Đường đến niêm yết

SCIC muốn đấu giá trọn lô cổ phần tại Viwaseen

Nhật Lệ Thứ Ba | 30/08/2022 17:09

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo bán đấu giá cổ phần tại Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen). Ảnh: VIW.

SCIC muốn bán vốn tại Viwaseen với mức giá khởi điểm là hơn 1.348 tỉ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo bán đấu giá cổ phần tại Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen). Ảnh: VIW.

Đấu giá trọn lô cổ phần 

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo bán đấu giá cổ phần tại Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen). 

Theo thông tin công bố, Viwaseen có vốn điều lệ hơn 580,18 tỉ đồng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có thiết kế, xây dựng và lắp đặt các công trình cấp thoát nước, công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp. Cùng với đó là sản xuất và bán buôn thiết bị, sản phẩm phục vụ xây dựng ngành nước và môi trường. Viwaseen cũng hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước; kinh doanh bất động sản; xây dựng nhà các loại.  Trong đợt đấu giá này, SCIC chào bán hơn 56,94 triệu cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng tại Viwaseen. Giá khởi điểm là hơn 1.348 tỉ đồng, tương đương khoảng 23.674 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 34,8% so với mức giá hiện tại của cổ phiếu này trên thị trường. 

 

Thời hạn đăng ký và nộp tiền từ 29/08 - 16/09/2022. Hạn nộp phiếu dự đấu giá là trước 16h ngày 21/09. Buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào 9h sáng ngày 23/09/2022, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nhà đầu tư cần nộp tiền mua cổ phần trong thời hạn 23/09 - 29/09/2022 và lô cổ phiếu này không chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Về kết quả kinh doanh, có thể thấy giai đoạn 2018-2021 kết quả kinh doanh của Công ty khá trồi sụt. Doanh thu và lợi nhuận đồng loạt giảm mạnh vào năm 2020, về mức 948 tỉ đồng doanh thu và vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Đến năm 2021, tình hình khả quan hơn khi lợi nhuận của Công ty gần quay về mức trước năm 2020, đạt hơn 17,8 tỉ đồng. Kết quả này đạt được nhờ doanh thu tài chính tăng hơn 39,9 tỉ đồng và phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 345 triệu đồng. 

Liên tục nhận ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán 

Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.  Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ do Tổng Công ty và một số công ty con đang theo dõi một số khoản công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, tạm ứng quá hạn thanh toán liên quan đến một số công trình đã quyết toán từ những năm trước và chưa được đối chiếu đầy đủ. 

Đồng thời, Tổng Công ty và các công ty con vẫn đang thực hiện công tác đối chiếu để giải quyết đối với một số hợp đồng xây dựng tồn đọng, kéo dài đang phản ánh trên số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Các vấn đề nêu trên tiếp tục ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Công ty. Mặc dù đã thực hiện các thủ tục thay thế, đơn vị kiểm toán cho biết họ không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán để đánh giá tính đầy đủ của số dư các khoản dự phòng, khoản phải thu khó đòi và dự phòng hàng tồn kho phản ánh trên Báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2021. 

Công ty giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Công ty giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Về ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Tổng Công ty Viwaseen cho biết, việc đối chiếu công nợ phải thu khách hàng do Tổng Công ty đặc thù là doanh nghiệp xây lắp, các chủ đầu tư ở vị trí địa lý khá xa và đa dạng cùng với việc nhân sự thường xuyên thay đổi nên gây nhiều khó khăn cho Tổng Công ty cho việc xác nhận, đối chiếu công nợ, phục vụ cho kiểm toán Báo cáo tài chính và quản lý công nợ. Do đó, mặc dù đã rất tích cực thực hiện công tác này nhưng tỉ lệ đối chiếu công nợ của Tổng Công ty không đạt 100%. Đối với một số khoản công nợ phải thu liên quan đến các công trình đã quyết toán các năm trước, Tổng Công ty vẫn tích cực đối chiếu công nợ, kiểm tra, rà soát hồ sơ để phân loại tuổi nợ cũng như tình trạng của các đối tượng nợ, phục vụ cho việc quản lý, thu hồi và thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định. 

Đối với các khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các công trình đã hoàn thành, Viwaseen cho biết Công ty sẽ xử lý sau khi thực hiện công tác quyết toán nội bộ đối với các đơn vị nhận khoán thi công công trình. 

Có thể bạn quan tâm:

ROS nâng khống vốn điều lệ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói gì?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày