Kinh Doanh

Thời trang tạo bước ngoặt số

Tú Cẩm Thứ Sáu | 11/06/2021 07:30

Trong đại dịch, sự phân hóa trong năng lực kỹ thuật số của nhiều doanh nghiệp thời trang, may mặc ngày càng rõ rệt.

Công nghệ số đang thay đổi cách vận hành và mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp thời trang.
Trong đại dịch, sự phân hóa trong năng lực kỹ thuật số của nhiều doanh nghiệp thời trang, may mặc ngày càng rõ rệt.

Kỹ thuật số đang biến đổi cả cách các công ty thời trang thiết kế và sản xuất thành phẩm, chứ không chỉ là cách marketing và đưa chúng đến khách hàng.

A.I là xu hướng bắt buộc

Theo báo cáo State of Fashion 2021 của McKinsey, sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong ngành công nghiệp thời trang đã trở nên phổ biến, đến nỗi khiến cho 44% các nhà bán lẻ thời trang (chưa áp dụng A.I) đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Trước áp lực đó, chi phí toàn cầu cho công nghệ A.I của ngành thời trang và bán lẻ dự kiến sẽ đạt 7,3 tỉ USD/năm vào năm 2022. Cũng theo báo cáo này, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán hàng thời trang trên kênh thương mại điện tử đã tăng gần gấp đôi, từ 16% lên 29% trên toàn cầu, tăng trưởng đáng kể trong 6 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, vài năm trước đã chứng kiến một số công ty thời trang may mặc áp dụng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến). Những yêu cầu đặc thù của người mua hàng thời trang online, cộng với việc quản lý các bộ sưu tập mỗi năm với hàng chục chiến dịch tiếp thị tạo áp lực chuyển đổi số đối mạnh mẽ hơn với các nhà bán lẻ.  

 

Tại Ivy Moda, doanh nghiệp có gần 100 cửa hàng thời trang trên toàn quốc, vấn đề đau đầu nhất khi chuyển đổi cửa hàng trực tiếp thành kho lưu giữ hàng của web bán online chính là nguồn lực về công nghệ. Việc phải xử lý 400.000 SKU (đơn vị phân loại hàng hóa tồn kho, còn gọi là mã hàng hóa) trên 80 kho lưu giữ tạo ra trạng thái phức tạp trên cơ sở dữ liệu.

Từ khi hoàn thành hệ thống kiểm soát sản phẩm RFID, doanh nghiệp này đã giảm tải cho hệ thống nguồn lưu trữ, vì mỗi mã hàng hóa được định danh riêng biệt ngay từ đầu khâu sản xuất đến luân chuyển và xuất hàng ở các kho. Trước đó, mỗi cửa hàng của Ivy Moda có từ 15 nhân viên làm công việc lưu kho thì nay chỉ còn 2 nhân viên. Doanh số bán hàng trực tuyến của công ty này năm 2020 đã tăng gấp đôi năm 2019.

Sau 6 tháng tập trung chuẩn bị, thương hiệu Elise cho ra mắt website mua sắm trực tuyến với giao diện hoàn toàn mới. Số lượng sản phẩm có sẵn trên trang thương mại điện tử này tăng từ 9.000 lên 90.000. Tất cả các đơn đặt hàng sẽ được Elise chuẩn bị và gửi đi chỉ trong vòng một ngày, kèm theo đó là các tiện ích nâng cao như dịch vụ gói quà. Ông Greg Fleming, Giám đốc Điều hành Elise, hy vọng việc tập trung phát triển bán hàng đa kênh sẽ nâng tỉ lệ doanh thu bán hàng trực tuyến từ khoảng 1% lên 10% trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Đại học RMIT, cho biết: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp thời trang có thể tiếp cận khách hàng trực tuyến tiềm năng mà không cần đầu tư lớn, còn khách hàng Việt đã quen với việc đặt mua trực tuyến hầu hết mọi thứ và được giao đến tận nhà. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể tận dụng các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác”.

Quyết định sống còn

Khi việc thu thập dữ liệu trở nên phức tạp hơn, nhiều thương hiệu thời trang đã sử dụng công nghệ A.I để hiểu hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế trang phục phù hợp với thị hiếu người dùng. Ví dụ, một nền tảng thời trang có trụ sở tại Đức là Zalando (đối tác của Google) đã sử dụng sức mạnh A.I để phân tích màu sắc, họa tiết và phong cách mà người dùng ưa chuộng hiện nay để lên ý tưởng cho các bộ sưu tập mới chất lượng.

Amazon đang tiếp tục triển khai một thuật toán thiết kế thời trang có sự can thiệp của A.I, giúp nhà thiết kế thiết kế quần áo thông qua việc sao chép phong cách thiết kế của nhiều loại quần áo khác nhau đang thịnh hành trên thị trường, sau đó áp dụng chúng vào một mặt hàng quần áo mới.

 

Nhiều nền tảng thời trang trực tuyến hàng đầu cũng sử dụng các mô hình A.I để dự đoán doanh số bán sản phẩm cụ thể ở một số vùng, sau đó tích trữ lượng hàng tồn dự đoán trong các kho lân cận. Trong đại dịch, sự phân hóa trong năng lực kỹ thuật số của nhiều doanh nghiệp thời trang, may mặc ngày càng rõ rệt. Sau khi hợp tác với IBM, Tommy Hilfiger đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong dự án Reimagine Retail nhằm trang bị cho các nhà thiết kế thời trang những kỹ năng A.I để thiết kế. Ở một số tập đoàn thời trang, cá nhân hóa đã giúp tăng 20-30% giá trị vòng đời khách hàng trong phân khúc khách hàng chủ chốt.

Hiện nay, bằng cách thu thập dữ liệu từ các trang web truyền thông xã hội, chia sẻ dữ liệu với những đối tác đáng tin cậy, các nhà bán lẻ có thể tổng hợp thông tin về khách hàng của họ vượt ra ngoài phạm vi thông tin những bộ trang phục họ mua và tần suất mua sắm. Thông tin này giúp nhà bán lẻ nhắm mục tiêu sản phẩm chính xác hơn, nhưng công đoạn tích lũy và xử lý phải hết sức cẩn thận.

Sàn thương mại thời trang ASOS được cho là có hồ sơ thông tin cá nhân của khách hàng chi tiết nhất. Nhà bán lẻ này đã thu thập thông tin từ trang Facebook của khách hàng bao gồm các tác giả yêu thích, sách, phim, sở thích, gu ẩm thực và các trang họ thích... Trang web cũng cho phép khách hàng đăng nhập bằng Google hoặc Twitter.

Theo McKinsey, kỹ thuật số sẽ giúp đưa nhà thiết kế đến gần người tiêu dùng hơn do có thể thu thập những thông tin thú vị dựa trên dữ liệu về xu hướng và hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số có thể rút ngắn quy trình đến 40%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chuyển đổi số để tạo ra giá trị dài hạn, chứ không phải vì mục đích tiết kiệm trong ngắn hạn. Bởi vì thương hiệu cần nhiều thời gian và nguồn lực để chuyển đổi từ thiết kế 2D sang 3D. Một trong những lý do thúc đẩy doanh nghiệp thời trang số hóa là có thể cắt giảm 70% số lượng mẫu hàng, giúp dự trữ công suất cho các sản phẩm hoàn chỉnh và giảm thiểu tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, khi kết thúc quá trình chuyển đổi số, ước tính, doanh nghiệp có thể sẽ giảm 20% số lượng nhân sự cho toàn bộ quy trình.

So với doanh nghiệp đến từ các nước phát triển, doanh nghiệp thời trang Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn và công nghệ. Theo đại diện Ivy Moda, điểm yếu của Công ty còn là chưa tối ưu hóa được các công nghệ Automate Marketing vì dữ liệu đầu vào còn khá mới. Đồng thời, trong giai đoạn dịch bệnh, việc thiếu hụt nhân sự công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thích ứng nhanh chóng của website với sự thay đổi đáng kể trong hành vi khách hàng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày