Tài Chính

Dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỉ đồng trong tháng 10

Nhật Lệ Thứ Tư | 23/11/2022 11:29

Trong tháng 10/2022, 21,77% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc về các doanh nghiệp Bất động sản với giá trị đạt 2.230 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa.

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu đã góp phần làm giảm áp lực trái phiếu đáo hạn.
Trong tháng 10/2022, 21,77% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc về các doanh nghiệp Bất động sản với giá trị đạt 2.230 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa.

Thị trường trái phiếu trầm lắng trầm lắng 

Số liệu từ Đơn vị Xếp hạng Tín nhiệm nội địa FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành riêng lẻ nội địa bởi Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo với giá trị phát hành đạt 210 tỉ đồng trong kỳ hạn 5 năm. Mục đích của đợt phát hành này nhằm thanh toán toàn bộ gốc của 2 lô các trái phiếu trước đó có kỳ đáo hạn vào 25/9/2022 và lô trái phiếu này được bảo lãnh bởi Tập đoàn Masan.

Hoạt động phát hành trong tháng vắng bóng 2 nhóm đơn vị phát hành chủ lực là ngành Bất động sản và Tổ chức tín dụng. Cả hai ngành này đang gặp những yếu tố không chỉ bất lợi bao gồm môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 làm cho cầu về trái phiếu suy giảm và sự “quay đầu” của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những sự kiện vi phạm trên thị trường trái phiếu gần đây. 

 

Trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, thị trường tiếp tục chứng kiến hoạt động mua lại gia tăng trong tháng 10 vừa qua. Điều này làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỉ đồng trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 tỉ đồng và 10.230 tỉ đồng.

Số liệu của FiinRatings cũng cho thấy phần lớn khối lượng trái phiếu mua lại thuộc về các Tổ chức tín dụng với tổng giá trị đạt 3.090 tỉ đồng, chiếm 53,27% tổng giá trị mua lại của tháng 10. Trong khi đó, 21,77% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc về các doanh nghiệp Bất động sản với giá trị đạt 2.230 tỉ đồng. Ngoài ra, một phần giá trị trái phiếu thâm hụt còn đến từ các phương án “hàng đổi hàng” và chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ được thực hiện trong thời gian qua.

 

Doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn nước ngoài 

Kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước ảm đạm nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. Riêng với 10 giao dịch được công bố gần đây có tổng giá trị 1.915 tỉ USD bao gồm Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Chứng khoán VNDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD). Theo FiinRatings, mức lãi suất huy động vốn nợ này có thể sẽ cao hơn các giao dịch huy động thời gian trước do bối cảnh lãi suất tăng cao và chi phí bảo hiểm rủi ro tỉ giá được tính thêm. Hiện tỉ giá hối đoái kỳ hạn 1 năm của đồng so với USD ở mức 4-5%, do đó chi phí vốn nợ thực tế (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỉ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) bằng ngoại tệ có thể dao động ở mức 13-17% tùy theo kỳ hạn. Tuy nhiên, FiinRatings cho rằng đây vẫn là một diễn biến khá tích cực trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước bị thắt chặt.

Điều này cũng cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng. Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm 

Dò đáy VN-Index theo chu kỳ kinh tế


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày