Phong Cách Sống

Biến đổi khí hậu: Thử thách lớn cho tương lai thể thao toàn cầu

Gia Khánh Thứ Sáu | 01/11/2024 10:32

Kể từ đầu thế kỷ XX, ngay sau khi giải US Open đầu tiên bắt đầu, nhiệt độ trung bình của mùa hè ở New York đã tăng khoảng 2°C. Ảnh: Getty Images.

3/4 VĐV được khảo sát bởi Hiệp hội Điền kinh Thế giới cho biết biến đổi khí hậu tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe và hiệu suất của họ.
Kể từ đầu thế kỷ XX, ngay sau khi giải US Open đầu tiên bắt đầu, nhiệt độ trung bình của mùa hè ở New York đã tăng khoảng 2°C. Ảnh: Getty Images.

"Sẽ có người chết trên sân mất!", tay vợt kỳ cựu Daniil Medvedev phàn nàn giữa một trận đấu vào ngày nóng nhất của Giải quần vợt Mỹ mở rộng US Open tại New York vào năm ngoái, khi nhiệt độ tăng vọt lên 34°C. "Thời tiết quá tàn khốc", anh thốt lên.

Nhiệt độ kết hợp với độ ẩm cao hơn đã khiến tình hình còn khắc nghiệt hơn khi giải đấu năm nay kết thúc vào ngày 8/9. Các tuyển thủ chật vật và nôn mửa; trong giờ nghỉ, họ nhét những túi nước đá quanh cổ và đầu, hoặc nhét ống thổi khí lạnh vào áo để cố gắng hạ nhiệt. 

Kể từ đầu thế kỷ XX, ngay sau khi giải US Open đầu tiên bắt đầu, nhiệt độ trung bình của mùa hè ở New York đã tăng khoảng 2°C. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng khoảng một nửa con số đó. Một xu hướng thậm chí còn rõ ràng hơn đã được ghi nhận tại Thế vận hội Olympic ở Paris vào đầu năm nay. Trong 100 năm kể từ lần cuối cùng Thế vận hội được tổ chức tại đây vào năm 1924, nhiệt độ trung bình tại thành phố vào tháng 8 đã tăng 2,7°C.

Biến đổi khí hậu có nghĩa là những địa điểm từng được coi là hoàn hảo cho các sự kiện thể thao lớn đang bắt đầu không còn phù hợp nữa. 

Nhiều môn thể thao dễ bị tác động bởi môi trường tổ chức và đòi hỏi các điều kiện cụ thể, chẳng hạn như tuyết để trượt tuyết và gió để chèo thuyền (hoặc không có mưa đối với môn cricket). Thời tiết thay đổi cũng như nhiệt độ cao hơn, đang hạn chế nơi có thể tổ chức các trận đấu đó, ít nhất là khi không có sự can thiệp của công nghệ. Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022 là kỳ đầu tiên được tổ chức hoàn toàn trên tuyết nhân tạo và sẽ không phải là kỳ cuối cùng. 

 

Không chỉ hành tinh, nhiệt độ gia tăng cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các vận động viên. Khi thời tiết nóng lên, hiệu suất sẽ suy yếu. Một nghiên cứu trên hơn 100 vận động viên tham gia các cuộc đua đường dài tại Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2019, được tổ chức tại Qatar nóng nực, oi bức cho thấy hầu như tất cả đều thể hiện kém hơn 3 - 20% so với thành tích cá nhân tốt nhất của họ. Điều này xảy ra mặc dù ban tổ chức thậm chí đã tổ chức tất cả các sự kiện điền kinh trong một sân vận động rộng lớn có máy lạnh và các cuộc đua đường trường phải diễn ra vào giữa đêm.

Chưa kể căng thẳng do nhiệt được biết là gây hại cho khả năng ra quyết định và kỹ năng vận động. Có 3/4 VĐV được khảo sát bởi Hiệp hội Điền kinh Thế giới cho biết biến đổi khí hậu tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe và hiệu suất của họ. Hậu quả về mặt thể chất khi thi đấu trong thời tiết nóng thường là chuột rút và chóng mặt cho đến tử vong đột ngột. Sốc nhiệt do gắng sức (EHS) xảy ra khi cơ thể quá nóng trong quá trình hoạt động gắng sức và có thể dẫn đến co giật và suy nội tạng. Tỷ lệ tử vong đối với những người nhập viện vì EHS dao động trong khoảng 15%; nếu không được điều trị, con số này có thể lên tới 80%.

Đồng thời, đơn vị tổ chức các cuộc thi thể thao cũng phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an toàn cho các vận động viên. Trong những năm gần đây, các liên đoàn quốc tế đã bắt đầu đưa ra các chính sách về nhiệt độ cực cao, trong đó quy định các biện pháp như nghỉ giải lao thêm hoặc hoãn thi khi ngưỡng nhiệt độ vượt quá mức. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách đều không tính đến căng thẳng về thể chất mà các vận động viên đã phải trải qua khi họ đã vượt quá giới hạn của mình. Để hỗ trợ việc này, một ngành công nghiệp mới đã xuất hiện để cung cấp cho ban tổ chức các dự báo thời tiết theo yêu cầu. Bên cạnh đó đơn vị tổ chức cũng phải giảm thiểu những rủi ro mà nhiệt độ gây ra cho khán giả, chẳng hạn như đảm bảo có đủ bóng râm và nước ở khắp các khu vực mà đám đông sẽ di chuyển qua. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc cải thiện an toàn lại xung đột với nhu cầu thương mại, vì các sự kiện thể thao phổ biến nhất ngày càng lớn mạnh về quy mô và giá trị. 

 

Hầu hết các sự kiện lớn đều thua lỗ, nhưng các nước chủ nhà thường quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố hình ảnh và muốn đăng cai tổ chức ngay cả khi khí hậu của họ không phù hợp. Để tổ chức Giải bóng đá thế giới FIFA tại Qatar vào năm 2022, ban tổ chức đã chuyển thời gian tổ chức giải đấu từ mùa hè sang mùa đông và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí trên khắp các sân vận động ngoài trời. Ả Rập Xê Út đã thắng thầu tổ chức Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2029 giữa sa mạc bằng cách hứa sẽ xây dựng 36 km đường trượt tuyết nhân tạo tại NEOM, một thành phố tương lai vẫn chưa tồn tại...

Nhưng chính những biện pháp này lại tác động tiêu cực đến môi trường. Chẳng hạn như giải World Cup bóng đá 2022 đã phát thải khoảng 3,6 triệu tấn carbon dioxide, gần bằng lượng khí thải của Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro. Việc biến các sự kiện thể thao lớn nhất trở nên xanh hơn là điều có thể, mặc dù khá khó khăn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu mô hình đó có thể duy trì được khi nhiệt độ tiếp tục tăng hay không. 

Có thể bạn quan tâm:

 Lợi nhuận khủng từ rác thải điện tử

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày