Công Nghệ

Cơn sốt A.I gợi nhớ đến sự bùng nổ của ngành viễn thông

Khánh Tú Thứ Hai | 19/02/2024 16:59

Ông Sam Altman, Giám đốc Điều hành OpenAI. Ảnh: FT.

Các mục tiêu huy động vốn, mức định giá cổ phiếu A.I gợi nhớ đến sự bùng nổ và suy thoái của cổ phiếu ngành viễn thông trong thời kỳ dotcom.
Ông Sam Altman, Giám đốc Điều hành OpenAI. Ảnh: FT.

Khi số vốn trong nỗ lực tìm cách huy động tăng lên hàng ngàn tỉ USD thay vì chỉ hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip xử lý trí tuệ nhân tạo (A.I), có thể thấy cơn sốt A.I cực kỳ sôi nổi và đang đi đến hồi cao trào.

Trên thực tế, A.I tạo sinh không chỉ đơn giản là một xu hướng, mà nó sẽ thay đổi sâu sắc các ngành công nghiệp cũng như cách con người làm việc. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho thông tin rằng ông Sam Altman, Giám đốc Điều hành OpenAI, đang đàm phán với các nhà đầu tư về một dự án chip A.I, đã đặt ra nhiều câu hỏi và tranh luận.

Theo nguồn thạo tin, dự án này có thể yêu cầu số vốn lên đến 7.000 tỉ USD. Để so sánh thì con số này nhiều hơn cả GDP của Anh và Pháp cộng lại. Mặc dù việc huy động sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng điều này có thể cho thấy mức độ quan tâm và sự hấp dẫn của lĩnh vực A.I và các con chip cung cấp năng lượng cho công nghệ đã tăng cao như thế nào. Các mục tiêu huy động vốn và mức định giá cổ phiếu liên quan đến A.I tăng cao kỷ lục, gợi nhớ đến sự bùng nổ và suy thoái của cổ phiếu ngành viễn thông trong thời kỳ dotcom.

Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng internet sẽ làm thay đổi thế giới. Các công ty viễn thông và nhà cung cấp thiết bị mạng được đặt niềm tin sẽ trở thành những người chơi thắng. Vấn đề là việc định giá của ngành này đã tăng lên một cách đáng kể, gần như chỉ trong một đêm. Và giờ đây, mức độ lạc quan tương tự đang thúc đẩy sự đầu tư vào các công ty liên quan đến A.I. 

Khi internet lần đầu tiên xuất hiện và được sử dụng rộng rãi, lĩnh vực phần cứng mạng như thỏi nam châm thu hút giới đầu tư. Để phổ cập internet, nhiều máy chủ cần được xây dựng và kết nối thông qua các bộ định tuyến. Các doanh nghiệp đổ xô xây dựng và mua phần cứng mạng với kỳ vọng nhu cầu lớn về máy chủ sẽ tiếp tục vô tận. Cổ phiếu của các công ty thiết bị viễn thông như Cisco đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn đỉnh điểm vào năm 2000.

Thế nhưng, sự suy thoái của ngành viễn thông xảy ra sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 4 năm kể từ thời điểm bùng nổ cho đến khi sụp đổ. Thậm chí còn nhanh hơn rất nhiều so với sự thay đổi mà internet đã mang lại trong cuộc sống bình thường. Tình trạng nguồn cung dư thừa đã đẩy hơn 20 công ty viễn thông vào cảnh phá sản vào năm 2002. Cổ phiếu ngành viễn thông cũng lao dốc theo.

Giờ đây, trong thế giới A.I, chip đang là vua. Do đó, không có gì lạ khi các công ty A.I tranh nhau đầu tư vào chuỗi cung ứng sản xuất chip. Với sự gia tăng vượt bậc của các mô hình A.I, việc cần nhiều chip hơn là điều chắc chắn. Sự thiếu hụt chip A.I càng làm tăng thêm tính cấp bách.

Tuy nhiên, thời gian mà tình trạng thiếu hụt này kéo dài vẫn còn gây tranh cãi. Chẳng hạn như năm 2021, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu gần như bế tắc, do thiếu chip ô tô trầm trọng. Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, cuộc khủng hoảng nhanh chóng hạ nhiệt. Hiện nay, nguồn cung chip ô tô không chỉ ổn định mà nhiều loại còn đang trong tình trạng dư thừa.

Rủi ro lớn nhất của việc đầu tư quá nhiều vào chip A.I là sự dư thừa công suất, điều đã trở thành vấn đề đối với các chip thế hệ cũ. Và cơn suy thoái hiện tại của ngành chip kéo dài hơn so với dự kiến.

Samsung phải cắt giảm sản lượng trong năm 2023 để đối phó với tình trạng dư thừa chip ngày càng trầm trọng. Mới đây, hãng chip nhớ Kioxia của Nhật báo cáo khoản lỗ kỷ lục 1,7 tỉ USD trong 3 quý, tính đến tháng 12. Hơn nữa, vẫn có hơn 70 nhà máy chế tạo chip đang được xây dựng.

So sánh cổ phiếu của Cisco và Nvidia. Ảnh: FT.
So sánh cổ phiếu của Cisco và Nvidia. Ảnh: FT.

Trong khi đó, năm 2023, sản lượng wafer silicon toàn cầu giảm 14,3%. Một phần nguyên nhân là do sự suy thoái chu kỳ trong ngành chip và sụt giảm nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, sự suy giảm doanh số thiết bị sản xuất chip toàn cầu, giảm hơn 1/10 trong quý III, cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành chip trong tương lai sẽ vẫn duy trì ở mức bình thường hơn so với sự bùng nổ nhiều hứa hẹn của lĩnh vực A.I.

Một vấn đề khác là chip thường nhanh chóng trở thành hàng hoá phổ biến. Ví dụ, chip 40 nm đã được sử dụng trong các thiết bị gia dụng. Các thiết bị này có sự ổn định trong nguồn cung, nhưng lại là nguồn tài nguyên tiên tiến và khan hiếm vào những năm 2008. Khi giá trị của các thiết bị gia dụng giảm xuống, giá của chip thế hệ trước cũng giảm theo.

Công nghệ chip ngày càng tiến bộ, không chỉ nhanh hơn mà còn hiệu quả hơn qua mỗi năm trôi qua. Chỉ trong vòng 2 năm, chip đã nâng cấp từ công nghệ 7 nm lên 5 nm trong các chip A.I mới nhất của Nvidia. Sự tiến bộ công nghệ tạo ra tầm quan trọng đáng kể, cho phép các công ty tiết kiệm chi phí cho việc sản xuất chip trong tương lai, vượt xa những dự báo hiện tại.

Nhìn chung, có sự khác biệt rõ rệt giữa kỷ nguyên dotcom và cuộc cách mạng A.I đang bùng nổ. Điển hình như OpenAI, doanh thu hàng năm của công ty này đã vượt ngưỡng 2 tỉ USD, trở thành một trong những nền tảng công nghệ phát triển nhanh nhất trong lịch, chỉ sau vài tháng ra mắt. Các công ty A.I hiện nay cũng có nhiều cách để tạo ra lợi nhuận.

Tuy nhiên, giống như những ngày đầu của internet, việc ứng dụng công nghệ A.I vào doanh nghiệp vẫn là một chặng đường dài. Quá trình chuyển đổi này có thể mất nhiều năm hơn so với sự tăng trưởng của giá cổ phiếu và kỳ vọng hiện tại về nguồn vốn. Việc quá tự tin và đầu tư quá mức có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Các hãng sản xuất thiết bị viễn thông bị thổi phồng quá mức vào những năm 1990 là bài học cho các startup A.I.

Có thể bạn quan tâm:

Các doanh nghiệp Mỹ trước lực cản tăng trưởng trong năm 2024

Nguồn FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày