Tài Chính

Fintech tìm tiểu thương

Công Sang Thứ Ba | 25/01/2022 14:00

Việc cho vay hướng đến các tiểu thương là bài toán đã được chứng minh tính khả thi của các fintech trong khu vực. Ảnh: TL.

Có doanh thu 10 tỉ USD mỗi năm, tiểu thương đang được các công ty fintech săn đón.
Việc cho vay hướng đến các tiểu thương là bài toán đã được chứng minh tính khả thi của các fintech trong khu vực. Ảnh: TL.

Cuối tháng 12 vừa qua, ví điện tử SmartPay (thuộc Công ty Mạng lưới Thông minh SmartNet) tung ra chương trình hỗ trợ 200 tỉ đồng cho các tiểu thương Việt bổ sung nguồn vốn nhập hàng mùa Tết. Ông Marek Eugene Forysiak, Chủ tịch SmartNet, cho biết Tết luôn là thời điểm căng thẳng về nguồn vốn đối với các tiểu thương, dịch bệnh càng khiến nhu cầu về vốn cấp bách hơn.

Với gần 600.000 người dùng là các nhà bán hàng nhỏ lẻ, chiếm 30% tổng số lượng người dùng của SmartPay, không khó hiểu vì sao Công ty rất nghiêm túc với chương trình này.

Nhìn xa hơn, việc cho vay hướng đến các tiểu thương là bài toán đã được chứng minh tính khả thi của các fintech trong khu vực. Tiểu thương với số lượng áp đảo trong nền kinh tế, nhu cầu xoay vòng vốn liên tục và khó tiếp cận mô hình ngân hàng truyền thống là các khách hàng  “không thể tốt” hơn với những ví điện tử như SmartPay.

Bởi vì, dù các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đang trên đà phát triển mạnh mẽ, các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa... vẫn duy trì mức phát triển ổn định. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 

Có thể lấy cảm hứng từ câu chuyện MYBank, một dịch vụ của Ant Finanical (thuộc Tập đoàn Alibaba) ở Trung Quốc. Năm 2015, MYBank được hình thành và phục vụ tập khách hàng là các doanh nghiệp siêu nhỏ như tiểu thương, chủ cửa hàng tạp hóa ở Trung Quốc.

MYBank sử dụng dữ liệu lớn để phân tích tình hình tài chính của khách vay thông qua dữ liệu kinh doanh đi qua nền tảng của mình. Các khách hàng phù hợp cho vay có thể được duyệt tự động những khoản vay tương ứng với doanh số, cùng mức lãi suất hấp dẫn hơn so với ngân hàng truyền thống vì ứng dụng đã giảm thiểu các chi phí “cứng” như nhân viên, mặt bằng...

Quan trọng hơn, đây là các khoản vay không thế chấp vì những người điều hành MYBank hiểu rõ khách hàng của họ hiếm khi có nhiều tài sản đáng giá để đảm bảo khoản vay. Dữ liệu từ Yahoo! Finance cho biết, MYBank đã giải ngân hơn 260 triệu USD cho  gần một nửa doanh nghiệp siêu nhỏ, khoảng 20 triệu doanh nghiệp ở Trung Quốc trong năm 2020.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là “xương sống” của nền kinh tế khi chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 45% vào GDP và thu hút hơn 85% lao động năm 2020. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến gần 90% số này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.

 

Đây là thời điểm vàng để các công ty fintech tiếp cận nhóm tiểu thương ở Việt Nam. Ông Marek Eugene Forysiak cho biết, Công ty đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính với hạn mức 3 triệu đồng/tiểu thương, lãi suất 0%. Các khách hàng có lịch sử giao dịch tốt sẽ được xem xét tăng thêm hạn mức. SmartPay còn có các chương trình kích cầu doanh thu thông qua cộng đồng hơn 43 triệu khách hàng từ 36 khách hàng liên kết với Công ty và 10 triệu khách hàng từ Sendo.

“Chúng tôi định hướng phát triển theo xu hướng tài chính nhúng, nhúng dịch vụ vào nền tảng của đối tác khác. Tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín, sàn thương mại điện tử..., chúng tôi sẽ thu hút được tập khách hàng của họ giao dịch tại điểm bán của các tiểu thương SmartPay“, ông Marek Eugene Forysiak nói. Dù không muốn nói ra nhưng SmartPay hiểu rõ phục vụ các tiểu thương không còn là mục tiêu của riêng Công ty. Hai fintech nội địa tiềm năng nhất cũng đã đặt dấu chân vào thị trường này thông qua các công ty trực thuộc hệ sinh thái.

Đầu tiên là ZaloPay (thuộc Tập đoàn VNG). Năm 2021, VNG đã đầu tư hơn 22 triệu USD vào nền thương mại điện tử B2B Telio. Thành lập vào tháng 11/2018, Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) liên kết các đơn vị bán lẻ  với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hóa hơn, giá cả tốt hơn và vận chuyển hiệu quả hơn.

Theo ông Bùi Sỹ Phong, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Telio, bên cạnh mở rộng thị phần, Công ty còn hỗ trợ cấp vốn, sản phẩm tài chính và tín dụng cho hộ kinh doanh nhỏ để thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, việc tích hợp vào hệ sinh thái của VNG trong đó có ZaloPay càng làm việc kết nối cho vay với 60.000 khách hàng hiện tại của Telio dễ dàng hơn.

Ảnh: Qúy Hòa.
Cuộc đua giành chỗ đứng trong lòng các tiểu thương ở Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong năm 2022. Ảnh: Qúy Hòa.

Đại điện thứ hai là Validus Việt Nam thông qua liên doanh với DHAC (trực thuộc TTC Group) và Do Ventures  thúc đẩy giải pháp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông  qua nền tảng số. Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, Validus đã giải ngân hơn 1 tỉ USD cho các khoản vay tại Singapore, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. 

Thông qua liên doanh này, dự kiến với mạng lưới hơn 9.000 thành viên của DHAC và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng với các nhóm startup từ Do Ventures, Validus không giấu tham vọng gia tăng thị phần cho vay hướng vào doanh nghiệp SME trong thời gian tới. Theo ông Nikhilesh Goel, đồng sáng lập kiêm Group CEO của Validus, với phương pháp ra quyết định dựa trên dữ liệu và các mô hình chấm điểm tín dụng, Công ty sẽ tận dụng nguồn lực tổng hòa giữa các bên để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. “Cách làm này giảm khó khăn về thanh khoản, đồng thời mang lại giá trị cho doanh nghiệp SME trong tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng”, ông Nikhilesh Goel nói.

Bức tranh này cho thấy, cuộc đua giành chỗ đứng trong lòng các tiểu thương ở Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong năm 2022.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày