Bảo vệ - Bảo tồn

Ô nhiễm tiếng ồn: Sát thủ đại dương

Kim Thuỳ Thứ Sáu | 16/10/2020 07:30

Ảnh: TL

Ô nhiễm tiếng ồn âm thầm hủy diệt hệ sinh thái của đại dương.
Ảnh: TL

Ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với động vật biển và sức khỏe của đại dương.

Ô nhiễm tiếng ồn không giống nhiều mối đe dọa khác có thể nhìn thấy bằng mắt thường như rác thải nhựa, tràn dầu hay khai thác thủy sản quá mức. “Ô nhiễm tiếng ồn là sát thủ vô hình, tấn công vào mọi động vật biển vì hầu hết các hoạt động trong đời sống của chúng như giao tiếp, sinh sản, bắt mồi đều cần sử dụng âm thanh”, Aurore Morin, nhà vận động Bảo tồn Biển của Quỹ Cứu trợ động vật Quốc tế (IFAW) tại Pháp, chia sẻ.

Tiếng ồn đại dương chủ yếu xuất phát từ hoạt động của con người như vận chuyển thương mại, khảo sát địa chấn, thăm dò dầu khí và sóng siêu âm quân sự. Âm thanh nổ lớn hay những tiếng ồn xung quanh dai dẳng. Chẳng hạn, theo IFAW, tiếng ồn từ vận chuyển tàu hàng có thể thay đổi đáng kể hành vi của động vật, gây ra căng thẳng và đẩy con vật ra khỏi môi trường sống.

Một báo cáo khác của Liên minh Tiếng ồn Đại dương Quốc tế (IONC), cũng đã chứng minh hiện có trên 30 loài động vật có vú biển điển hình như cá voi, cá heo, hải cẩu, cá, mực, giáp xác và rùa biển... có các phản ứng tiêu cực đối với tiếng ồn do con người gây ra. Các hệ quả có thể bao gồm mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn; mắc cạn trong quá trình di trú; gián đoạn quá trình giao phối; thậm chí là tử vong do xuất huyết não hoặc do mất khả năng tránh né kẻ thù.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Dấu hiệu rõ ràng nhất của rắc rối từ tiếng ồn là sự mắc cạn hàng loạt cá voi trên các bãi biển. Trong 5 thập niên trước năm 1950, các nhà nghiên cứu chỉ ghi nhận được 7 vụ cá voi định vị sai phương hướng, nhưng từ sau sự ra đời của sóng siêu âm công suất cao cho các hoạt động hải quân, tới nay đã có hơn 120 vụ mắc cạn.

Số cá thể cá voi tử vong cũng đặc biệt tăng nhanh. Cách đây vài tuần, một đàn cá voi trên 400 con đã mắc cạn ở đảo Tasmania, được ghi nhận là vụ tồi tệ nhất ở Úc, với khoảng 380 con cá voi đã chết. Hiện tượng này được cho là có “mối liên hệ chặt chẽ” giữa các cuộc tập trận sử dụng sóng siêu âm dưới nước, tần số trung quy mô lớn của NATO với tên gọi Dynamic Mongoose ngoài khơi bờ biển Iceland vào ngày 10.7.2020 (theo The Guardian).

 

Bên cạnh các nguyên nhân về quân sự, tuy chưa có bản đồ toàn cầu về tiếng ồn đại dương hoàn chỉnh, nhưng các nhà nghiên cứu tại IONC đồng ý rằng lưu lượng tàu bè tăng gần 2,5 trong 70 năm qua, đóng góp thêm khoảng 3 decibel mỗi thập niên. Điều đó có nghĩa là cường độ tiếng ồn sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm (decibel được tính trên thang logarit).

Các con tàu tạo ra tiếng ồn thường rơi vào dải tần thấp, từ 10 Hz đến 1 kHz, có khả năng lan truyền theo mọi hướng. Các tần số thấp này trùng với tần số được sử dụng của cá voi tấm sừng hàm, hải cẩu, sư tử biển và cá heo. Tiếng động từ chân vịt, máy móc trên tàu và các dòng thủy động lực học trên thân tàu tạo ra hiệu quả “sương mù” âm thanh ngày càng gia tăng, che khuất những âm thanh tự nhiên quan trọng và là nguồn gây ra tiếng ồn đại dương phổ biến nhất hiện nay.

 

Tính đến tháng 9.2020, theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), đội tàu biển Việt Nam có 1.503 tàu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới, với khoảng 500 chiếc thường xuyên hoạt động quốc tế (theo Cục Hàng hải Việt Nam).

Dù tiếng ồn đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là 1 trong 10 yếu tố đe dọa đến sức khỏe đại dương từ năm 2005, nhưng mãi tới gần đây, các tổ chức quốc tế mới bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm mà nó gây ra đối với hệ sinh thái đại dương. Hiện nay, nhiều nước đối tác lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật đã dần đưa ra những quy định riêng về mức âm thanh cho phép trong phạm vi khu vực biển nhất định. Việc sớm nhận biết và giảm thiểu tiếng ồn đại dương cho đội tàu là rất cần thiết để góp phần nâng cao uy tín quốc tế của tàu biển Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày