Phong Cách Sống

Điện ảnh đẩy du lịch

Thái Tuệ Thứ Bảy | 05/10/2024 07:30

Các cảnh quay trong phim Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ tại phim trường thác Lưu Ly, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TL.

Cần có tầm nhìn tổng thể và bền vững về việc xúc tiến du lịch kết hợp phim trường.
Các cảnh quay trong phim Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ tại phim trường thác Lưu Ly, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TL.

Từ ngày 2-5/9/2024, chương trình quảng bá du lịch Bình Định với tên gọi “Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng trong nước và thế giới. Một số địa phương khác cũng đã đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức các chương trình tương tự. Đây được xem là tín hiệu lạc quan sau thời gian dài du lịch và điện ảnh đã có cái bắt tay nhưng còn lỏng lẻo, trong bối cảnh nền điện ảnh thiếu phim trường trong khi vô vàn cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước cùng bản sắc văn hóa vùng miền phong phú, độc đáo chưa được khai thác đúng mức để phục vụ du lịch và điện ảnh.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024, trụ cột tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được đánh giá cao, xếp hạng 26 và 28. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá đây là nguồn tài nguyên tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. “Thành công của phim Kong: Skull Island với những cảnh quay tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim bom tấn Hollywood”, ông Khánh nói. 

Thực vậy, thời gian qua, có không ít bộ phim Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch một số tỉnh, thành như Chuyện Của Pao (2006), Cha Cõng Con (2017), Cánh Đồng Bất Tận (2010), Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015), Mắt Biếc (2019), Em Và Trịnh (2022)... Những bối cảnh quay ở Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt… đã trở thành điểm du lịch du khách yêu thích tìm đến trải nghiệm.

Gần đây bộ phim Hành Trình Tình Yêu Của Một Du Khách do Netflix quay tại các điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Giang, chỉ sau 4 ngày công chiếu đã lọt vào vị trí thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu, Top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia. 

Tuy nhiên, những thước phim đẹp về vùng miền xuất hiện trong các bộ phim phần lớn mới chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung và chưa thực sự phục vụ cho mục đích quảng bá du lịch. Về phía các nhà đầu tư, những người làm du lịch cũng nghi ngại về tình trạng một phim trường ngoại cảnh được du khách chú ý tìm đến khi bộ phim còn đang có sức hút cho đến thời gian ngắn ngủi sau đó, phim hạ nhiệt thì phim trường cũng bị rơi vào quên lãng, dẫn đến thất thu, lãng phí nguồn lực. 

Nhà sản xuất phim Đỗ Quang Minh cho rằng, cần có tầm nhìn tổng thể và bền vững về việc xúc tiến du lịch kết hợp phim trường. “Chính vì trước nay chúng ta cứ làm phim trường kết hợp phục vụ du lịch một cách hời hợt, tạm bợ nên cứ diễn ra tình trạng quay một bộ phim xong thì phim trường xem như vứt luôn. Nếu làm kỹ hơn, cũng ở căn nhà đó, bối cảnh đó thì sau khi quay phim xong, bản thân bộ phim chưa thể thu hồi được tiền đầu tư nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dựng lại để khai thác lâu dài cho du lịch”. 

“Bắt buộc du lịch và điện ảnh phải có cái bắt tay chặt chẽ để bối cảnh được xây dựng phải thật hơn, kiên cố hơn, phục vụ xuyên suốt cho bộ phim chứ không phải cứ quay vài phân đoạn, đoàn phim rời đi rồi trở lại phải dựng lại, sửa lại để quay tiếp. Trước tiên là đoàn phim được lợi, đến du lịch, chỉ cần khai thác ngoại cảnh đó trong vòng 6 tháng đến 1 năm, khi phim còn lan tỏa, thì du lịch cũng đã có lãi. Chưa kể cách xây dựng phim trường cần thông minh, linh động trong các công trình phụ hay trang trí, chỉ giữ kết cấu cơ bản, để có thể tận dụng phục vụ cho nhiều bối cảnh, nhiều bộ phim khác nhau”, ông Minh nói thêm. 

Kiến trúc sư, blogger du lịch Nguyễn Kỳ Anh nêu quan điểm: “Bằng quan sát thực tế và góc nhìn chuyên môn, tôi cho rằng xây dựng ngoại cảnh, phim trường ở các địa phương cần đảm bảo tính bền vững trong việc xây dựng, khai thác và dịch vụ hóa phim trường. Phải đảm bảo phù hợp văn hóa bản địa, tránh xây dựng kiến trúc phá vỡ tổng thể chung, xa rời câu chuyện văn hóa, phản cảm. Đồng thời nên đề ra các quy định phù hợp để đảm bảo quy trình tốt cho thuê, tham quan. Các dịch vụ đi kèm có thể khai thác như ẩm thực, trang phục truyền thống người dân tộc, cho thuê đạo cụ, trang thiết bị studio...”. 

Bộ đôi đạo diễn, nhà sản xuất phim Namcito và Bảo Nhân, từng xây dựng khu vườn Bạch Trà Viên tại Huế phục vụ bối cảnh cho phim Gái Già Lắm Chiêu 5, chia sẻ: “Là nhà sản xuất, chúng tôi luôn mong mỗi bộ phim quay tại các địa phương sẽ được hỗ trợ để có thể xây dựng các bối cảnh hoành tráng và phù hợp, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch tham quan phim trường sau khi bộ phim được trình chiếu. Tuy nhiên, khai thác như thế nào để hiệu quả, tránh lãng phí thì phụ thuộc vào kế hoạch của các cơ quan, ban ngành liên quan của địa phương”. 

Bà Hồ Thị Nguyệt Anh, nhà đầu tư đang xây dựng khu du lịch kết hợp phim trường tại khu vực thác Lưu Ly, tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn nhất định ở yếu tố pháp lý nói chung, có lẽ do thị trường du lịch kết hợp phim trường vẫn còn nhỏ và khá mới mẻ ở nước ta. Vì pháp lý chưa thật cụ thể, rõ ràng trong các điều khoản nên chúng tôi chưa cảm thấy thật sự an toàn để mạnh dạn đầu tư hết mức. Tuy nhiên, cho đến hiện tại chúng tôi khá tự tin với những gì mình đang triển khai, có sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của địa phương cũng như tư vấn tận tình của các anh em trong nghề làm phim. Phim trường chỉ là một yếu tố, một phần của mô hình. Trong thực tế chúng tôi đã phải nhìn ra toàn cảnh bức tranh, xây dựng nó bảo đảm cho nhiều tiêu chuẩn, đáp ứng đầy đủ chức năng của một hệ sinh thái bền vững, trong đó có du lịch sinh thái, tổ chức các sự kiện văn hóa, phim trường đa bối cảnh, khu vực dành cho thể thao, nơi tổ chức các lớp học sinh tồn, không gian hành thiền, nơi cắm trại, chỗ trải nghiệm săn mây, tắm thác, lội suối...”. 

“Làm sao để du khách hay khán giả xem bộ phim có bối cảnh khu vực thác Lưu Ly biết đến khu du lịch này, họ tìm đến để rồi ở lại lâu hơn và quay lại bởi những khám phá và giá trị bên ngoài cái mà họ đã nhìn thấy trên phim. Chẳng hạn sau khi bộ phim Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ chọn quay một số bối cảnh tại phim trường thác Lưu Ly là một phần của khu du lịch đã hoàn thành xây dựng của chúng tôi, nhiều khán giả đã đến tham quan và trở lại nhiều lần cho đến nay. Bằng tư duy và cách làm này tôi tin chúng tôi đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận và tất nhiên là không lãng phí”, bà Nguyệt Anh nêu ví dụ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày