Thế giới

Nhật: Thị trường bão hòa, chuỗi cửa hàng tiện lợi tìm cửa sinh tồn

Gia Khánh Thứ Ba | 11/06/2024 11:36

Khoảng 50 năm sau khi cửa hàng tiện lợi hiện đại đầu tiên của Nhật Bản mở tại Tokyo, những công ty như 7-Eleven cần mở rộng sang nước ngoài vì thị trường nội địa bị thu hẹp. Ảnh: Getty Images.

Thị trường Nhật dần bão hòa và sụt giảm dân số đồng nghĩa là các chuỗi cửa hàng tiện lợi cần sớm hoàn thiện chiến lược phát triển tại nước ngoài.
Khoảng 50 năm sau khi cửa hàng tiện lợi hiện đại đầu tiên của Nhật Bản mở tại Tokyo, những công ty như 7-Eleven cần mở rộng sang nước ngoài vì thị trường nội địa bị thu hẹp. Ảnh: Getty Images.

Đã 50 năm kể từ khi ông Kenji Yamamoto mở cửa cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Nhật, thứ sau này đã trở thành một phần cơ cấu của quốc gia này.

Nhưng 50 năm nữa, dân số Nhật được dự đoán sẽ giảm gần 1/3 và số phận của ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD sẽ phụ thuộc vào các đàm phán ở nước ngoài để duy trì mức tăng trưởng thiết yếu.

Từ cửa hàng 7-Eleven đầu tiên do ông Yamamoto mở tại khu Toyosu, khu công nghiệp lúc bấy giờ ở Tokyo, mạng lưới các cửa hàng tiện lợi, hay còn được gọi là konbini, đã mở rộng lên khoảng 55.000 chi nhánh trên toàn quốc, hoạt động 24/7, và thường chỉ cách nhau 100 mét ở các trung tâm đô thị.

Khi cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động, ông Yamamoto chỉ mới 24 tuổi. Lúc đó, các cửa hàng chỉ cung cấp những mặt hàng cơ bản như thực phẩm đóng hộp và mì ăn liền, và cũng không biết chắc chắn mặt hàng nào sẽ bán được cũng như phản ứng của khách hàng như thế nào. Ban đầu ông điều hành một cửa hàng rượu do gia đình sở hữu, nhưng đã nhanh chóng nhận thấy tiềm năng kinh doanh konbini.

Sự trỗi dậy của konbini đã không phụ niềm tin của ông Yamamoto. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cửa hàng và doanh thu, đặc trưng của những thập kỷ trước đã không còn. Số lượng konbini ở Nhật giảm lần đầu tiên trong năm tài chính 2021, theo giới báo cáo của giới truyền thông.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường Nhật đã bão hòa và cảnh báo sự sụt giảm dân số sắp tới có nghĩa là bộ ba công ty lớn thống trị lĩnh vực này, nhà điều hành 7-Eleven Seven & i Holdings, Lawson Inc. và FamilyMart Co. cần phải hoàn thiện chiến lược phát triển ở nước ngoài. Cả 2 thương hiệu 7-Eleven và Lawson ban đầu đều được nhập khẩu từ Mỹ trước khi các chi nhánh ở Nhật mua lại công ty mẹ ở Mỹ.

 

Các thị trường như Indonesia, một quốc gia có tầng lớp trung lưu đang phát triển với dân số hơn 270 triệu người, đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà khai thác konbini. Văn hóa ẩm thực đường phố vẫn còn mạnh mẽ ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng khi mọi người ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh và có nhiều tiền hơn, các món chiên nóng từ các cửa hàng tiện lợi đang trở nên phổ biến hơn.

Lawson hiện có khoảng 700 cửa hàng ở Indonesia, khoảng 1/10 tổng số cửa hàng bên ngoài Nhật, do công ty địa phương PT Lancar Wiguna Sejahtera nắm quyền điều hành. FamilyMart hoạt động ở Indonesia theo cách tương tự, luật pháp Indonesia áp đặt các hạn chế đối với quyền sở hữu công ty của người nước ngoài.

Trong khi đó, Đài Loan, địa điểm đầu tiên mà FamilyMart đặt konbini ở nước ngoài vào năm 1988, hiện có 4.200 cửa hàng. Nhưng cũng như ở Nhật, nguồn lao động đang thiếu hụt ở Đài Loan, nơi có hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi cho dân số 23 triệu người.

Việc lựa chọn đối tác ở mỗi quốc gia, và phương thức hợp tác như hệ thống nhượng quyền thương mại hay các công ty con điều hành trực tiếp, là tiền đề cho hiệu suất kinh doanh ở nước ngoài của các cửa hàng tiện lợi. 

Theo một số nhà quan sát, 7-Eleven, hoạt động ở Đông Nam Á chủ yếu bằng cách cấp phép cho các công ty địa phương, đang gặp khó khăn trong việc phát triển các cửa hàng tiện lợi theo chuẩn chất lượng Nhật ở các quốc gia.

Thị trường Indonesia là một ví dụ. 7-Eleven đã gia nhập thị trường này rầm rộ vào năm 2009, hợp tác với một công ty có tên Modern Internasional và đến cuối năm 2016 đã có 161 cửa hàng tại đây. Nhưng sau nhiều năm doanh thu sụt giảm, bị tác động bởi các hạn chế bán rượu và cạnh tranh gay gắt ở địa phương, Modern đã đóng cửa toàn bộ mạng lưới vào năm 2017.

Trong khi đó, ở Thái Lan, tính đến cuối tháng 3, 7-Eleven vận hành khoảng 14.000 cửa hàng, nhưng đối tác nhượng quyền của họ, gã khổng lồ bán lẻ địa phương CP Foods, kiểm soát việc quản lý các cửa hàng. Tương tự, tại Hàn Quốc, đế chế bán lẻ Lotte có trụ sở tại Seoul nắm quyền quản lý các cửa hàng 7-Eleven, nhưng Seven & i vẫn chưa nhận được phí nhượng quyền như mong đợi, theo các chuyên gia trong ngành.

Rút kinh nghiệm từ đó, 7-Eleven đã bắt đầu xem xét lại các hợp đồng với các công ty địa phương ở châu Á. Một ví dụ điển hình: Đầu năm nay, Seven & i đã hoàn tất thương vụ trị giá 170 tỉ yen (1,1 tỉ USD) để mua lại công ty điều hành 7-Eleven tại Úc. Điều đó diễn ra sau một thỏa thuận lớn nhằm mở rộng ở Mỹ, chi 21 tỉ USD để mua chuỗi 3.800 cửa hàng Speedway từ Marathon Petroleum.

Ông Eigo Ogiwara, Giám đốc Điều hành và đối tác tại Tập đoàn tư vấn Boston ở Nhật, mô tả nhiều nhà điều hành địa phương đang khoác lên mình "vỏ bọc cửa hàng tiện lợi Nhật”, ông cho biết quan hệ đối tác kiểu này khiến các cửa hàng tiện lợi của Nhật không thể kiểm soát việc quản lý và lợi nhuận.

Theo ông Ogiwara, nếu các nhà bán lẻ Nhật muốn tạo sự khác biệt với các cửa hàng tiện lợi địa phương, điều quan trọng là phải "giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ nhãn hiệu riêng kiểu Nhật", hiện là trụ cột trong việc lựa chọn hàng hóa tại konbini ở Nhật.

Đông Nam Á rất quan trọng đối với các nhà khai thác konbini bởi vì, hầu hết khách hàng trong khu vực đều có quan điểm tích cực về Nhật và các sản phẩm của họ. Ông Ogiwara nói: “Điều quan trọng là phải có 2 chiến lược khác nhau trong việc mở rộng cửa hàng: một là tăng số lượng cửa hàng và góp phần nhận diện thương hiệu, hai là tăng lợi nhuận. Thị trường nước ngoài của các cửa hàng tiện lợi Nhật sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam”.

 

Seven & i đặt mục tiêu thâm nhập 2 thị trường mới ở nước ngoài mỗi năm và đạt 100.000 cửa hàng ở 30 quốc gia và khu vực vào năm 2030, so với hơn 80.000 cửa hàng ở 20 quốc gia tính đến tháng 9 năm 2023.

Lawson đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc thông qua cả các công ty con và giấy phép khu vực và hiện vận hành hơn 6.000 cửa hàng tại nước này, so với chỉ dưới 15.000 cửa hàng ở Nhật. Theo Motonobu Miyake, Giám đốc Điều hành đại diện của Lawson (Trung Quốc) Holdings, hãng này gia nhập thị trường Trung Quốc từ năm 1996 và đạt khoảng 26% thị phần tại Thượng Hải, Vũ Hán và 10% tại Bắc Kinh và Trùng Khánh. Ông Miyake cho biết chiến lược là "tăng số lượng cửa hàng trước tiên để khẳng định tên tuổi của mình, ngay cả khi thua lỗ và lợi nhuận sẽ theo sau".

Song cuộc tìm kiếm sự đổi mới vẫn tiếp tục ở quê nhà. Đối với người đã tung ra konbini đầu tiên ở Nhật, các cửa hàng tiện lợi phải tiếp tục phát triển để tồn tại ở Nhật và các nơi khác.

Ông Kenji Yamamoto cho biết: “Khu vực mục tiêu của mỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng nhỏ hơn. Việc xây dựng cơ sở khách hàng trung thành là rất quan trọng đối với một cửa hàng. Khách hàng giờ đây sẽ chỉ lựa chọn những cửa hàng không ngừng nghiên cứu và thực thi các chiến lược mới".

Có thể bạn quan tâm:

 Ngành công nghiệp bia không cồn bùng nổ

Nguồn Nikkei Asia


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày