Cạnh tranh hút FDI: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam “đón sóng”
Dự án nhà xưởng xây sẵn của Tập đoàn KCN Việt Nam tại Khu công nghiệp Hố Nai (Đồng Nai).
Tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng hút vốn đầu tư FDI của cả nước
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến ngày 31/11/2024, cả nước có 3.035 dự án có vốn đăng ký mới với giá trị 17,39 tỉ USD; 9,93 tỉ USD của 1.350 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 40,7% về số vốn và tăng 12,9% về số lượt dự án so với cùng kỳ năm ngoái.
Về vốn thực hiện, tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỉ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỉ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỉ USD và hơn 1,12 tỉ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỉ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…
Một góc Khu chế xuất Tân Thuận tại TP.HCM. |
Điều đặc biệt, các dự án FDI đầu tư vào các tỉnh thành phía Nam đã có sự chuyển dịch tích cực khi không còn tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động mà hướng vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sử dụng các công nghệ mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và các dự án về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Bất động sản công nghiệp “đón sóng”
Tại khu vực miền Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất, chế biến với hàng loạt lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng và là một vùng kinh tế năng động. Trong đó, Đồng Nai cũng nổi lên như một trung tâm công nghiệp quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI “thế hệ mới”.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay thu hút FDI vào Đồng Nai hiện đã vượt xa chỉ tiêu 2024, các dự án thu hút mới thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí chế tạo, logistics… với tỉ suất đầu tư bình quân 7,8 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 78 người/ha. “Đặc biệt không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động, đảm bảo tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh”, đơn vị này cho biết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 05 địa phương có nhiều khu công nghiệp (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh), Đồng Nai là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất với 32 khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy trên 85%, thậm chí có những khu công nghiệp tỉ lệ lấp đầy lên đến gần 100%. Với vị trí đặc biệt trong thu hút FDI, Đồng Nai tiếp tục thu hút sự sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp xanh để đón dòng vốn đầu tư FDI “thế hệ mới”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu này của các doanh nghiệp FDI, Tập đoàn KCN Việt Nam (nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam) cho biết, thị trường miền Nam luôn nằm trong chiến lược phát triển của mình với quỹ đất công nghiệp đạt gần 100 ha, trước mắt tập trung tại hai tỉnh thành Long An (dự án tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh) và Đồng Nai. Riêng tại Đồng Nai, Tập đoàn đã và đang đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Hố Nai và Nhơn Trạch 5, dự kiến sẽ có thêm một dự án nhà kho cho thuê được khởi công vào quý 4 năm nay theo các tiêu chuẩn về xây dựng công trình xanh.
Ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, cho biết gần đây doanh nghiệp này đã triển khai chiến lược phát triển công trình xanh, không chỉ khẳng định vị thế của KCN Việt Nam trong ngành bất động sản công nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương nơi KCN Việt Nam đầu tư nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo các chuyên gia, với những lợi thế sẵn có và sự nỗ lực của các địa phương cũng như làn sóng “đổ bộ” của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp xanh, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong thu hút FDI và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư