Để Sơn Đoòng không rơi nước mắt
Ảnh: VnExpress
Thiên nhiên không ngừng ưu đãi và tạo bất ngờ cho người dân Việt Nam, việc ứng xử như thế nào với đặc ân này mới là điều đáng quan tâm.Tháng 4.2019, cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào chuyến thám hiểm thế giới chìm của hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng, khi đoàn thợ lặn chuyên nghiệp từ Anh được mời đến Quảng Bình để khám phá bí ẩn con sông ngầm trong lòng hang. Tuy chưa đạt được mục tiêu chứng minh hang Sơn Đoòng kết nối với một hang khác, độ sâu không lường trước được của con sông khiến mọi người sửng sốt, hứa hẹn mở ra nhiều điều với giới khoa học và khám phá.
Những người được chọn
“Sẽ không có cáp treo được xây dựng trong thời gian tới” là khẳng định của đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng trong dịp ấy. Điều này cho phép những nhóm hành động như Save Sơn Đoòng tạm trút được gánh nặng, ít nhất trong khoảng thời gian vài năm trước mắt trong nhiệm kỳ.
Được phát hiện lần đầu năm 2009, hang Sơn Đoòng được thương mại hóa sau đó 4 năm với giấy phép độc quyền của Oxalis, một công ty lữ hành địa phương có 90% lao động là người Quảng Bình. Khách đến được chọn lọc bằng mức giá 68 triệu đồng cho chuyến thám hiểm trong 4 ngày vào thế giới dưới lòng đất, vượt qua bài kiểm tra thể lực gắt gao, nhưng cũng chỉ giới hạn 600-800 lượt trong 1 năm. Với mức giá cao, sự chọn lọc vẫn đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân địa phương, vừa gìn giữ được hệ sinh thái cổ độc đáo của hang động có độ tuổi từ 2-5 triệu năm, vốn rất mong manh với bất cứ ngoại tác nào.
Thế nhưng, chỉ 1 năm sau khi được thương mại hóa, một đề xuất xây dựng cáp treo để đưa một lượng lớn khách du lịch đại trà, lên đến 1.000 người mỗi giờ, đến hang Sơn Đoòng. Từ đó đến nay, hình ảnh đường dây cáp treo với những trụ lớn xây dựng trong vùng lõi rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, những sản phẩm du lịch tâm linh đi kèm vẫn luôn là nỗi đe dọa treo lơ lửng trên sự tồn tại nguyên vẹn của Sơn Đoòng. Đó cũng là khi cô gái có vóc người nhỏ nhắn Lê Nguyễn Thiên Hương, người đã tham gia chuyến thám hiểm Sơn Đoòng vào năm 2014, liên kết với 6 người bạn khác để tạo nên chiến dịch Save Sơn Đoòng trên mạng xã hội, giúp công chúng hiểu những tác hại sẽ xảy đến với Sơn Đoòng nếu các dự án xây dựng được thực hiện.
Không chỉ Sơn Đoòng, cáp treo cũng là mối đe dọa với nhiều di sản thiên nhiên khác như Vườn quốc gia Cát Bà. Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và bảo tồn là du lịch mạo hiểm. Đây cũng là hướng đi mà Oxalis hướng đến cho “vương quốc hang động” Phong Nha - Kẻ Bàng.
“Tôi hối hận vì tìm ra hang Sơn Đoòng”, những giọt nước mắt của Howard Limbert, vị chuyên gia hang động người Anh đã gắn bó với Sơn Đoòng từ khi được tìm thấy đến nay, khi tâm sự với Hương về việc chỉ có người Việt Nam mới cứu được di sản của Việt Nam.
Người truyền cảm hứng
Save Sơn Đoòng chọn cách thuyết phục dư luận quốc tế lên tiếng để thay đổi hành động của lãnh đạo tại Việt Nam. Họ bắt đầu bằng việc phối hợp với các cơ quan thông tấn có uy tín như New York Times, Huffington Post, National Geographic. Họ cũng cung cấp thông tin cho UNESCO để lên tiếng trước những dự án cáp treo ảnh hưởng đến di sản thế giới. Trên hết, họ còn kiên trì bay đến tận Thụy Điển để thuyết phục Martin Edström, người đã quay những thước phim thực tế ảo (VR) giới thiệu Sơn Đoòng với cả thế giới, cho phép họ sử dụng phim. Cho đến nay, khoảng 10.000 - 15.000 người đã trải nghiệm thám hiểm Sơn Đoòng theo cách này tại các thành phố trên cả nước.
Không chỉ trong nước, nhóm còn mang trải nghiệm VR Sơn Đoòng ra thế giới, với chuyến đi đến 3 trường đại học tại Trung Quốc vào đầu năm nay. “Trung Quốc, cũng giống như Việt Nam, tràn ngập kiểu du lịch đại trà, nơi du khách đi theo kiểu check-in lấy điểm”, Hương giải thích về lý do nhóm của mình đến Trung Quốc. Tin rằng sự thay đổi sẽ đến từ giới trẻ, Save Sơn Đoòng thuyết phục những người trẻ láng giềng rằng di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam đáng được bảo tồn, cũng như di sản tại nước họ và các quốc gia khác.
Chỉ 2/7 thành viên của Save Sơn Đoòng đã từng vào hang, điều này mang đến cho tiếng nói của họ sự đa diện. Họ cũng là nguồn động lực để các nỗ lực cứu thiên nhiên khác được tổ chức trên khắp đất nước, bao gồm chiến dịch cứu 6.700 cây xanh ở Hà Nội và chiến dịch bảo tồn Vườn quốc gia Tam Đảo, Save Tam Đảo
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư