Kinh Doanh

Smartphone không còn là “gà đẻ trứng vàng”

Minh Phúc Thứ Ba | 08/07/2025 08:44

Đại diện của các nhà bán lẻ ICT nhận định ngành bán lẻ, phân phối chỉ chịu tác động gián tiếp bởi thương chiến. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp bán lẻ điện máy và công nghệ tìm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thị trường smartphone, điện tử đang bão hòa.
Đại diện của các nhà bán lẻ ICT nhận định ngành bán lẻ, phân phối chỉ chịu tác động gián tiếp bởi thương chiến. Ảnh: TL.

Kinh tế ghi nhận xu hướng tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng tới thị trường bán lẻ điện máy, công nghệ thông tin (ICT) và tiêu dùng nói chung. Đây là lời chia sẻ từTổng Giám đốc Vũ Đăng Linh của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) tại buổi họp mặt nhà đầu tư gần đây. Ông Linh cũng dự báo “tình hình sẽ không khởi sắc đáng kể trong thời gian tới”. Vì vậy, Thế Giới Di Động sẽ rất thận trọng trong các quyết định, đặc biệt là đối với đầu tư dài hạn trong bối cảnh môi trường kinh doanh có thể biến động mạnh.

Tuy vậy, các chuỗi thuộc MWG là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong 4 tháng đầu năm 2025 vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 11% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thêm thị phần nhờ hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp.

Ở kênh bán sỉ, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) cũng báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 11% trong quý đầu năm, chủ yếu nhờ đưa vào kinh doanh các sản phẩm laptop cao cấp hơn và các mặt hàng gia dụng mới. Sự tích cực ở những ngành hàng này đã bù đắp cho mức giảm doanh thu 8% của mảng phân phối điện thoại.

 

Cũng trong quý I, nhà phân phối Petrosetco báo cáo doanh thu giảm 6%, trong khi nhà bán lẻ FPT Shop có doanh thu chỉ tăng 2,7%, thấp hơn mức tăng bình quân của thị trường. FPT Retail đã phải mở rộng mảng điện máy với 10 cửa hàng điện máy tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hợp tác với 30 thương hiệu như Samsung, Daikin, LG, Toshiba, Xiaomi, Sharp... Động thái này nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm và tạo động lực tăng trưởng mới cho chuỗi FPT Shop trong bối cảnh ngành hàng công nghệ thông tin đang bão hòa và cạnh tranh khốc liệt.

Đại diện của các nhà bán lẻ ICT nhận định ngành bán lẻ, phân phối chỉ chịu tác động gián tiếp bởi thương chiến. Sức chi tiêu trong nền kinh tế có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xuất khẩu gặp vấn đề. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng tăng trưởng sẽ được bù đắp bởi chi tiêu đầu tư công và một chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng.

Trước đó, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 150.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 4.850 tỉ đồng, tăng lần lượt 12% và 30% so với năm trước. Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng đặt kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 48.100 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 71%. Digiworld dự kiến doanh thu năm nay tăng lên 25.450 tỉ đồng, tăng 15% so với năm ngoái.

Để hiện thực hóa mục tiêu, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Digiworld, cho biết sẽ phát triển mạnh mô hình D2C với hệ thống brandshop và đầu tư vào các đơn vị thương mại điện tử. Bởi vì, theo dữ liệu của EcomHeat, trong năm 2024 doanh thu ngành điện máy, công nghệ và viễn thông từ 4 sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop chiếm đến 15% tổng doanh thu toàn ngành.
Digiworld dự báo làn sóng thay máy tính tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I) như chip NPU, laptop A.I sẽ bùng nổ, mở ra chu kỳ nâng cấp thiết bị. Xu hướng 5G, camera A.I, sạc nhanh... cũng giữ sức hút cho mảng smartphone, đặc biệt từ các đối tác chiến lược như Xiaomi và Apple.

 

Mặc dù vậy, mặt hàng ICT, đặc biệt là điện thoại và thiết bị điện tử tiêu dùng tại Việt Nam đang dần bão hòa. Chu kỳ thay thế thiết bị kéo dài và sức mua suy giảm khiến biên lợi nhuận của ngành này chịu áp lực rõ rệt. Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán ABS nhận định thị trường bán lẻ ICT trong nước đã bước vào giai đoạn bão hòa với tốc độ tăng trưởng CAGR là 5% từ năm 2025-2030.

“Tuy cuộc chiến giá đã kết thúc, cạnh tranh ở mảng ICT là rất lớn và chúng tôi cho rằng doanh thu mảng ICT có thể tăng trưởng nhưng biên lợi nhuận sẽ khó cải thiện. Hiện các ông lớn trong ngành cũng đang cố gắng co kéo thị phần”, chuyên viên phân tích của ABS nhận định. Động lực trong thời gian tới của mảng ICT sẽ đến từ việc Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa hạ tầng công nghệ như 5G, trung tâm dữ liệu, ứng dụng A.I.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ lớn đang mạnh mẽ tái định hình chiến lược, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, thậm chí từ những ngành không phải công nghệ. Chẳng hạn, với nhận định ngành hàng công nghệ không còn là động lực chính, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, xác định Bách Hóa Xanh là động lực tăng trưởng then chốt trong 5 năm tới.

FPT Retail cũng xác định động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo không còn đến từ FPT Shop, mà đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Thực tế, FPT Retail công bố doanh thu quý I/2025 tăng 29% so với cùng kỳ, đạt 11.670 tỉ đồng. Trong đó, FPT Long Châu chiếm 69% và FPT Shop đóng góp 31%. Chuỗi nhà thuốc và hệ thống tiêm chủng Long Châu đặt mục tiêu mở 350 cửa hàng nhưng sẽ không dừng lại ở đó. “Nếu lãi tốt, FPT Retail vẫn sẽ tăng tốc mở như bình thường, không dừng lại ở con số 350”, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Retail, khẳng định. 

Có thể bạn quan tâm 

The Coffee House: Đổi chủ có đổi khách?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày