Phong Cách Sống

Bàn làm việc càng lớn, càng kém trung thực?

Thứ Hai | 15/07/2013 06:06

Một nghiên cứu gần đây của Mỹ chỉ ra rằng diện diện tích chiếc bàn làm việc có liên quan tới hành vi gian lận của nhân viên.
Một nghiên cứu gần đây đã được tiến hành tại các trường Đại học danh giá của nước Mỹ như Columbia, MIT, Northwestern, Havard và Berkeley nhằm xác định mối liên quan giữa kích cỡ của nơi làm việc với những hành vi gian lận của nhân viên.

Thông qua bốn thí nghiệm, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những không gian làm việc được mở rộng sẽ đem lại cho người sử dụng trong không gian đó cảm giác mình có nhiều quyền lực hơn, và chính cảm giác quyền lực này dễ dẫn con người ta tới các hành vi thiếu trung thực.

Lẽ dĩ nhiên, các nhà nghiên cứu không có ý nói những người có phòng làm việc lớn sẽ thích đi ra ngoài trốn việc hay trộm cắp ngân hàng, nhưng nghiên cứu cho thấy yếu tố môi trường - không gian nơi công sở sẽ có những tác động nhất định tới hành vi và thái độ của người nhân viên, một điều mà có lẽ chúng ta nên lưu tâm trước khi chuyển đến một nơi làm việc mới.

Ảnh: Fast Company.
Ảnh: Fast Company.

Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu khảo sát 81 người đến từ Boston, và yêu cầu những người này hãy tự nhiên thể hiện dáng vẻ thoải mái - khoáng đạt hay khép nép - rụt rè. Mỗi người tham gia thí nghiệm được hứa trả 4 đôla, nhưng sau khi kết thúc thí nghiệm, họ lại được đưa 8 đôla.

Kết quả cho thấy với tình huống trả quá mức tiền quy định (có chủ ý từ phía các nhà nghiên cứu), 78% những tình nguyện viên của nhóm “khoáng đạt thoải mái” đã “thoải mái” cầm thêm 4 đôla so với mức họ được hứa hẹn, trong khi chỉ có 38% số người thuộc nhóm “rụt rè khép nép” cảm thấy thoải mái khi nhận số tiền 8 đôla.

Không dừng ở đó, nghiên cứu tiếp tục với thí nghiệm thứ 2 trên 34 sinh viên đến từ New York. Những sinh viên này được chỉ định đến ngồi ngẫu nhiên tại những chiếc bàn có kích cỡ to nhỏ khác nhau.

Các nhà nghiên cứu yêu cầu những sinh viên này giải 15 câu đố đảo ngữ (anagram - thuật tạo ra một đơn vị từ mới có nghĩa từ một đơn vị từ ngữ cho trước thông qua việc hoán đổi vị trí các chữ cái với nhau); Sau đó họ phải thực hiện bài kiểm tra xếp hình với những vật liệu được đặt quanh vị trí ngồi của họ (điều này đòi hỏi một nhóm sinh viên sẽ phải đi quanh phòng tìm kiếm thông tin trong khi nhóm còn lại ngồi tại chỗ và nghĩ phương án sắp xếp).

Cuối cùng, các tình nguyện viên được cho biết đáp án các câu đảo ngữ và được yêu cầu tự chấm điểm cho mình. Kết quả là những sinh viên ngồi ở bàn to gian lận về điểm nhiều hơn hẳn.

Thí nghiệm thứ 3 có sự tham gia của 71 sinh viên đang theo học tại Đại học Berkeley, trong một trò chơi mô phỏng cuộc đua xe hơi (“Need for Speed: Hot Pursuit”) và được hứa trả 10 đôla nếu họ có thể hoàn thành cuộc đua chỉ trong 5 phút.

Một nhóm được xếp ngồi trong những khoang lái rộng, nhóm khác lái xe trong khoang chật hơn. Bản chất của thí nghiệm này là để xem xem tỉ lệ “phóng nhanh, vượt ẩu” giữa hai nhóm này khác nhau như thế nào. Và quả nhiên, nhóm sinh viên được tự do lạng lách trong một khoang lái rộng hơn cũng có xu hướng đâm đổ và va quệt nhiều hơn.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu quay trở về New York và thực hiện thí nghiệm quan sát 126 chiếc xe hơi ở Manhattan, để xem liệu kích cỡ ghế người lái có tác động tới thói quen đậu xe hàng hai trên những con phố đông đúc hay không. Đúng như dự đoán, những chiếc xe có khoang lái rộng cũng thường là những chiếc xe hay đỗ hàng hai nhất (chiếm tới 71% số xe quan sát).

Bài nghiên cứu đã trình bày như sau: “Với bốn thí nghiệm áp dụng các phương pháp khảo cứu đa dạng, từ thí nghiệm trong nhà cho tới thí nghiệm ngoài trời, chúng ta có thể phần nào kết luận, cảm giác khoáng đạt - thoải mái có được từ môi trường xung quanh có thể dẫn tới những hành vi kém trung thực. Thân thể chúng ta vốn bị kìm hãm bởi phần không gian tự nhiên quy định bởi cấu trúc thể chất riêng có của mỗi người, vậy nên khi những cử động thân thể của chúng ta không bị giới hạn bởi không gian xung quanh, chúng ta có thể bị cuốn vào những hành vi thiếu trung thực.”

Vì sao lại như vậy? Đó là bởi những tư thế khoáng đạt, rộng mở khiến con người ta cảm thấy mình có quyền hành, trong khi vẻ khép nép thận trọng lại liên hệ với cảm giác căng thẳng và yếu thế.

Đương nhiên, nghiên cứu này cũng có nhiều điểm chưa chặt chẽ. Nhiều nhân viên công sở làm việc tại các văn phòng lớn là những người rất trung thực và làm việc đến nơi đến chốn, trong khi những người quẩn quanh trong những văn phòng bé tẹo đôi khi lại chính là những kẻ đầu dơi tai chuột, làm ăn ba lăng nhăng.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đề xuất việc cân nhắc kỹ lưỡng các thiết kế văn phòng công sở là một việc làm đúng đắn.

Nguồn Fast Company/Dân Việt


Tin nổi bật trong ngày