Standard Chartered: Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam sẽ đạt 5,1%
Thặng dư thương mại hàng tháng có thể giảm xuống còn 2,5 tỉ USD. Ảnh: TL.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo đạt 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 9.Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam sẽ đạt 5,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng GDP trong quý II đạt 6,9%.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo đạt 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 9, tăng trưởng xuất khẩu đạt 6,2% so với cùng kỳ trong tháng 9, và xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt 4,0% và 4,2% so với cùng kỳ trong tháng 9. Thặng dư thương mại hàng tháng có thể giảm xuống còn 2,5 tỉ USD; Việt Nam đã ghi nhận nhiều tháng thặng dư trong năm nay và khu vực ngoại thương vẫn tương đối ổn định. Nguồn vốn FDI giải ngân tăng 8,0% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2024, trong khi FDI cam kết tăng 7,0% so với cùng kỳ, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất.
Lạm phát có thể ở mức 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 9, so với mức 3,5% trong tháng 8, đánh dấu đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát dưới mức 4%. Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và vận chuyển đã giữ mức lạm phát trên 4% cho đến thời gian gần đây và có thể là nguyên nhân gây áp lực gia tăng lạm phát trong những tháng tới.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Tăng trưởng tín dụng đang chậm lại (7,4% so với cùng kỳ tính đến ngày 17/09/2024, so với mức trung bình 9,0% trong giai đoạn tương tự trong thời gian từ 2013 đến 2023). Dự báo của chúng tôi về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý IV có thể sẽ thay đổi, trong bối cảnh lạm phát giảm gần đây, đồng Việt Nam (VND) tăng giá trong quý III và nền kinh tế tăng trưởng chậm”.
Báo cáo về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của S&P Global cũng cho thấy, bão Yagi đã có ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời, sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Kết quả là, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm. Tuy nhiên, sự gián đoạn được cho chỉ là tạm thời và các công ty vẫn tự tin vào triển vọng sản xuất, từ đó tăng số lượng việc làm cho phù hợp. Trong khi đó, áp lực chi phí vẫn tương đối yếu và giá cả đầu ra đã chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 9, từ đó báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý III của năm sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Chỉ số đã giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 8, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11/2023.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 6,8 triệu tỉ đồng được người dân gửi ở ngân hàng
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư