Đường đến niêm yết

Vừa chào sàn, cổ phiếu VTP đã tăng trần liên tiếp

Phạm Vũ Thứ Tư | 13/03/2024 18:01

Cổ phiếu VTP đang ở vùng giá cao nhất lịch sử. Ảnh: FireAnt.

Phiên giao dịch 13/3, cổ phiếu VTP tiếp tục tăng trần sau khi vừa gia nhập sàn HOSE.
Cổ phiếu VTP đang ở vùng giá cao nhất lịch sử. Ảnh: FireAnt.

Ngày 12/3 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết cho Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã: VTP) và đưa vào giao dịch chính thức hơn 121,7 triệu cổ phiếu VTP với tổng giá trị niêm yết hơn 1.217 tỉ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của VTP là 65.400 đồng/cổ phiếu với biên độ giao động giá là ±20%.

Cổ phiếu VTP đóng cửa ở mức giá trần, và đây cũng là vùng giá cao nhất trong lịch sử đối với cổ phiếu này. Ảnh: FireAnt.
Cổ phiếu VTP đóng cửa ở mức giá trần, là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp sau khi chào sàn HOSE. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong lịch sử đối với cổ phiếu này. Ảnh: FireAnt.

Trong ngày giao dịch đầu tiên ở sàn HOSE, cổ phiếu VTP đã tăng kịch trần lên mức 78.400 đồng/cổ phiếu. Đến phiên giao dịch 13/3, là phiên thứ 2 cổ phiếu này “chào sân HOSE”, VTP tiếp tục tăng kịch trần và đóng cửa ở mức giá 83.800 đồng/cổ phiếu. 

Đà tăng của cổ phiếu VTP diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tích cực. Dòng tiền lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu, và VN-Index đã tăng hơn 35 điểm trong hai phiên giao dịch 12 và 13/3. 

Đà tăng của cổ phiếu VTP đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến rất tích cực, với thanh khoản trên 1 tỉ USD. Ảnh: BanggiaSSI.
Đà tăng của cổ phiếu VTP đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến rất tích cực, với thanh khoản trên 1 tỉ USD. Ảnh: BanggiaSSI.

Thông tin thêm về “tân binh” ở sàn HOSE, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tiền thân là Bộ phận phát hành báo chí trực thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội), được thành lập vào tháng 7/1997 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỉ đồng, trong đó Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội nắm giữ gần 61%.

Năm 2009, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chính thức hoạt động với tư cách công ty cổ phần sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đến tháng 4/2012, Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chính thức trở thành tổng công ty đầu tiên trong mô hình Tập đoàn Viễn thông Quân đội. 

Tỉ lệ chi trả cổ tức của Viettel Post trong năm 2021 và 2022. Nguồn: VTP
Tỉ lệ chi trả cổ tức của Viettel Post trong năm 2021 và 2022. Nguồn: VTP

Sau 14 năm hoạt động với nhiều lần điều chỉnh vốn, hiện tại vốn điều lệ của Viettel Post đạt hơn 1.217 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Viettel Post là chuyển phát, kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa; bưu chính; cho thuê xe có động cơ; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; hoạt động của đại lý, quản lý vận hành kênh bán.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần năm 2022 (đã điều chỉnh) của Viettel Post đạt hơn 21.628 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 255 tỉ đồng. Đối với kết quả kinh doanh năm 2023 (báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán), doanh thu thuần của Viettel Post đạt hơn 19.589 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 380 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm 

Dòng tiền lan tỏa, VN-Index bật tăng hơn 25 điểm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày