Tài Chính

Lý giải đà bán ròng của khối ngoại trong tháng 8

Phạm Vũ Thứ Tư | 08/09/2021 09:26

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Tổng kết tháng 8/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 7.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Chỉ số VN-Index biến động mạnh trong tháng 8/2021. Trong hai tuần đầu tiên, VN-Index tăng điểm tốt và vượt qua mốc 1.370 điểm vào ngày 19/8 khi các ca nhiễm mới hàng ngày tại TP. HCM cho thấy xu hướng giảm dần. Sau đó, thị trường bắt đầu lao dốc khi chính quyền TP. HCM thắt chặt giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 23/8, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó" trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Kết thúc tháng, VN-Index ghi nhận mức tăng 1,64% lên 1.331,47 điểm.

Đối với giao dịch của khối ngoại, sau khi mua ròng trong tháng 7/2021 thì khối này trở lại bán ròng với giá trị hơn 7.800 tỉ đồng, thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE khi chỉ số VN-Index phục hồi. Nhìn chung, lực bán của khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu họ Vin như VIC và VHM, chiếm 37% tổng giá trị bán ròng của khối này. Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm cổ phiếu họ Vin bị khối ngoại bán ròng đến từ tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư nước ngoài trước thông báo bán cổ phần từ các cổ đông lớn của Vinhomes (mã VHM) bao gồm Vingroup và quỹ ngoại KKR tại vùng giá cổ phiếu cao nhất mọi thời đại.

Ảnh: NCĐT.
Ảnh: NCĐT.

Cụ thể, ngày 16/8, Vingroup đăng ký bán hơn 100 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% cổ phần tại Vinhomes bắt đầu từ ngày 19/8 đến 17/9. Đồng thời, quỹ KKR cũng đăng ký bán 31,94 triệu cổ phiếu VHM bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong cùng thời gian trên. Theo VDSC, điều này khá dễ hiểu khi Vingroup có ý định đầu tư thêm vào Vinfast và quỹ KKR đã đạt mức sinh lời cao so với giá mua 70.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2020.

Đối với dòng tiền ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VDSC cho rằng có khả năng rút vốn trong ngắn hạn của nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo quan điểm của VDSC, việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất và lo ngại về sự nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam là những nguyên nhân chính giải thích cho việc các nhà đầu tư Hàn Quốc bán cổ phiếu tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: VDSC
Khối tự doanh chủ yếu bán ròng các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 trong tháng 8/2021. 

Cụ thể, vào ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục 0,5% lên 0,75% để cân bằng giữa tác động của dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành và những rủi ro đối với nền kinh tế như lạm phát cao. Do đó, điều này làm tăng giá đồng Won của Hàn Quốc so với USD và gián tiếp lên VNĐ, dẫn đến khả năng rút vốn từ Việt Nam về Hàn Quốc trong ngắn hạn.

Hơn nữa, nỗi lo về làn sóng COVID-19 thứ tư cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài khi Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng dựa trên chỉ số Nikkei COVID-19 Recovery Index trong tháng 8 về khả năng phục hồi, kiểm soát dịch bệnh.

Đối với nhà đầu tư tổ chức trong nước, số liệu từ VDSC cho thấy nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng 5.314 tỉ đồng trong tháng 8. Trong đó, khối tự doanh cũng bán ròng 120 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 như VPB; PNJ; NLG và REE.  

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giá trị giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng giá trị giao dịch trên thị trường, tuy nhiên việc bán ròng của khối này thời gian qua cũng đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm 

►Lạc quan về độ phủ vaccine, quỹ ngoại đánh giá tích cực thị trường chứng khoán Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày