Tài Chính

Lãi suất chạm đáy

Anh Phương Thứ Hai | 07/12/2020 15:30

Chi phí vốn trên thị trường tài chính trong đà giảm kể từ đầu năm đến nay, khi lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ. Ảnh: ndh.vn

Thanh khoản thừa nhưng đầu ra cho tín dụng vẫn là một dấu hỏi mà thị trường chưa thể trả lời.
Chi phí vốn trên thị trường tài chính trong đà giảm kể từ đầu năm đến nay, khi lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ. Ảnh: ndh.vn

Chi phí vốn trên thị trường tài chính trong đà giảm kể từ đầu năm đến nay, khi lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ. Chẳng hạn, trên thị trường huy động vốn từ dân cư, lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục đi xuống. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 và 12 tháng hiện ở mức gần 5,1% và 5,99%/năm, đều thấp hơn so với tháng trước.

Lãi suất chạm đáy

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10, lần lượt giảm 0,5 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành. Trong báo cáo thống kê tuần cuối tháng 11 của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục có xu hướng đi xuống so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; khoảng 4,2-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,8-6,9%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

 

Trong bối cảnh lãi suất thị trường 1 tiếp tục điều chỉnh giảm, lãi suất liên ngân hàng cũng đang trong chu kỳ giảm sâu. Theo báo cáo của BVSC vào tuần cuối tháng 11.2020, lãi suất liên ngân hàng ở các các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tăng nhẹ trong tuần trước đó, với mức tăng lần lượt là 0,07 và 0,11 điểm phần trăm, lên mức 0,22%/năm và 0,29%/năm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ xuống còn 0,1%/năm, duy trì mức thấp kỷ lục.

Tương tự, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước không thực hiện hoạt động bơm hoặc hút ròng nào trong tuần trước. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục duy trì ở mức 0 trong tháng thứ 5 liên tiếp, trong khi tổng lượng OMO đang lưu hành cũng quay lại mức 0.

Trong năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, hệ thống ngân hàng từ quý đầu tiên bắt đầu thừa tiền, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu thực sự lại khó tiếp cận vốn vì ngân hàng ngại cho vay. Một lãnh đạo ngân hàng gần đây nhận định rằng lãi suất hiện tại đã ở mức thấp, phù hợp với các nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp cũng hạn chế nhu cầu đầu tư, mở rộng kinh doanh.

 

Theo dự báo của BVSC, trong bối cảnh lạm phát chưa gây áp lực, chính sách tiền tệ sẽ vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì trạng thái nới lỏng. “Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn”, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá trong báo cáo vào cuối tháng 11. Nhờ đó, lợi nhuận của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những quý tới. Tuy nhiên, áp lực từ COVID-19 vẫn còn đó, khiến các ngân hàng không chỉ khó đẩy tín dụng vào cuối năm, mà còn đối mặt với các khoản nợ xấu đang còn treo lơ lửng trên đầu.

Biến số COVID-19

Một điểm tích cực là tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại vẫn cho thấy nét lạc quan trong nền kinh tế, chủ yếu không chỉ đến từ hoạt động cho vay truyền thống mà còn là trái phiếu doanh nghiệp và bán lẻ. Trong báo cáo thống kê 13 ngân hàng niêm yết của SSI, tổng tín dụng tăng thêm trong quý III tăng 2,9% so với quý trước và 7,5% so với đầu năm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh tăng 3,4%, nhóm ngân hàng tư nhân tăng tới 12,9%.

Thông tin mới đây cho thấy tính đến ngày 27.11.2020, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ là 10,89%). Như vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với mục tiêu 10% mà cơ quan quản lý đặt ra trong năm nay.

Hai tháng đầu của quý IV được giới quan sát đánh giá là tích cực nhờ sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế, dựa trên các chỉ số về sản xuất, thương mại, doanh thu bán lẻ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Nhờ đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV nhận định tín dụng chỉ riêng nửa đầu tháng 11 đã tăng 1% so với cuối tháng 10.

Ảnh: TTXVN
Trong khi doanh nghiệp và thị trường kỳ vọng vào dòng vốn có chi phí thấp hơn thì các ngân hàng thương mại vẫn còn mối lo vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

“Các tín hiệu tích cực của lạm phát giúp chúng tôi gia tăng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong tương lai gần, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đại diện KBSV nhận định.

“Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dư thừa, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp, tức dưới 1%/năm trong thời gian còn lại của năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp hoạt động thị trường mở trong thời gian còn lại của năm 2020", báo cáo BVSC nhận định.

Trong khi doanh nghiệp và thị trường kỳ vọng vào dòng vốn có chi phí thấp hơn thì các ngân hàng thương mại vẫn còn mối lo vì dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo điều chỉnh của Thông tư 01 về việc cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ và chưa phải trích lập dự phòng.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 này hiện đang được thảo luận chờ ban hành, nhưng theo hướng góp ý của Bộ Tài chính thì cần phải trích lập đầy đủ để thể hiện đúng bản chất nợ xấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu thực hiện, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ước sẽ tăng lên khoảng 3,51% trong năm 2021 xét theo nội bảng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, chia sẻ trong một diễn đàn ngân hàng gần đây.

Bên cạnh chính sách về nợ xấu, áp lực trực tiếp cũng gia tăng khi các ca lây nhiễm COVID-19 từ cộng đồng xuất hiện ở TP.HCM vào cuối tháng 11, khiến tình hình thêm khó khăn. Dù chi phí vốn có xu hướng giảm vì thừa thanh khoản, các ngân hàng vẫn sẽ ngại cho vay. Đây là bài toán lớn mà cả thị trường sẽ đối mặt trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày