Hiệu ứng tháng Giêng có "linh ứng" trong năm 2023?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: VTV.
Hiệu ứng tháng Giêng là sự gia tăng giá cổ phiếu theo mùa trong tháng Giêng. Các nhà phân tích thường cho rằng đợt phục hồi này là do lực cầu tăng lên, theo sau đợt giảm giá thường xảy ra vào tháng 12 khi các nhà đầu tư có xu hướng tất toán danh mục trong thời điểm cuối năm. Một cách giải thích khả dĩ khác là các nhà đầu tư sử dụng tiền thưởng cuối năm để mua các khoản đầu tư vào tháng tiếp theo.
Theo thống kê của NCĐT từ năm 2016, thị trường chứng khoán thường không theo quy luật tháng Giêng. Kể từ năm 2016, VN-Index chỉ có 3/7 năm tăng điểm trong tháng 1. Trong khi đó, năm 2020-2022 là giai đoạn 3 năm liên tiếp thị trường giảm điểm trong tháng Giêng.
Những ngày đầu của tháng 1/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giao dịch khá tích cực. Tổng kết tuần đầu tiên của năm 2023, chỉ số VN-Index ghi nhận đà tăng hơn 4,4%. Liệu rằng tháng 1/2023, hiệu ứng tháng Giêng có "ứng nghiệm"?
Trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Vũ Đức Nam, Giám đốc đầu tư của Art Investor đánh giá diễn biến của thị trường mỗi năm sẽ mỗi khác, quan trọng là năm 2023 trong tháng Giêng có câu chuyện gì để mà thị trường kỳ vọng vào, để có động lực tăng điểm không. Theo ông Nam, hiện tại xung quanh các sự kỳ vọng của thị trường là trong tháng 1 này sẽ có kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp. Cùng với đó là sự kỳ vọng về dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê được ông Nam chỉ ra, nhà đầu tư nước ngoài đã có chuỗi mua ròng 30 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 20.000 tỉ đồng. Theo ông Nam, về mặt quán tính thì nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ là một trong những động lực, là nguồn vốn ‘mồi’ để hỗ trợ xung lực của thị trường.
Theo ông Nam, trong tháng 1 thị trường sẽ có sự phân hóa giữa đầu tháng và nửa sau của tháng. Ở hiện tại, mọi thứ đang rất mới, năm mới mọi người hồ hởi, chỉ số tích cực. Nhưng mà đổi lại có thể là khi các thông tin báo cáo kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp được công bố, không quá lạc quan, và dòng tiền nước ngoài có thể sẽ chậm lại hơn một chút thì lúc đấy chỉ số sẽ có sự phân hóa so với giai đoạn đầu năm.
Chia sẻ về câu chuyện đầu tư, ông Nam cho rằng việc đầu tư theo hướng Top-down (đi từ phân tích vĩ mô đến phân tích doanh nghiệp) trong năm 2023 là khá khó. Do vậy, ông Nam cho biết mình sẽ lựa chọn phương pháp Bottom-up, tập trung vào cốt lõi của từng doanh nghiệp.
Đối với chiến lược năm 2023, ông Nam cho rằng không nên tập trung vào doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính quá nhiều, tức là doanh nghiệp phải không có nợ vay quá lớn và dòng tiền khỏe mạnh.
Thứ hai, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường xuất khẩu. Trên quan điểm của mình, ông Nam cho rằng tình hình vĩ mô thế giới năm 2023, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU trong 6 tháng đầu năm có cầu khá yếu. Và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chính sang các thị trường trên chưa được lạc quan.
Có thể bạn quan tâm
Cách lựa chọn mã cổ phiếu có tỉ suất sinh lời tốt
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư