Kinh Doanh

Ngân hàng “giảm tỉ trọng” trái phiếu doanh nghiệp

Thanh Tâm Chủ Nhật | 17/09/2023 15:42

Hầu hết các ngân hàng đã giảm tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro tín dụng của nhà phát hành vẫn đang ở mức cao. Ảnh: TL.

Các ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Hầu hết các ngân hàng đã giảm tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro tín dụng của nhà phát hành vẫn đang ở mức cao. Ảnh: TL.

Mặc dù Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2023 để thực hiện các cam kết (nếu có) đối với các trái phiếu đã bán ra trước đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết họ nhận thấy hầu hết các ngân hàng đã giảm tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro tín dụng của nhà phát hành vẫn đang ở mức cao. 

 

Số liệu từ ACBS, tỉ lệ nợ xấu danh mục trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối của các ngân hàng tính đến cuối quý II/2023 vẫn ở mức xấp xỉ 0%. Mặc dù vậy, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong đó bao gồm nhiều tập đoàn lớn. Tuy nhiên, Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho phép gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 2 năm) giúp các doanh nghiệp tránh bị chuyển thành nợ xấu. 

Theo thống kê của FiinGroup, tỉ lệ nợ mất khả năng thanh toán bao gồm cả nợ được gia hạn đối với trái phiếu doanh nghiệp đến cuối quý II/2023 là 26,9% và dự báo sẽ tăng lên 40% vào cuối năm 2023.

Theo ACBS, các ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng). Tính đến cuối quý II/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, giảm so với mức 2,5% vào cuối năm 2022. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng.

 

Theo ACBS, kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản, hiện vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới trong khi áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi các trái phiếu đến kỳ đáo hạn vào cuối năm 2023. 

 

Ngoài ra, ACBS cho rằng việc thiếu nguồn cung bất động sản chất lượng tốt khiến tiến độ bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản chưa thực sự khởi sắc, mặc dù lãi suất cho vay mua nhà hiện đã giảm 2-3% so với thời điểm cuối năm 2022. Dòng tiền do đó vẫn còn đang bị tắc nghẽn trong khu vực dân cư và bài toán thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chính phủ và cơ quan nhà nước đã có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản huy động nguồn vốn vay ngân hàng và mở bán dự án trong tương lai. Mặc dù ACBS cho rằng quá trình này sẽ còn mất nhiều thời gian để giúp khai thông thị trường bất động sản. 

Có thể bạn quan tâm 

Xuất khẩu đã “chạm đáy”?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày