Tài Chính

Margin đấu sát rạt

Kim Dung Thứ Tư | 12/06/2024 07:00

Doanh thu môi giới vẫn đóng góp phần lớn vào doanh thu của công ty chứng khoán. Ảnh: shutterstock.com.

Các công ty chứng khoán ngoại châm ngòi cuộc đua “zero fee” (miễn phí giao dịch) đã khiến cuộc cạnh tranh ở các mảng kinh doanh khác ngày càng sôi động.
Doanh thu môi giới vẫn đóng góp phần lớn vào doanh thu của công ty chứng khoán. Ảnh: shutterstock.com.

Trong thời gian tới, không chỉ là cuộc cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất cho vay, mà nhiều cuộc cạnh tranh khác cũng đang được công ty chứng khoán kích hoạt.

Lợi nhuận môi giới teo tóp 

Số liệu từ Công ty Chứng khoán VPBankS cho thấy, quý I/2024 lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới hồi phục nhưng đóng góp tỉ trọng ngày càng nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận gộp của ngành (5,2%). Thay vào đó, nguồn thu từ lãi cho vay margin (37%), thu từ cổ tức và tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi có kỳ hạn) (45%) lại chiếm tỉ trọng chính trong cơ cấu lợi nhuận gộp của ngành. Hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) trong quý I tiếp tục ở mức kém với lợi nhuận gộp chỉ đạt 233 tỉ đồng. Trong đó, riêng TCBS đã chiếm hơn 90% tổng lợi nhuận gộp của ngành.

Chia sẻ với NCĐT, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay, doanh thu môi giới vẫn đóng góp phần lớn vào doanh thu của công ty chứng khoán. Nhưng lợi nhuận ròng từ mảng môi giới ngày càng thấp, thậm chí có xu hướng về 0. Điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tỉ lệ chi trả hoa hồng của các công ty chứng khoán dành cho môi giới ngày càng tăng, thậm chí nhiều công ty chứng khoán còn có xu hướng trả toàn bộ phí giao dịch của các nhà đầu tư cho môi giới để khuyến khích môi giới trong việc tư vấn. Thứ 2 là chính sách “zero fee” mà các công ty chứng khoán dành cho nhà đầu tư. Thứ 3 là chính sách cộng tác viên dành cho khách hàng, trader ở các công ty khác. Tất cả các hình thức này đã khiến lợi nhuận ròng của mảng môi giới ngày càng thấp.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều công ty chứng khoán đang hy sinh lợi nhuận để chiếm lĩnh thị phần, thậm chí chấp nhận lỗ hàng chục tỉ đồng ở mảng môi giới với chiến lược “zero fee”.

Theo ông Minh, miễn phí giao dịch là xu hướng tất yếu và các công ty chứng khoán chỉ còn cách thích nghi với xu hướng đó. Bởi lẽ, miễn phí giao dịch ở thị trường chứng khoán đã không còn xa lạ ở các thị trường phát triển, thậm chí ở Hàn Quốc, đó còn là cuộc cạnh tranh miễn phí giao dịch trọn đời. Đây cũng là lý do khi các công ty chứng khoán Hàn Quốc vào Việt Nam đã có những chính sách miễn phí giao dịch trọn đời.

“Chiến lược thích hợp nhất vẫn là miễn phí theo thời gian và tùy từng đối tượng khách hàng. Chúng ta có thể miễn phí giao dịch đối với những nhà đầu tư mới, chưa biết nhiều về thị trường chứng khoán, chưa có nhiều kinh nghiệm hay một phương pháp đầu tư cụ thể để mở ra cơ hội gia nhập vào thị trường chứng khoán đối với nhóm nhà đầu tư này”, ông Minh chia sẻ.  

Nóng cuộc đua margin  

Trong xu hướng “zero fee”, lợi nhuận của các công ty chứng khoán đang đến từ 2 phần chính là hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và hoạt động tự doanh, cùng với một phần khác có thể đến từ mảng kinh doanh trái phiếu. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận hiện nay vẫn đến từ hoạt động cho vay ký quỹ.

Sàn đấu margin đang vô cùng sôi động khi các công ty chứng khoán liên tục tung ra những gói ưu đãi về margin với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, số liệu thống kê của NCĐT về mức lãi suất phổ thông trên website của các công ty chứng khoán cho thấy, các công ty chứng khoán ngoại đang dẫn đầu cuộc đua margin. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Pinetree và KIS đang dẫn đầu cuộc đua này với mức lãi suất margin dưới 0,03%/ngày. Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán nội như TCBS và VCBS đang có mức lãi suất cho vay ký quỹ thấp hơn mặt bằng chung.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, cuộc cạnh tranh này sẽ đến từ 2 vấn đề bao gồm chi phí vốn và tệp khách hàng. Cụ thể, những công ty chứng khoán có nguồn vốn đầu vào, hay nói cách khác là lãi suất đầu vào thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều. Thứ 2 là tệp khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong đó, nhóm khách hàng là chủ doanh nghiệp hoặc những nhà đầu tư có khoản vay giá trị lớn, nhưng đây lại là nhóm khách hàng rất quan tâm đến lãi suất. Vì thế, lợi nhuận ròng của mảng cho vay margin đối với nhóm khách hàng này không quá tốt.

Ngược lại, nhóm nhà đầu tư cá nhân lại có biên lợi nhuận ròng tốt hơn khi sử dụng dịch vụ cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng margin của nhóm khách hàng này lại có nhiều biến động theo thị trường. Khi thị trường tăng, biên lợi nhuận ròng từ mảng cho vay khách hàng cá nhân khá tốt và ngược lại khi thị trường giảm thì biên lợi nhuận ròng của nhóm này khá kém.

Cuộc chiến cạnh tranh vẫn chủ yếu đến từ chi phí vốn rẻ, doanh nghiệp nào càng có lợi thế về nguồn vốn đầu vào sẽ càng có lợi thế trong cuộc đua này. Cùng với đó, các công ty cần có tệp khách hàng đủ lớn, đủ đa dạng để phân tán rủi ro khi thị trường biến động.

Thị trường chứng kiến kế hoạch tăng vốn đa phần đến từ các công ty chứng khoán trong nước quy mô lớn (HCM, SSI, VCI, VND...) cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng (ACBS, MBS, ORS, SHS...). Các công ty này đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 so với cùng kỳ năm trước ở mức trung bình 30%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở rộng hoạt động cốt lõi đầu tư và cho vay ký quỹ.

Theo ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating, với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024.

Đây là cuộc đua khi tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn. Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam có gần 7,7 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương với khoảng 7,7% dân số cả nước. Theo chiến lược phát triển đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 11 triệu tài khoản.

“Trong cuộc cạnh tranh về chi phí vốn, các công ty chứng khoán nước ngoài thường có chi phí vốn thấp hơn do tiếp cận được nhiều vốn đầu tư giá rẻ. Trong khi đó, các công ty chứng khoán trong nước vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay hoặc huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, hình thức huy động từ khách hàng cũng đang chịu những quy định khắt khe của các cơ quan quản lý”, ông Minh của Yuanta Việt Nam chia sẻ.
Theo đại diện của Yuanta Việt Nam, xu hướng chênh lệch lãi suất cho vay giữa các công ty chứng khoán trong và ngoài nước cũng đang ngày càng thu hẹp. Bởi lẽ, những công ty chứng khoán lớn vẫn có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với giá rẻ để tham gia vào cuộc đua.

Trong cuộc cạnh tranh về chi phí vốn, các công ty chứng khoán nước ngoài thường có chi phí vốn thấp hơn do tiếp cận được nhiều vốn đầu tư giá rẻ. Ảnh: TL.
Trong cuộc cạnh tranh về chi phí vốn, các công ty chứng khoán nước ngoài thường có chi phí vốn thấp hơn do tiếp cận được nhiều vốn đầu tư giá rẻ. Ảnh: TL.

Chứng khoán ngoại tăng tốc 

Đi cùng sự phát triển của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ngày một lớn mạnh và thu hút dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Và trong “sân chơi Việt”, các công ty chứng khoán nước ngoài cũng ngày càng lớn mạnh. Trong đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset và KIS là những cái tên nổi bật khi thường xuyên góp mặt vào Top 10 thị phần môi giới ở sàn HOSE.  

Các công ty chứng khoán khác như KBSV, Yuanta, Pinetree hay Maybank cũng ghi dấu ấn riêng trên thị trường. Không nằm ngoài xu hướng về cuộc đua margin, doanh thu từ mảng cho vay ký quỹ cũng chiếm một phần lớn trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán ngoại trong quý I/2024, với mức đóng góp từ 40-60% tổng doanh thu.

Theo chia sẻ của ông Minh, ngoài chi phí vốn hấp dẫn, các công ty chứng khoán ngoại còn có hệ sinh thái trên khu vực toàn cầu, có thể là cầu nối đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có sự kế thừa và kết nối giữa các thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và xa hơn là Mỹ. Chính vì thế, với các công ty chứng khoán ngoại, thay vì phải cố gắng tìm một con đường nào phù hợp thì họ gần như đã “có sẵn con đường”.

Cuối cùng là sự thừa hưởng sản phẩm và bán chéo lẫn nhau trong tập đoàn. Ví dụ, ở Tập đoàn Yuanta cũng có sự chuyển giao sản phẩm và công nghệ đối với Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Hay có những cơ hội đầu tư chưa thể tiếp cận thị trường Việt Nam thì công ty chứng khoán ngoại có thể là cầu nối để kết hợp dòng vốn giữa nơi có dòng vốn và nơi có cơ hội đầu tư.

Nói về xu hướng sắp tới, ông Minh của Yuanta Việt Nam cho rằng khi phí giao dịch tiến về 0, cạnh tranh lãi suất margin ngày càng thu hẹp thì những cuộc đua khác sẽ diễn ra. Đầu tiên là cuộc đua về sản phẩm công nghệ và các công cụ đầu tư. Tuy nhiên, đặc thù công nghệ của các công ty chứng khoán hiện nay khá giống nhau, nên để nói về cạnh tranh cũng chưa có nhiều điểm nổi bật. Do đó, ưu tiên vẫn là tính ổn định và hiện đại về mặt hệ thống.

Thứ 2, công ty chứng khoán cần có những công cụ đầu tư riêng, là chất xám của riêng mỗi công ty, có thể đem đến hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư và cá nhân hóa người dùng để giữ chân nhà đầu tư.

Thứ 3 là đội ngũ môi giới. Đây là đội ngũ đóng góp tới 80% giá trị giao dịch ở các công ty chứng khoán. Mặc dù có công nghệ và các công cụ nhưng đội ngũ này vẫn đóng vai trò quan trọng. Vì thế, cần có những cơ chế chính sách giữ chân người lao động, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn tư vấn của đội ngũ tư vấn.

Cuối cùng, các công ty chứng khoán cần có sản phẩm tài chính để hướng đến quản lý và tư vấn tài sản cho khách hàng trong tương lai. Ví dụ, ngoài cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đa dạng danh mục qua các sản phẩm đầu tư khác như trái phiếu hay chứng chỉ quỹ.

Với sự phát triển không ngừng của thị trường, các công ty chứng khoán cũng cần thay đổi để thích nghi với xu hướng mới. Tuy nhiên, việc duy trì một hệ thống giao dịch ổn định, bảo mật và an toàn vẫn nên là điều tiên quyết để đón nhận cơ hội từ tương lai.

Có thể bạn quan tâm:

Sàn đấu CASA của ngân hàng tỉ USD


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày