Thế giới

"Sức hút" của nền kinh tế lớn nhất châu Phi

Lam Ngọc Thứ Ba | 09/04/2024 17:10

Các tên tuổi nổi tiếng trong ngành tiêu dùng đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Nigeria. Ảnh: WSJ.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, các công ty đa quốc gia như Unilever và Nestlé vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển và đầu tư vào thị trường này.
Các tên tuổi nổi tiếng trong ngành tiêu dùng đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Nigeria. Ảnh: WSJ.

Được đánh giá là quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn, với dân số đông nhất châu Phi, Nigeria vẫn là thị trường tương đối khó nhằm đối với các “gã khổng lồ” ngành tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá cùng nhiều thách thức khác.

Một vài cái tên phổ biến trong ngành tiêu dùng như Unilever, Diageo hay Nestlé đang nỗ lực trong việc phát triển kinh doanh ở Nigeria, bởi sức hút từ tiềm năng của nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Trong khi đó, nhiều công ty khác lại quyết định rời khỏi Nigeria, do quốc gia này đang gặp khủng hoảng tiền tệ, cùng với những thách thức mang tính dài hạn như tình trạng nghèo đói lan rộng, tham nhũng và chính sách lỏng lẻo của các cơ quan quản lý. 

Với độ tuổi trung bình chỉ hơn 18 tuổi, dân số Nigeria được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 400 triệu người vào năm 2050, vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có dân số lớn thứ ba trên thế giới, xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này càng cho thấy tiềm năng rõ rệt của thị trường tiêu dùng Nigeria.

Dù vậy, Nigeria cũng là một thị trường khó tính để các doanh nghiệp sinh lợi nhuận ổn định. Đồng naira mất giá, lạm phát tăng cao và tình trạng thiếu hụt đồng USD nghiêm trọng đang là những trở ngại cho các công ty tại quốc gia này.

“Các doanh nghiệp ngành bán lẻ thường nói đến lợi thế về dân số, nhưng thực tế cho thấy họ bị sốc trước những thách thức của đồng nội tệ”, ông Achumile Mashalaba, chuyên gia phân tích tại công ty quản lý quỹ Ninety One, cho biết.

Đồng naira đã giảm khoảng 70% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 6/2023, thời điểm Tổng thống Bola Tinubu đưa ra thông báo ngân hàng trung ương sẽ không tiếp tục hỗ trợ đồng nội tệ bằng cách hạn chế mức độ tiếp cận của đồng bạc xanh. Động thái này được cho là để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong nước dễ dàng hơn. Thế nhưng, vẫn có nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận đồng USD từ ngân hàng trung ương để thanh toán hàng nhập khẩu hoặc chuyển lợi nhuận trong nước sang ngoại tệ mạnh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt USD là do sản lượng dầu của Nigeria giảm mạnh, với khoảng 1/3 trong 15 năm qua. Được biết, hơn 90% nguồn ngoại tệ của nước này đến từ việc xuất khẩu dầu.

Để kiềm chế nhu cầu về USD và giảm thiểu rủi từ việc đồng naira mất giá, một số công ty đa quốc gia đã chọn cách cắt giảm hoạt động nhập khẩu, đồng thời tăng cường sử dụng nguyên liệu sản xuất nội địa.

Đồng naira đã giảm khoảng 70% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 6/2023. Ảnh: WSJ.
Đồng naira đã giảm khoảng 70% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 6/2023. Ảnh: WSJ.

Unilever Nigeria năm ngoái đã ngừng bán những sản phẩm có nguyên liệu cần nhập khẩu như bột giặt OMO, nước rửa chén Sunlight và xà phòng Lux. Thay vào đó, Unilever Nigeria tập trung vào những mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất và có nguồn cung sẵn trong nước như nước dùng Knorr và gia vị, cũng như các sản phẩm vệ sinh như Vaseline và kem đánh răng.

Điển hình như sản xuất kem đánh răng Pepsodent với sorbitol của Unilever Nigeria có nguồn gốc từ củ sắn Nigeria, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Sorbitol là chất dùng để làm ngọt, kết dính và ngăn ngừa kem đánh răng bị khô. Unilever đang mua 70% nguyên liệu trên khắp châu Phi, giúp giảm đáng kể nhu cầu về các đồng ngoại tệ.

“Nigeria là một thị trường tiềm năng trong tương lai. Nếu muốn phát triển, việc có mặt tại là Nigeria là điều chắc chắn phải làm”, ông Tim Kleinebenne, Tổng Giám đốc Điều hành Unilever Nigeria, cho biết.

Ngoài Unilever, Nestlé Nigeria cũng đã làm việc với các nhà cung cấp địa phương trong thời gian qua để phát triển bột sắn chất lượng cao, nhằm thay thế bột ngô nhập khẩu, được sử dụng trong các sản phẩm nước dùng Maggi. Bên cạnh đó, công ty cũng đang xem xét việc đào tạo  cho những người nông dân có khả năng cung cấp rau và gia vị sản xuất tại địa phương, như bột hành và nghệ, để sử dụng trong viên nước hầm Maggi và bột hương vị.

Có thể bạn quan tâm:

Thời trang đã qua sử dụng tại Nhật Bản

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày