Thế giới

"Vũ khí" bí mật của nền kinh tế Mỹ

Bảo Hân Thứ Hai | 06/11/2023 19:00

heo tính toán của FED, chỉ riêng thế hệ Baby Boomer hiện đã tích lũy được 77,1 nghìn tỉ USD tài sản. Ảnh: Getty Images.

Người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm 22% chi tiêu trong năm ngoái, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1972 và tăng từ 15% vào năm 2010.
heo tính toán của FED, chỉ riêng thế hệ Baby Boomer hiện đã tích lũy được 77,1 nghìn tỉ USD tài sản. Ảnh: Getty Images.

Tại sao chi tiêu tiêu dùng lại kiên cường đến vậy khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất? Một lý do quan trọng và ít được đánh giá cao đó là người tiêu dùng ngày càng già đi.

Theo Cục điều tra dân số, vào tháng 8, có đến 17,7% dân số từ 65 tuổi trở lên, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1920 và tăng mạnh so với 13% vào năm 2010. Người già không chỉ đông hơn mà còn có tài chính tương đối tốt, đồng thời họ có ít nhu cầu vay mượn hơn, chẳng hạn để mua nhà, và ít có nguy cơ bị sa thải hơn những người tiêu dùng khác.

Điều này đã khiến người cao tuổi trở thành lực lượng chi tiêu đáng được quan tâm. Người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm 22% chi tiêu trong năm ngoái, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1972 và tăng từ 15% vào năm 2010, theo khảo sát về chi tiêu tiêu dùng của Bộ Lao động công bố vào tháng 9.

Bà Susan Sterne, Nhà kinh tế tại Hiệp hội Phân tích Kinh tế cho biết: “Nhóm người tiêu dùng này sẽ vô cùng quan trọng trong năm tới.”

Xu hướng chi tiêu cao của người cao tuổi phản ánh sức khỏe, sự giàu có và có lẽ là những ảnh hưởng tâm lý kéo dài sau đại dịch.  

Bà Maureen Green, 66 tuổi, ở Cape Cod, Mass, nói: “Cả đời tôi chỉ có tiết kiệm cho cái này, tiết kiệm cho cái kia. Bây giờ có tiền trong ngân hàng và tôi đang chi tiêu để trở nên gần gũi với gia đình và bạn bè hơn.” Bà Green, một môi giới bất động sản, ước tính đang dành thời gian đi du lịch nhiều hơn 25% và gấp đôi so với năm 2019. 

“Một triệu người Mỹ đã không sống sót qua COVID. Điều đó dạy tôi đừng để thời gian trôi qua vì trước khi tôi kịp nhận ra thì thời gian đó sẽ không còn nữa”, bà nói. 

Tỉ lệ tiêu dùng theo nhóm tuổi. Ảnh: WSJ.
Tỉ lệ tiêu dùng theo nhóm tuổi. Ảnh: WSJ.

Sống tốt hơn, lâu hơn và nhiều hơn

Ông Marshal Cohen, cố vấn về bán lẻ của Circana, một Công ty nghiên cứu chuyên về hành vi người tiêu dùng, cho biết: “Lối sống của người cao tuổi đã thay đổi đáng kể, họ năng động hơn bao giờ hết”. Điều đó cũng đã mở rộng danh mục giải trí để chi tiêu của họ. 

Theo Bộ Lao động, một hộ gia đình trung bình do người từ 65 tuổi trở lên làm chủ đã chi tiêu nhiều hơn 2,7% vào năm ngoái so với năm 2021, được điều chỉnh theo lạm phát, so với 0,7% của các hộ gia đình dưới 65 tuổi. Chi tiêu của các hộ gia đình lớn tuổi tăng 34,5% so với năm 1982, so với 16,5% của các hộ gia đình trẻ.

Theo báo cáo, không có dữ liệu so sánh cho năm 2023. Tuy nhiên, người tiêu dùng trên 60 tuổi cho biết chi tiêu trong tháng 8 nhiều hơn 7,9% so với một năm trước đó, so với mức tăng 5,1% ở những người từ 40-60 tuổi và mức tăng 4,6% ở người tiêu dùng trẻ tuổi, theo khảo sát của FED New York. 

Số tiền chi tiêu của người cao tuổi ngày càng tăng được khuếch đại bởi những người trẻ nhất của thế hệ Baby Boomer đang bước vào độ tuổi nghỉ hưu.

Sự thay đổi trong chi tiêu của các hộ gia đình, tính theo nhóm tuổi. Ảnh: WSJ.
Sự thay đổi trong chi tiêu của các hộ gia đình, tính theo nhóm tuổi. Ảnh: WSJ.

“Viên đạn bạc” của nền kinh tế

Một yếu tố khác có lợi cho người cao tuổi là tài chính tương đối mạnh. Theo Cục Dự trữ Liên bang, người Mỹ từ 70 tuổi trở lên hiện nắm giữ gần 26% tài sản hộ gia đình, mức cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1989. 

 

Trong khi các nhà kinh tế vẫn nhận thấy khả năng xảy ra suy thoái tương đối cao trong năm tới thì ông Ed Yardeni, Chủ tịch kiêm giám đốc chiến lược đầu tư của Yardeni Research, lại không nằm trong số đó. Một lý do quan trọng: Theo tính toán của FED, chỉ riêng thế hệ Baby Boomer hiện đã tích lũy được 77,1 nghìn tỉ USD tài sản. 

Họ có ít nợ tiêu dùng hơn, nợ sinh viên nằm ở mức tối thiểu và có nhiều khả năng sở hữu toàn bộ nhà của mình hơn. Nhiều người trong số đó có khoản thế chấp đã được tái cấp vốn với lãi suất thế chấp thấp chưa từng có sau khi đại dịch. Họ cũng ít có khả năng chịu tác động của chi phí nhà ở tăng cao. 

Những người về hưu cũng nhận được khoản tiền An sinh xã hội tăng 8,7% vào tháng 1, mức tăng trong một năm lớn nhất kể từ năm 1981, bù đắp cho mức lạm phát cao nhất là 9,1% của năm ngoái.  

Những yếu tố này đã giúp người cao tuổi tránh khỏi hai gánh nặng lạm phát và lãi suất cao. Và vì hầu hết họ đều đã nghỉ hưu nên chi tiêu của người cao tuổi ít bị tổn thương hơn trước tình trạng thất nghiệp gia tăng mà nhiều nhà kinh tế dự đoán trong những quý tới.

Có thể bạn quan tâm: 

Nike "hụt hơi" trong cuộc đua đổi mới

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày