Nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô: “7 năm của VinFast hơn vài chục năm của các hãng xe nước ngoài”
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Những gì VinFast làm trong vài năm đã hoàn toàn vượt trội so với những xe nước ngoài đã ở Việt Nam hàng chục năm.”Ưu đãi lớn cho hãng xe ngoại nhưng nội địa hóa vẫn chỉ là giấc mơ
Phát biểu tại tọa đàm về nội địa hóa ô tô tổ chức mới đây tại Hải Phòng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ lại, những năm 1990 khi Việt Nam bắt tay vào thiết kế chương trình công nghiệp hóa cho nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm tới lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam như Toyota, Isuzu, Hyundai, Deawoo, Ford… Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, năm 1995, đã có tới 11 hãng ô tô nổi tiếng khắp thế giới chính thức vào Việt Nam.
“Lúc đó tất cả chúng tôi đều có một niềm tin, một khát vọng là người ta đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên, người Việt Nam học hỏi được về kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, có sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành”, bà nhớ lại.
Để hiện thực hóa những kỳ vọng trên, theo bà, Việt Nam cũng đã đưa ra những ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ô tô. Phần lớn các nhà đầu tư cũng cam kết sẽ tăng tỉ lệ nội địa hóa lên mức 30% sau khoảng 10-15 năm cùng lời hứa chuyển giao công nghệ và xuất khẩu xe.
Thực tế sau đó hoàn toàn trái ngược với cam kết và kỳ vọng ban đầu. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam. Những đơn vị này được hưởng các ưu đãi như các thương hiệu ô tô, đặc biệt là với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong khi các doanh nghiệp ngành phụ trợ Việt Nam khi đó vẫn phải gánh mức thuế lên tới hơn 20%. “Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không có cơ hội phát triển”, bà nói.
Dây chuyền sản xuất tự động hoá cao của VinFast. |
Đó cũng là lý do số lượng doanh nghiệp trong ngành phụ trợ tại Việt Nam rất ít, chỉ khoảng 3.400 doanh nghiệp trong tất cả các ngành. Số lượng đơn vị trong ngành ô tô thậm chí chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số trên. Với bà, đây là một phần lý do khiến khao khát trở thành nước nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam không thành.
Sếu đầu đàn xây dựng chuỗi cung ứng nội địa
Với VinFast, bà Phạm Chi Lan chia sẻ sự vui mừng tận mắt chứng kiến những chi tiết quan trọng của xe điện như thân vỏ, động cơ… đã được sản xuất ngay tại Hải Phòng – trên mảnh đất Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất của nhà máy cũng từ những nền công nghiệp tiên tiến nhất, hiện đại nhất.
Vị chuyên gia kinh tế nhắc tới con số theo bà là thuyết phục khi VinFast đã có tỉ lệ nội địa hóa lên tới hơn 60% và theo kế hoạch sẽ lên tới 84% vào năm 2026. “Tôi hoàn toàn tin VinFast làm được. Chỉ hơn 7 năm nhưng VinFast đã làm được nhiều hơn các hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm”, bà nói.
Đó là những con số theo bà đã và đang giúp đóng góp lớn cho nền công nghiệp Việt Nam. “Mong các nhà cung cấp sẽ chung tay với VinFast để thực hiện giấc mơ nội địa hóa của Việt Nam, thực hiện giấc mơ xanh”, bà nói.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Mạng lưới xe điện Toàn cầu (GEAN) |
Ở góc độ kỹ thuật, GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Mạng lưới xe điện Toàn cầu (GEAN) bày tỏ sự vui mừng bởi ngoài năng lực sản xuất hiện tại, VinFast còn có định hướng để nội địa hóa nhiều chi tiết khác trong xe điện VinFast thời gian tới như đèn xe, vành xe, hệ thống phanh… Khi đã có doanh nghiệp dẫn dắt, cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ sẽ có cơ hội để lớn mạnh hơn.
“VinFast đang thể hiện vai trò tiên phong, vai trò sếu đầu đàn trong không chỉ sản xuất mà còn xây dựng chuỗi cung ứng nội địa”, vị chuyên gia đánh giá.
Ông cũng nhắc lại thực tế số lượng nhà cung ứng trong lĩnh vực ô tô đang rất khiêm tốn, chỉ khoảng hơn 300 doanh nghiệp với hàm lượng giá trị ở mức trung bình. Trong khi đó, so với Thái Lan, chỉ riêng nhà cung cấp cấp 1 cho lĩnh vực ô tô đã lên tới hơn 500 doanh nghiệp và tới gần 1700 doanh nghiệp cấp 2. Tuy vậy, với Thái Lan, ông cũng chỉ ra, tỉ lệ doanh nghiệp nội địa của Thái Lan trong số trên không cao, chỉ khoảng 20%.
Từ đó, ông kỳ vọng sự tiên phong của VinFast không chỉ tạo ra hệ sinh thái công nghệ ô tô cho Việt Nam mà còn tăng tỉ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào hệ sinh thái trên. “Với sự đồng hành của VinFast, tôi tin sẽ tạo ra hệ sinh thái lớn hơn nữa cho ô tô Việt Nam, từ đó mở ra tương lai ngành công nghiệp ô tô và ngành sản xuất nội địa của Việt Nam”, vị chuyên gia tin tưởng.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư