Trách nhiệm với cộng đồng

Tăng cường tầm soát ung thư phổi ở Việt Nam và châu Á

Quyên Nhi Thứ Ba | 25/07/2023 16:25

Những thay đổi được khuyến cáo sẽ có tác động đáng kể trong việc cải thiện sống còn cho người dân khu vực châu Á. Ảnh: Medlatec.

Đồng thuận mới được công bố kêu gọi việc triển khai mạnh mẽ sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp để phát hiện bệnh sớm hơn.
Những thay đổi được khuyến cáo sẽ có tác động đáng kể trong việc cải thiện sống còn cho người dân khu vực châu Á. Ảnh: Medlatec.

Theo thống kê, cứ 5 trường hợp mắc ung thư phổi trên thế giới thì có 3 trường hợp thuộc khu vực châu Á tương đương hơn 1,3 triệu bệnh nhân. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm, ước tính có hơn 180.000 ca ung thư mới mắc, trong đó có khoảng 26.000 ca là ung thư phổi.

Do đó, các chuyên gia đề xuất khẩn cấp chuyển đổi từ chụp X-quang ngực truyền thống sang một quy trình tiên tiến hơn được gọi là chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp để có thể sớm phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.

Mặc dù chìa khóa để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và châu Á là phát hiện chẩn đoán sớm khi mà các bác sĩ có thể chỉ định các phác đồ điều trị có hiệu quả cao, nhưng ở hầu hết các nơi trong khu vực châu Á, CT liều thấp vẫn chưa được triển khai trong các chương trình khám sàng lọc, tầm soát ung thư phổi định kỳ. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị tăng tỉ lệ tiếp cận với các chương trình khám sàng lọc phổi và chăm sóc tiếp theo bằng cách xây dựng một chương trình chuẩn hóa để theo dõi và lưu trữ thông tin chẩn đoán sau khi sàng lọc với CT liều thấp cho bệnh nhân, và xem xét các giải pháp chăm sóc toàn diện sức khỏe phổi, ví dụ như một chương trình khám sàng lọc, tầm soát ở cấp quốc gia. Ngoài ra, cần áp dụng những phương pháp sàng lọc có độ nhạy cao hơn trong toàn khu vực, và thúc đẩy việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm, khi mà người bệnh còn có khả năng được chữa khỏi cao hơn.

Để tốt hơn, bệnh nhân có các bất thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ được khuyến cáo tầm soát bằng phương pháp CT liều thấp mỗi năm một lần.

Tại Việt Nam, việc sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT phổi liều thấp đã được khuyến cáo trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ” của Bộ Y tế từ năm 2018, tuy nhiên việc thực hành đến nay còn nhiều hạn chế. Khuyến nghị được đồng thuận của các chuyên gia khu vực châu Á một lần nữa thúc giục hành động tích cực, khẩn trương hơn nữa, trong đó quan trọng nhất là cần áp dụng phương pháp sàng lọc với CT liều thấp như một công cụ sàng lọc chính. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày