Thế giới

Trung Quốc đưa cuộc chiến khí hậu lên mái nhà

Hân Nguyễn Thứ Sáu | 31/03/2023 15:41

Các tấm pin mặt trời Longi trên mái nhà của một ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Khoảng 40% tổng công suất năng lượng mặt trời hiện nay tại Trung Quốc đến từ các mái nhà và sân vườn.
Các tấm pin mặt trời Longi trên mái nhà của một ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Trên mái nhà của mình bên cạnh những cánh đồng hành lá và lúa mì ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông Li Lifeng đã lắp đặt hàng chục tấm pin mặt trời. Trong 5 năm qua, ông là một trong số hơn 2,4 triệu chủ sở hữu nhà ở Trung Quốc, những người đang góp phần nhỏ bé trong việc làm sạch nguồn khí thải carbon làm trái đất nóng lên

 

Hầu hết công suất điện mặt trời áp mái ở Trung Quốc được tạo ra trong 2 năm qua. Việc tự sản xuất điện trở nên hấp dẫn hơn nhờ khi Bắc Kinh hỗ trợ các chính quyền địa phương lắp đặt điện mặt trời và tăng giá mua điện. Kết quả là Trung Quốc đã chứng kiến bùng nổ năng lượng tái tạo, vào năm ngoái, nước này đã ghi nhận số lượng lắp đặt điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ nhiều hơn so với tổng công suất điện sạch mới ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Đối với ông Li, đây là một quyết định về vấn đề tài chính. Kể từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời đầu tiên vào đầu năm 2018, gia đình ông  Li đã kiếm được hơn 62.000 nhân dân tệ (8.963 USD) từ việc bán điện sạch. “Bạn không thể kiếm được nhiều tiền như vậy khi gửi tiền vào ngân hàng,” ông Li nói. 

Trung Quốc có hệ thống điện mặt trời và gió lớn nhất thế giới, nhưng nguồn cung vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than. Giá năng lượng tăng đột biến sau xung đột Ukraine và hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến thủy điện buộc họ tăng đốt than vào năm ngoái.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải nỗ lực hơn để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ xây dựng các trang trại điện mặt trời và gió rộng lớn ở các sa mạc với dân cư thưa thớt. Nhưng cơ sở hạ tầng kết nối chúng với các siêu đô thị ở miền trung và miền đông Trung Quốc lại rất tốn kém và chưa hoàn chỉnh.

Quỹ đất để xây dựng các trang trại điện tái tạo quy mô lớn cũng đang cạn kiệt ở các khu vực đông dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển như Sơn Đông và Hà Bắc. Cùng với đó, chính phủ cũng chịu áp lực cân bằng giữa quá trình chuyển đổi năng lượng với bảo tồn môi trường sống tự nhiên sau nhiều thập kỷ công nghiệp hóa.

Vì vậy, thay vào đó, Trung Quốc đang “vũ khí hóa” các mái nhà trong cuộc chiến khí hậu.

 dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Longi ở Tây An.Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen/Bloomberg
Dây chuyền sản xuất pim mặt trời tại nhà máy của Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Longi ở Tây An. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đã bổ sung hơn 51 gigawatt điện mặt trời quy mô nhỏ vào năm ngoái. Khoảng 40% tổng công suất năng lượng mặt trời hiện nay đến từ các mái nhà và sân vườn.

Chính phủ quốc gia ban đầu hỗ trợ tất cả các dự án năng lượng mặt trời với các khoản trợ cấp hào phóng để đảm bảo đầu tư có lãi. Tuy nhiên, cuối 2021, khi giá các tấm pin giảm, chính phủ cho dừng chương trình. Từ đó, ngân sách rót cho các địa phương làm điện tái tạo bị thu hẹp hoặc chấm dứt.

Thay vào đó, Bắc Kinh đã khởi động một chương trình thí điểm vào năm 2021 để giúp chính quyền địa phương tập hợp các dự án nhỏ lại với nhau để có các đơn đặt hàng lớn, thu hút nhiều nhà phát triển hơn và giúp giảm chi phí. Việc này nhằm thu hút nhiều nhà phát triển điện mặt trời hơn và giảm chi phí. Các địa phương được khuyến khích lắp pin mặt trời lên nóc của gần ⅓  tòa nhà thương mại và 1/5 các ngôi nhà nông thôn đến cuối 2023. Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ chưa từng có trong việc lắp điện mặt trời quy mô nhỏ.

Theo Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Long, các tòa nhà và mái nhà của Trung Quốc có thể tạo ra hơn một terawatt công suất điện mặt trời, tức gần bằng quy mô của toàn bộ ngành công nghiệp điện mặt trời toàn cầu hiện nay. Nhu cầu tăng cao đến mức năm ngoái, Longi đã giới thiệu những tấm pin đầu tiên được thiết kế chuyên biệt để lắp trên mái nhà, có tính hiệu quả và thẩm mỹ hơn.

Việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tại các nhà máy và tòa nhà thương mại đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây
Việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tại các nhà máy và tòa nhà thương mại Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: Bloomberg.

Không chỉ hộ gia đình, pin mặt trời trên các công xưởng và tòa nhà thương mại cũng tăng lên đáng kể những năm gần đây. Động lực đến từ các đợt thiếu điện kéo dài làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, cả từ chính phủ và các khách hàng nước ngoài. Sau tình trạng thiếu điện trên diện rộng vào cuối năm 2021, các công ty điện được phép tăng giá với khách hàng công nghiệp và thương mại. Điều này càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang điện mặt trời.

Tại Vườn ươm Yuanzheng trong một khu công nghiệp ở Tây An, hơn 300 tấm pin trên mái nhà tạo ra một nửa lượng điện mà khu phức hợp tiêu thụ. Là ngôi nhà của hơn 20 công ty sản xuất các sản phẩm bao gồm đồ điện tử và chân tay giả, nơi này giờ đây tiết kiệm được khoảng 42.000 nhân dân tệ cho hóa đơn tiền điện mỗi tháng. 

Các tấm pin được lắp đặt bởi Jinze Power Group, một nhà bán lẻ thiết bị năng lượng mặt trời. Lượng dự án mà họ đảm nhận đã tăng gấp đôi trong năm 2021 và 2022. "Hồi 2015, chúng tôi sẽ rất vui nếu bán được vài chục tấm pin. Giờ việc ký giao dịch hàng nghìn tấm mỗi ngày là bình thường", Liu Jihong, Trưởng bộ phận phát triển dự án, cho biết.

Tuy nhiên, triển vọng điện mặt trời không hoàn toàn thuận lợi. Tốc độ lắp đặt chóng mặt khiến lưới điện ở một số khu vực quá tải. Sơn Đông, nơi có nhiều năng lượng mặt trời áp mái nhất Trung Quốc, đã yêu cầu các hộ gia đình tạm dừng phát điện dịp Tết Nguyên đán vừa qua để bảo vệ lưới điện khi nhu cầu tiêu thụ giảm. Chính quyền Sơn Đông gần đây còn công bố chính sách mua điện mặt trời giá âm để hạn chế nguồn cung trong các thời điểm dư thừa sản lượng.

Ngoài ra, thị trường điện mặt trời áp mái bùng nổ có thể kéo theo giá điện dễ biến động và thu nhập bấp bênh hơn cho những người như ông Li. Một số vùng ven biển đang yêu cầu hoặc khuyến khích lắp điện mặt trời áp mái có kèm bộ pin lưu trữ, khiến việc đầu tư tốn kém hơn.

Khi một số chính quyền địa phương áp dụng chương trình khuyến khích của riêng họ, việc trợ cấp quốc gia hết hạn đồng nghĩa các dự án điện mặt trời áp mái mới có lợi nhuận thấp hơn trước, dù chi phí thiết bị giảm.

Sau khi đã hoàn vốn 60.000 nhân dân tệ cho hệ thống điện mặt trời đầu tiên, ông Li vay gần 100.000 nhân dân tệ vào tháng 12/2022 để lắp hệ thống thứ hai. "Chúng tôi là nông dân nên không có nhiều lương hưu. Thu nhập từ các tấm pin mặt trời sẽ giúp giảm bớt áp lực chu cấp cho con cái khi về già", ông nói.

Có thể bạn quan tâm: 

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ cao hơn dự kiến, FED đang tiến gần hơn đến mục tiêu?

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày