Trong "vùng hợp lý", nhóm cổ phiếu nào sẽ tích cực trong quý II?
Thị trường chứng khoán giai đoạn 2015-2018. Ảnh: vtc.vn.
Sát mức thấp nhất trong quá khứ
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở vùng giá hợp lý. Cụ thể, xét trong nhóm ASEAN5, P/E forward 12 tháng của chứng khoán Việt ở mức thấp nhất, đồng thời cũng ở sát mức thấp nhất trong quá khứ.
Định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức thấp. Nguồn: KBSV. |
Công ty chứng khoán này cũng cho biết, thị trường sẽ tiếp tục trải qua các nhịp biến động mạnh trong quý II, tương tự như diễn biến ở cuối quý I, trong bối cảnh dòng tiền trong nước và quốc tế vận động nhanh, đi kèm với sự đan xen của tâm lý tham lam và sợ hãi của nhà đầu tư nhằm phản ánh các thông tin trái chiều.
Dịch bệnh COVID-19 và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu được KBSV đánh giá là 2 rủi ro chính đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại.
Nhìn ở góc độ tích cực, nhiều yếu tố cũng tạo kỳ vọng cho thị trường chứng khoán, bao gồm (1) kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công; (2) các gói kích thích kinh tế của các NHTW trên thế giới và (3) hiệu quả từ các gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ, các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Trước những thuận lợi và khó khăn riêng, KBSV đánh giá tích cực đối với 2 nhóm ngành là Điện lực và ngành Công nghệ thông tin.
Các doanh nghiệp điện cải thiện kết quả kinh doanh
Theo đánh giá của KBSV, điểm nhấn đầu tư đối với ngành điện đến từ việc nhiều nhà máy điện đang ngày càng giảm bớt nợ vay theo lịch trả nợ. Điều này giúp cải thiện chi phí lãi vay và kết quả kinh doanh.
Sau khi trả nợ nợ vay, dòng tiền cho vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp sẽ là rất lớn và nhiều khả năng sẽ tăng khả năng chi trả cổ tức tiền mặt. Tiêu biểu như các doanh nghiệp: Nhiệt điện Phả Lại (PPC); Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2); Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã khấu hao hết tài sản cố định hoặc phân bổ xong phần chênh lệch tỉ giá phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ bản cũng sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh một cách mạnh mẽ như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP).
Theo KBSV HND và NT2 là 2 mã cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm ngành này.
Ngành công nghệ thông tin tích cực trong dài hạn
KBSV đánh giá mảng gia công xuất khẩu phầm mềm vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 2 tháng đầu năm.
Dịch COVID-19 được kì vọng sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh mảng xuất khẩu phần mềm do đặc thù ngành có thể làm việc tại nhà, nhu cầu về công nghệ tăng cao do các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp trong mùa dịch.
Tiềm năng tăng trưởng mảng gia công phần mềm vẫn khả quan do nhu cầu cao trên thế giới. Cụ thể, mảng gia công phần mềm không đòi hỏi hàm lượng chất xám cao nhưng số lượng nhân sự lớn, hiện các nước đều đang có tình trạng thiếu hụt nhân sự.
Thêm vào đó, chi phí nhân công kỹ sư phần mềm của Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia khác (nhỏ hơn 24% so với Ấn Độ, 54% so với Trung Quốc), là lợi thế cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, chi phí nhân sự đang tăng mạnh trong thời gian gần đây do áp lực cạnh tranh nhân sự, là yếu tố cần theo dõi, có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp.
Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng xuất khẩu phần mềm sẽ được cải thiện trong trung hạn khi được đối tác tin tưởng, có nhiều hợp đồng hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao hơn.
Mảng internet băng thông rộng có khả năng bị ảnh hưởng trong ngắn-trung hạn do dịch COVID-19 làm suy giảm số hợp đồng ký mới, đặc biệt ở nhóm khách hàng tổ chức. Trong dài hạn, dư địa tăng trưởng vẫn còn nhưng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm do: (1) Giá cước tại thị trường tỉnh thấp hơn do mặt bằng thu nhập thấp; (2) Các doanh nghiệp chưa có hạ tầng sẽ phải thuê ngoài qua đó tăng chi phí vận hành.
Theo KBSV, cổ phiếu của Tập đoàn FPT (FPT) và cổ phiếu của Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) là 2 cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm ngành này.
* Có thể bạn quan tâm
►Hơn 30 ngàn tài khoản mới, nhà đầu tư ồ ạt bắt đáy?
►Giải mã đà phục hồi ấn tượng của chứng khoán Việt Nam sau tháng 3 tơi tả vì Covid-19
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư