Vị thế nào cho thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế?
Các doanh nghiệp luôn muốn đưa thương hiệu “Made in Việt Nam” vươn ra thế giới. Ảnh: congthuong
Chia sẻ tại hội thảo “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”, nhiều doanh nghiệp Việt đã chia sẻ những trăn trở và bước đi trong thời gian tới để đưa thương hiệu Việt “bay xa”.
Trăn trở với “Made in Việt Nam”
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, giá trị nguyên liệu chiếm 10-20% giá bán trong trong ngành may mặc, 30-35% đối với ngành đồ gia dụng. Chi phí nhân công sản xuất chiếm 3-5% trong khi đó, 70% còn lại nằm ở chi phí lưu thông (thuế, bán hàng, giá trị thương hiệu, lợi nhuận của chủ sở hữu).
Như vậy, với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia được sản xuất tại Việt Nam, người Việt chỉ được nhận 3-5% giá trị “Made in Vietnam”. Các giá trị khác đều quay về với quốc gia mà thương hiệu đó đăng ký.
Cũng theo ông Phú, mỗi sản phẩm có chuỗi giá trị cấu thành, từ nguyên vật liệu đầu và đến quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo… Ai sở hữu thương hiệu thì sở hữu nhiều giá trị nhất. Quốc gia càng sở hữu nhiều thương hiệu, giá trị thương hiệu quốc gia càng đó cao và đó cũng là quốc gia thịnh vượng.
Thương hiệu quốc gia muốn phát triển buộc phải có những thương hiệu của sản phẩm hoặc công ty trong nước. Ảnh:sunhouse |
Thương hiệu quốc gia muốn phát triển buộc phải có những thương hiệu của sản phẩm hoặc công ty trong nước. Theo ông Phú, một doanh nghiệp được xem là thương hiệu quốc gia không phụ thuộc vào “Made in Vietnam”, mà nằm ở giá trị để lại tại thị trường trong nước. Khi được công nhận là thương hiệu quốc gia, sản phẩm sẽ nhận được niềm tin từ người tiêu dùng.
Việc đưa được thương hiệu ra nước ngoài không phải đơn giản, phải từng bước. Mỗi doanh nghiệp phải tự lần mò con đường đi của mình. Ảnh:vnexpress |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV, cho rằng: "Nếu tôi muốn thương hiệu của tôi là thương hiệu toàn cầu, thì tôi phải có cái nhìn toàn cầu. Tất nhiên toàn cầu là phạm vi rất rộng, không thể ngay lập tức chiếm lĩnh toàn bộ các thị trường toàn cầu. Lúc đó chúng ta phải xem đâu là thị trường trọng tâm của mình".
Vì sao nhiều doanh nghiệp bị từ chối?
Nhiều doanh nghiệp Việt đang từng ngày xây dựng những thương hiệu Việt, vươn ra toàn cầu. Nhưng nhiều doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài từ chối để sản phẩm của mình gắn mác “Made in Vietnam”. Nguyên nhân từ đâu?
Câu chuyện của Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Ngân Hà, là một ví dụ. Theo bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Ngân Hà: “Có 1 nhà đầu tư Trung Quốc qua gặp tôi, đó là chủ một thương hiệu khá lớn ở Trung Quốc. Đối tác này được công ty Đài Loan giới thiệu về sản phẩm của chúng tôi, họ kinh ngạc. Sau đó, họ sang Việt Nam và nói sản phẩm của chúng tôi nếu dán nhãn sản xuất ở Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc rất khó bán. Họ đề nghị chúng tôi đổi sang tên của Trung Quốc hoặc là thành lập một công ty ở Singapore rồi lấy 'Made in Singapore' thì sẽ bán được; hoặc kết hợp với nhau sản xuất ở Trung Quốc".
Nhưng nhiều doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài từ chối để sản phẩm của mình gắn mác “Made in Vietnam”. Ảnh:thuonghieuviet |
Sau rất nhiều cân nhắc, bà Phạm Thị Kim Loan quyết định rút lui tự mình xây dựng thương hiệu Việt. Theo bà Kim Loan, để xây dựng được một thương hiệu tốt phải đi từ nền móng vững chắc, phải có sản phẩm tốt, chăm sóc khách hàng tốt, marketing tốt ... Muốn làm được điều đó, một mình người Việt là không đủ.
Nhắc đến chuyện vươn ra toàn cầu bằng thương hiệu Việt, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần SECOIN, chia sẻ: "Sản phẩm của chúng tôi có mặt ở nhiều nước châu Âu. Có một công ty làm về thị trường của Đức họ liên lạc và mời tôi sang. Họ khuyên tôi đưa thương hiệu của chúng tôi vào châu Âu, xây dựng kênh phân phối riêng ở toàn bộ châu Âu và họ sẽ hỗ trợ".
Các thương hiệu phải chấp nhận đi ra nước ngoài để tranh đấu, họ chưa chắc đã thắng nhưng ở thị trường khu vực họ cũng sẽ rất mạnh. Ảnh:vtv.vn |
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Một trong những điểm yếu của thương hiệu Việt Nam là tầm nhìn của chúng ta. Phần lớn quốc gia thành công khi xây dựng thương hiệu quốc gia đều nhấn mạnh tầm nhìn toàn cầu của các thương hiệu. Các thương hiệu phải chấp nhận đi ra nước ngoài để tranh đấu, họ chưa chắc đã thắng nhưng ở thị trường khu vực họ cũng sẽ rất mạnh".
► Bất ngờ giá trị thương hiệu Việt Nam
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư