Công ty chứng khoán thắng lớn mùa COVID-19
Ảnh: Quý Hòa.
Tính đến hết ngày 28/10/2021, Công ty Chứng khoán SSI (mã SSI), Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã HCM), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) và Công ty Chứng khoán VNDirect (mã VND) là 4 công ty chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường.
Có lẽ, nhà đầu tư cũng không quá ngạc nhiên khi các công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh với sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ trong bối cảnh thanh khoản liên tục lập kỷ lục, nhà đầu tư mới không ngừng tham gia vào thị trường, cùng với đó là những diễn biến tích cực của thị trường chung.
Mới đây, SSI công bố báo cáo tài chính riêng quý III/2021 với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, kết thúc quý III/2021, tổng doanh thu hoạt động đạt gần 1.722 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gấp hơn 2 lần, đạt hơn 667,3 tỉ đồng.
Xét từng mảng kinh doanh, các hoạt động kinh doanh chính của SSI đều tăng trưởng tích cực. Trong đó, hoạt động môi giới đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu quý III/2021, mang về hơn 667,4 tỉ đồng, gấp hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động cho vay margin và ứng trước tiền bán cũng mang về hơn 431,6 tỉ đồng doanh thu, gấp gần 3,7 lần.
Tại thời điểm cuối quý III, dư nợ margin tại SSI đạt hơn 18.107 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm 2021. Trong khi đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của SSI tăng nhẹ 3,6% trong quý III/2021 và chỉ chiếm khoảng 19,4% tổng doanh thu.
Ảnh: Quý Hòa. |
Trái ngược với SSI, hoạt động tự doanh lại đóng góp phần lớn doanh thu quý III/2021 của VNDirect với hơn 531,7 tỉ đồng, chiếm khoảng 34%. Theo dõi những số liệu được trình bày trên báo cáo tài chính của VNDirect, có thể thấy trong quý III này Công ty đã thực hiện cơ cấu mạnh danh mục đầu tư.
Tại thời điểm cuối quý II/2021 VNDirect sở hữu danh mục tự doanh trị giá 653,35 tỉ đồng các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết. Đến cuối quý III, danh mục đầu tư các cổ phiếu niêm yết của VNDirect có phần thu hẹp với tổng giá trị gốc 457,55 tỉ đồng. Trong đó, VNDirect đã thực hiện cơ cấu nhiều cổ phiếu như VHM, HPG, TCB và VIC, đồng thời thêm mới cổ phiếu CRE với giá gốc hơn 29,1 tỉ đồng.
Ngoài hoạt động tự doanh, hoạt động môi giới và cho vay của VNDirect cũng ghi nhận kết quả vượt trội. Doanh thu từ hoạt động môi giới và cho vay đạt lần lượt 433,3 tỉ đồng và 313,1 tỉ đồng, tăng 291,1% và 311,3% so với quý III/2020. Tổng kết quý III/2021, VNDirect đạt hơn 1.565 tỉ đồng doanh thu và hơn 548,9 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 185,2% và 115,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tại HSC, hầu hết các mảng hoạt động chính trong quý III cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới tăng 148% lên mức gần 370 tỉ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng hơn 130% lên 315 tỉ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ đạt hơn 389,3 tỉ đồng, tăng gần 101% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như cơ cấu doanh thu của SSI và VNDirect có “bên nặng, bên nhẹ” thì cơ cấu doanh thu của HSC khá cân bằng khi các hoạt động kinh doanh chính đóng góp tỉ trọng tương đương nhau. So với đầu năm, HSC đã thu hẹp danh mục tự doanh. Đáng chú ý, công ty này đã thu hẹp danh mục tự doanh các cổ phiếu niêm yết và chuyển hướng đầu tư vào các ETF.
Trong đó, quỹ ETF VFMVN30 và quỹ VFMVN Diamond ETF chiếm tỉ trọng cao nhất với giá trị gốc lần lượt là 60,56 tỉ đồng và 50,7 tỉ đồng. Quý III năm nay, HSC đạt doanh thu hoạt động hơn 1.093 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 318,5 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 112,7% và 124,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong quý III/2021, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, giá trị giao dịch trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, đã tác động rất tích cực đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. VCSC cũng tăng hơn 245% về lợi nhuận sau thuế quý III, nhờ sự tăng trưởng mạnh của các hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh. VCSC cho biết Công ty đã hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư trong quý III/2021 và ghi nhận mức tăng trưởng 502% về doanh thu bán các tài sản tài chính.
Có thể nói, tham gia vào thị trường chứng khoán với tư cách là nhà tạo lập thị trường, đơn vị cung cấp dịch vụ và cả nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đã hưởng lợi rất rõ từ diễn biến của thị trường cũng như từ làn sóng F0. Do đó, việc có một hệ thống ổn định cùng sự đa dạng các sản phẩm tài chính là điều được nhà đầu tư quan tâm.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang đi đến bước cuối cùng trong gói thầu với KRX và bước tiếp theo là làm việc với các công ty chứng khoán. Vào khoảng cuối quý I đến đầu quý II/2022, hệ thống mới có thể đi vào vận hành và thời gian áp dụng các sản phẩm đầu tư mới theo đó sẽ không xa”.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư