MUFG muốn rút khỏi Vietinbank?
Theo báo cáo tài chính mới công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 39.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: bloomberg.com.
Mới đây, S&P Global Market Intelligence đưa tin Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) đang cân nhắc thoái toàn bộ 19,73% cổ phần nắm giữ lâu năm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank). Đây là bước đi kế tiếp sau thương vụ chuyển nhượng mảng bán lẻ tại thị trường Mỹ với giá bán 8 tỉ USD. Tất cả nằm trong nỗ lực cắt giảm chi phí, cân bằng rủi ro cũng như đẩy mạnh mảng ngân hàng số để trở nên cạnh tranh hơn của tập đoàn tài chính Nhật.
Năm 2012, VietinBank đã đồng ý bán lượng cổ phần cho MUFG với số tiền thu về 743 triệu USD, tương đương với mức giá 24.000 đồng/cổ phần. Đây cũng là một trong số các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất ngành ngân hàng tính từ năm 2008. MUFG cùng 2 định chế tài chính lớn của Nhật là SMFG và Mizuho đã chọn 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam để đầu tư chiến lược.
Nhưng đại dịch có thể khiến nhiều kế hoạch bị xáo trộn và rủi ro gia tăng. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, trong đó mã CTG của VietinBank nằm trong số các mã bị bán nhiều nhất khiến thị giá liên tục giảm từ mức đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 31.000 đồng. Tuy nhiên, nếu MUFG bán toàn bộ lô cổ phiếu sở hữu, mức giá đạt được có thể cao hơn thị giá nhờ lợi ích kiểm soát (controlling interest) mang đến cho nhà đầu tư mới. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giữ quy định tỉ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không vượt quá 20%.
MUFG đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Ảnh: vietnamese.googleblog.com. |
MUFG đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Việc loại bỏ các tài sản không phải cốt lõi có thể hỗ trợ kế hoạch 3 năm của MUFG nhằm cắt giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập, giảm bớt tài sản có trọng số rủi ro và chuyển trọng tâm nhiều hơn sang hoạt động ngân hàng số ở thị trường Nhật và nước ngoài, bao gồm cả Đông Nam Á. Thực tế, tập đoàn này đã bán ít nhất 2.745 tỉ yen tài sản kể từ đầu năm 2016 khi phải đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn về quản lý vốn, cùng với môi trường lãi suất cực thấp và nhu cầu vay yếu. Giá cổ phiếu của Tập đoàn đã mất 2,3% trong 6 tháng qua, so với mức tăng trưởng 1% của toàn ngành.
Xem xét chuyển nhượng cổ phần tại ngân hàng Việt Nam được lý giải là do nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn nhiều so với kỳ vọng vì bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch liên tiếp.
Ngân hàng là lĩnh vực kiếm được nhiều lợi nhuận so với các lĩnh vực khác trong năm nay. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định rằng đợt dịch lần thứ 4 với quy mô rộng có thể làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa cuối năm.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng ngành bán lẻ là 2 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay lại. Hiện nay, 2 nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75-80% cơ cấu cho vay của toàn ngành. Do đó, khi dịch bệnh quay lại, nhu cầu tín dụng của 2 nhóm này có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành. Các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn với chất lượng tín dụng cao nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. BSC vì vậy đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống khoảng 13% trong năm 2021, giảm 1% so với báo cáo gần nhất.
Hệ lụy từ dịch bệnh bắt đầu tác động lên hoạt động của ngành ngân hàng trong quý III. Không ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu cũng đã tăng cao hơn trong 3 tháng vừa qua.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 39.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.900 tỉ đồng, tăng 34%. Có thể thấy các hoạt động chính và lợi nhuận của VietinBank có phần chững lại trong 3 tháng gần nhất.
Tính tới cuối quý III, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 7% lên 1,08 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng của nợ xấu đang vượt xa những con số khác. Tổng nợ nhóm 3-5 của VietinBank đến cuối quý III là hơn 18.000 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm hơn 40% xuống còn 3.500 tỉ đồng, nhưng nhóm 4 tăng đột biến lên 11.600 tỉ đồng, cùng kỳ Ngân hàng chỉ ghi nhận hơn 1.600 tỉ đồng.
Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Vietinbank đã công bố gói hỗ trợ tín dụng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Gói hỗ trợ bắt đầu từ 15/7/2021 và Ngân hàng ước tính sẽ mất 6.000 tỉ đồng thu nhập lãi và phí từ các gói hỗ trợ trong năm 2021. Đồng thời, chi phí dự phòng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 và năm 2022 để phản ánh ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.
Mặc dù vậy, các năm sau, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng triển vọng lợi nhuận của VietinBank có thể sáng sủa hơn do ngân hàng này đã tích cực tái cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn, cũng như nỗ lực không ngừng để xóa các khoản vay có vấn đề và cải thiện tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu. Việc ghi nhận thu nhập từ phí bancassurance và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của VietinBank.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư