nghi và thoải mái. Thế là glamping đã nở rộ.Bất chấp cảnh báo thời tiết rất nóng, Thanh Thúy vẫn chất cả gia đình 6 người lên xe để đi glamping ở Đạ Tẻh vào đầu tháng 4, giữa lúc cao điểm nắng nóng El Niño năm nay. Điểm đến của họ là một khu glamping nằm bên phải của con đường mòn, bao quanh bởi một con suối gần cạn đáy có bề rộng khoảng 10m.
Gia đình Thanh Thúy bắt đầu “truyền thống” glamping từ cuối mùa xuân năm ngoái. Ý tưởng ban đầu là đi cắm trại bên bờ biển. Thế nhưng, việc cắm trại truyền thống đòi hỏi phải mua sắm lỉnh kỉnh các vật dụng ít được sử dụng như lều, vật dụng nhà bếp, bàn ghế cắm trại, còn phải tính đến việc vận chuyển đồ ăn và làm sao nấu nướng giữa thiên nhiên. Tình cờ thấy trên mạng xã hội, một người bạn độc thân khoe những tấm hình lung linh về kỳ nghỉ cuối tuần trong một căn lều bên bờ biển, Thanh Thúy chọn ngay giải pháp cắm trại nhàn thân này cho gia đình.
Glamping, kết hợp giữa glamous (quyến rũ) và camping (cắm trại), là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu và thị trường này được Future Market Insights (FMI) dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể trong các năm tới. Theo đó, Ấn Độ là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 20,7% nhờ tăng trưởng du lịch nội địa. Tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Ấn Độ mang lại nhiều lựa chọn cắm trại hấp dẫn, phù hợp với nhiều sở thích khác nhau.“Glamping cho phép du khách tận hưởng không gian ngoài trời mà không cần mang theo hoặc mua thiết bị”, FMI cho biết.
Lần trải nghiệm đầu tiên của gia đình Thanh Thúy là một khu glamping tự phát tại Hồ Tràm. Trên một bãi đất trống bên cạnh hàng dương, đi xuyên qua một loạt căn nhà xây thô bị bỏ hoang là khu glamping với khoảng chục chiếc lều có sức chứa 6-8 người nằm rải rác dưới bóng những cây dương sát bờ biển. Gói dịch vụ được tính trên đầu người, gồm một buổi tối tiệc nướng hải sản tại bàn, một buổi sáng với bánh mì, mì gói và trứng tự nấu bằng bếp gas mini. Một dãy nhà vệ sinh, nhà tắm tạm bợ được lắp gần chỗ để xe.
Đêm đến, lửa trại được đốt lên ở khoảng giữa các căn lều, gia đình Thanh Thúy ăn tối cùng nhau trong lúc 2 nhóm - một nhóm sinh viên và một nhóm có vẻ là những đồng nghiệp cùng công ty - giao lưu với nhau. Với chi phí gần 900.000 đồng/người/ngày, gia đình Thanh Thúy có lẽ đã có trải nghiệm gần với cắm trại nhất, một cách tiện lợi vì không cần chuẩn bị nhiều. Tuy vậy, khu cắm trại gần biển không có hoạt động nào thêm và trang bị phù hợp với mục đích chụp hình nhiều hơn, dường như được thiết kế dành cho các bạn trẻ Gen Z hơn là cho gia đình. “Bên trong lều rất nóng, ngay cả vào ban đêm và ngủ dậy rất đau lưng vì nền đất mấp mô”, cô nói về trải nghiệm không muốn thử lại.
Khách du lịch trong độ tuổi 18-32 chiếm lĩnh thị trường với tỉ trọng doanh thu 45,33% vào năm 2023, theo Grand View Research (GVR). Thế hệ trẻ ngày càng quan tâm hơn đến các đám cưới ở điểm đến và họ cũng có nhu cầu được trải nghiệm cùng nhau. Những xu hướng này thúc đẩy văn hóa glamping ở lứa tuổi này. Trong khi đó, GVR dự kiến phân khúc 32-50 tuổi sẽ tăng trưởng với tốc độ 8,7% từ năm 2024-2030. Nhu cầu thoát khỏi lối sống bận rộn và thu nhập khả dụng cao ngày càng tăng là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng ở phân khúc này. Người tiêu dùng ở độ tuổi trên hầu hết đã kết hôn, do đó thường đi cùng gia đình trong các chuyến đi chơi xa như vậy.
Glamping ở Đạ Tẻh là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Những căn lều được lắp đặt trên những sàn gỗ cách mặt đất 50 cm, lấp ló dưới tán những cây điều lâu năm trên diện tích 3 ha. Tại ngôi nhà chung ở trung tâm, khoảng 20 người, trong đó 3 gia đình có con nhỏ vừa tới, đang chờ cho cái nóng ngoài trời và trong những căn lều dịu bớt. Những đứa trẻ chơi cát, bi lắc, bắn cung... trong khuôn viên công cộng. Con suối dù cạn đến gần đáy vẫn đủ nước cho chiếc thuyền kayak chèo được một quãng vài trăm mét.
Thị trường glamping tại Việt Nam có nhiều hình thức khác nhau, với những mức giá tương ứng với sự đầu tư của chủ nhân khu cắm trại. Nếu có những khu glamping chỉ đơn giản là căng lều trên nền đất cơ bản, vốn dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác, thì cũng có những nơi đóng sàn gỗ rồi mới dựng lều, có khi còn “bonus” thêm một lớp phủ bên ngoài để chống nắng, sương và mưa gió.
Glamping cũng không chỉ giới hạn trong những căn lều, mà còn có thể là cabin và khoang ngủ. Nếu như trên thế giới, hình thức cabin và khoang ngủ thống trị thị trường với thị phần 46,7% vì khí hậu 4 mùa thay đổi rõ rệt, thì tại Việt Nam, hình thức này chủ yếu tại các vùng núi cao có nhiệt độ thấp như Đà Lạt, Tam Đảo. Những khu glamping khác, ở bên cạnh hồ như Trị An, bao quanh bằng những con suối như tại Đạ Tẻh, Lâm Đồng hay ở bờ biển Hồ Cốc thường bằng lều vải.
Từ căn lều nhìn ra suối, Thanh Thúy thấy một nhóm khoảng hơn chục người đi trên 2 chiếc xe 7 chỗ đang cắm trại ngay bên bờ suối. Người quản lý cho biết những người cắm trại theo kiểu truyền thống này đóng một số tiền cho khu của họ để thuê bãi và sử dụng các tiện nghi được xây sẵn, bao gồm cả vệ sinh, điện và nước sạch.
“Ngoài giấy phép thì thách thức lớn nhất là làm sao xây dựng được mô hình glamping - du lịch sinh thái vừa đảm bảo giữ gìn được thiên nhiên, không tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái xung quanh mà còn góp phần mang đến cho du khách trải nghiệm thiên nhiên một cách tiện nghi, thoải mái, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương”, chị Vương Tố Uyên, quản lý Danhar Glamping, nói.
Chị cho biết hiện tại, Danhar Glamping có gần 20 căn lều cùng một đội ngũ nhân viên chưa tới 10 người. “Tôi nghĩ du lịch khám phá tự nhiên đang và sẽ là một xu hướng lớn trên thế giới trong thời gian tới”, chị Tố Uyên nói.
Bữa ăn tại Danhar Glamping có các món địa phương như rau hay cá suối, được chế biến bởi cặp vợ chồng đầu bếp sống ở gần đó. Đêm đến, vài đống lửa được đốt lên giữa những lều trại, một buổi nhạc acoustic và một buổi chiếu phim ngoài trời được trình diễn trong tiếng côn trùng râm ran. Tất nhiên, chi phí mà gia đình Thanh Thúy bỏ ra cũng cao tương ứng với sự nâng cấp trải nghiệm.
Với mục đích gần gũi thiên nhiên, glamping tương đối thiếu tiện nghi hơn so với hình thức khách sạn, resort thông thường. Hầu hết cơ sở ở đây đều xây một dãy nhà vệ sinh, nhà tắm để dùng chung. Hình thức này cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của thời tiết, đặc biệt khi trời nóng, vì khó có thể điều tiết nhiệt độ trong lều. Có thể một vài nơi đã hoặc đang cân nhắc đến việc lắp máy điều hòa nhiệt độ để giảm nhiệt vào ban ngày. Thế nhưng, khi căn phòng vốn đang được mở thông bốn bề được ốp kính để lắp máy điều hòa sẽ phá vỡ mục đích gần gũi thiên nhiên của việc cắm trại.
“Chị hãy quay trở lại vào mùa mưa để cảm nhận không khí mát mẻ và màu xanh mát mắt của khu vườn này”, người phụ trách của Danhar Glamping nhắn nhủ.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư