Bất động sản

Người Việt có đủ tiền mua căn hộ hàng hiệu triệu đô không?

Văn Đạt Thứ Hai | 19/04/2021 08:14

Sự xuất hiện của phân khúc bất động sản hàng hiệu khiến thị trường địa ốc tại TP.HCM trở nên đa dạng và sôi động. Ảnh: Masterise Homes

Nhiều người chọn mua một căn hộ vì có giá thấp, nhưng cũng có người thích mua một căn nhà vì có giá cao.
Sự xuất hiện của phân khúc bất động sản hàng hiệu khiến thị trường địa ốc tại TP.HCM trở nên đa dạng và sôi động. Ảnh: Masterise Homes

Sự xuất hiện của phân khúc bất động sản hàng hiệu khiến thị trường địa ốc tại TP.HCM trở nên đa dạng và sôi động. Với giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng cho một m2, loại hình căn hộ siêu sang này liệu có bán chạy tại Việt Nam?

Giá bán 18.000 USD cho mỗi m2 tại thị trường Hồng Kông của dự án căn hộ hàng hiệu Grand Marina, Saigon ở khu Ba Son do Masterise Homes phát triển bỏ xa mức giá của các dự án căn hộ cao cấp liền kề. Đến thời điểm hiện tại, đây là mức giá cao kỷ lục tại Việt Nam. Nhưng kỷ lục này được dự đoán sẽ không tồn tại được bao lâu vì thị trường sẽ sớm có thêm dự án căn hộ hàng hiệu khác tại những vị trí đắc địa hơn ở Hà Nội và TP.HCM. 

Nhiều người đang cho rằng mức giá của phân khúc căn hộ hàng hiệu cao đến mức vượt ngoài khả năng chi trả của người Việt. Với số tiền chỉ mua được vài m2 tại dự án này, họ có thể mua được một căn hộ tầm trung tại TP.HCM. Thị trường không khỏi đặt ra câu hỏi về cơ sở cho mức giá này.

Giá “cao đến nóc” chỉ vì cái mác?

Điều gì khiến cho căn hộ hàng hiệu có mức giá bán cao gấp nhiều lần so với căn hộ không có thương hiệu? Yếu tố thương hiệu là điều hiển nhiên, giống như 2 chiếc áo có thể có chất liệu tương đồng nhưng chiếc áo có thương hiệu nổi tiếng chắc chắn có giá bán cao hơn nhiều. Tuy vậy, hơn một cái mác, giá trị gia tăng của chiếc áo hiệu còn nằm ở những quy chuẩn trong quy trình thiết kế, sản xuất, bán hàng và dịch vụ hậu mãi, những yếu tố “vô hình” với người tiêu dùng nếu chỉ đặt 2 chiếc áo lên bàn cân.

Câu chuyện của căn hộ hàng hiệu cũng tương tự. Trước khi cấp thương hiệu cho dự án bất động sản, thương hiệu thường sẽ đặt ra những quy chuẩn khắt khe mà dự án phải đáp ứng. Ví dụ, các nhà quản lý khách sạn danh tiếng chỉ cấp thương hiệu cho những dự án có vị trí đắc địa nhất trong thành phố hay tại tâm điểm của một điểm đến du lịch nổi tiếng. Nhiều thương hiệu sẽ tham gia chặt chẽ vào tất cả các khâu của một dự án, từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, cho đến bán hàng và hậu mãi - bao gồm quản lý và vận hành, và bảo trì nâng cấp dự án để đảm bảo khách hàng có được trải nghiệm “hàng hiệu” đích thực xuyên suốt.

Ngoài dịch vụ đẳng cấp và đặc quyền mà gia chủ được sử dụng, nguồn cung hạn chế cũng góp phần quan trọng trong việc tạo nên giá trị cho bất động sản hàng hiệu. Trên thế giới có khoảng 420 dự án căn hộ hàng hiệu như thế này và Grand Marina, Saigon là dự án căn hộ hàng hiệu trong khu vực trung tâm đầu tiên tại Việt Nam.

Giá trị quan trọng hơn giá cả 

So với mặt bằng chung bật động sản tại Việt Nam, giá căn hộ hàng hiệu có thể “trên trời” nhưng có những chuyên gia tranh luận rằng: căn hộ hàng hiệu là một mô hình mới của thế giới, đem những tiêu chuẩn quốc tế, nên để đánh giá về giá bán, cần so sánh với những dự án căn hộ hàng hiệu tại các nước đã phát triển mô hình này. Nhìn sang các thành phố trong khu vực, giá bán của căn hộ hàng hiệu tại TP.HCM thấp hơn hoặc có thể tương đương với các dự án nhà hiệu tại Singapore và Bangkok, tùy theo quy mô dự án và vị trí. Ở Bangkok, The Residences at Mandarin Oriental cũng đang có giá bán khoảng 17.000 USD/m2.

Căn hộ mang thương hiệu St. Regis, một thương hiệu do Marriott International quản lý, được rao bán trên trang Propery Guru ở Singapore với giá gần 5,7 triệu USD cho 256 m2. Tính ra mỗi m2 của dự án The Residences at the St. Regis Singapore đang được bán với giá 22.000 USD. Một căn hộ hàng hiệu 99 m2 thuộc dự án Marina Bay Residences cũng đang được rao bán với mức giá 2,2 triệu USD. 

Có điều gì đó không đúng khi dùng đơn giá tính theo m2 để nói đến giá trị của một căn nhà hàng hiệu. Trong một buổi trò chuyện với phóng viên của NCĐT, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, lấy ví dụ rằng khi có một căn hộ hàng hiệu ở vị trí đắc địa tại một thành phố lớn trên thế giới, chúng ta sẽ nói căn hộ trị giá 3 triệu USD hay 5 triệu USD, chứ không nói đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho mỗi m2 của căn nhà.

“Nói đến căn hộ mang thương hiệu Marriott hay The Ritz - Carlton, tôi nghĩ việc nói ra đơn giá tính trên m2 không còn quan trọng nữa”, ông Troy cho rằng giá trị của thương hiệu và vị trí sẽ tạo nên giá trị tổng thể của cả căn nhà.
 
Nhu cầu từ câu lạc bộ nhà giàu Việt ngày càng cao

Khi tỉ lệ tăng trưởng về số lượng người giàu ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới, vị chuyên gia của Savills này cho rằng rất nhiều người Việt có đủ khả năng sở hữu căn hộ hàng hiệu.

Báo cáo Thịnh Vượng 2021 của Knight Frank dự đoán trong giai đoạn năm 2020-2025, tốc độ tăng trưởng tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam được dự đoán đạt 31%, lọt vào top tăng mạnh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 511 người siêu giàu và hơn 25.800 người giàu. Trên thực tế, số người có tài sản “khủng” tại Việt Nam có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.

Ông David Short, Giám đốc Kinh doanh và Cho thuê (khu vực Miền Bắc) của Colliers Việt Nam, nhận định: “Chúng tôi tin rằng nhu cầu mua nhà có thương hiệu tại Việt Nam sẽ tăng nhanh. Mặc dù ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19, nhưng nhu cầu thuê căn hộ hàng hiệu sẽ tăng khi du khách muốn ở trong một căn nhà có đầy đủ tiện nghi thay vì một phòng khách sạn”.

Giá bán Bất động sản hàng hiệu nằm trong khả năng của người Việt

Nhiều người đang nghi ngại về giá bán của căn hộ hàng hiệu nhưng trên thực tế, sức tiêu thụ của thị trường bất động sản hàng hiệu đã được kiểm chứng cách đây nhiều năm. Cách đây khoảng 5 năm, 1 căn biệt thự biển ở Tuần Châu, Đà Nẵng, Phú Quốc có giá bán khoảng 3 triệu USD, nhưng rất nhiều người Việt có khả năng mua. Ông Troy Griffiths dẫn chứng, gần đây, giá thị trường của các bất động sản này đã tăng lên 5 triệu USD, có khi 7,5 triệu USD nhưng vẫn được tiêu thụ khá mạnh. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển của phân khúc bất động sản siêu sang ở Việt Nam còn rất lớn.

Theo các chuyên viên tư vấn bất động sản hàng hiệu, điều mà những khách hàng thượng lưu quan tâm nhất khi tìm hiểu về căn hộ hàng hiệu là giá trị cảm xúc, chất lượng dịch vụ và các đặc quyền mà họ sẽ được hưởng khi sinh sống tại đây.

Điều này cũng hợp lý vì khi các đại gia đến ăn ở một nhà hàng nào đó, họ thường quan tâm đến khẩu vị, chất lượng món ăn và dịch vụ của nhà hàng mà ít khi để ý đến giá cả trên menu. Nhiều người cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện vì có đủ khả năng chi trả cho một chiếc túi xách hàng hiệu, một chiếc xe siêu sang được bán với mức giá mà ít ai có thể mua được.

Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống “mang thương hiệu” đạt chuẩn ngang tầm với bất cứ người giàu nào trên thế giới của tinh hoa Việt là có thật. Phần lớn người mua nhà quyết định xuống tiền vì dự án mình quan tâm có giá hợp lý, nhưng cũng có nhiều người quyết định mua căn hộ hàng hiệu bởi vì giá bán cao. Điều đơn giản là những chủ nhà trong tương lai này muốn sống trong cộng đồng của những người có cùng đẳng cấp.

Ảnh:
Phối cảnh nội thất sang trọng của Grand Marina với những vật liệu cao cấp. Ảnh: Masterise Homes

Ông Troy Griffiths cũng nhận thấy rất nhiều người cảm thấy “hạnh phúc” khi biết mình có khả năng trả một khoản tiền lớn để được sở hữu và ở trong khu nhà có thương hiệu. Vị chuyên gia này tin rằng loại hình căn hộ mang thương hiệu Marriott và Ritz-Carlton sẽ được bán chạy trên thị trường và giá sẽ tăng khá nhanh. Và vì số lượng căn hộ hàng hiệu rất hạn chế nên đây sẽ là tài sản được người mua giữ trong một thời gian rất dài.

Nhìn sang các thành phố phát triển hơn TP.HCM như Bangkok và đặc biệt là Singapore, thị trường bất động sản hàng hiệu tại đây đã phát triển từ lâu và thị trường này ở Việt Nam đã đi sau và còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Điều quan trọng nhất là người Việt đã sẵn sàng tham gia vào thị trường này.

Giá hàng hiệu nhưng vẫn hút hàng  

Trước khi chính thức mở bán tại TP.HCM, dự án căn hộ hàng hiệu Grand Marina, Saigon ra mắt nhà đầu tư tại xứ Cảng Thơm với mức giá 18.000 USD/m2 và có nhiều giao dịch thành công. 

Nhiều khách hàng đã quyết định đầu tư ngay vào dự án dù chưa có cơ hội đến tham quan dự án hay nhà mẫu, ông Kingston Lai, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của Asia Bankers Club chia sẻ.

Còn ở Việt Nam, sự sôi động của thị trường căn hộ hàng hiệu được thấy rõ nhất tại khu nhà mẫu trị giá 400 tỉ đồng của dự án. Theo Masterise Homes, từ thời điểm khai trương, Grand Marina Gallery liên tục được đặt kín chỗ với hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày. 

Nhà phát triển dự án buộc phải giới hạn số lượng khách tham quan mỗi ngày nhằm tăng chất lượng trải nghiệm cho khách hàng thượng lưu. Quá trình đặt trước chỗ để đến tham quan nhà mẫu của khách cũng được kiểm soát sát sao.

Hiện tại, tổng giá trị đầu tư vào phân khúc căn hộ siêu sang vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tổng giá trị đầu tư vào loại hình bất động sản thông thường. Dự án Grand Marina, Saigon đã mở đường cho xu thế mới, đáp ứng nhu cầu nhà ở của giới siêu giàu Việt. “Người Việt hoàn toàn có đủ khả năng mua căn hộ có thương hiệu với giá một vài triệu USD. Thực tế cho thấy rất nhiều người Việt đã mua biệt thự biển với giá 4,5-5 triệu USD một cách dễ dàng”, ông Troy nhận định.

Vị chuyên gia dự báo giá bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam sẽ tăng ở thị trường thứ cấp vì giá bán tại đây vẫn còn thấp hơn các thành phố khác trong khu vực. Dù mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng ngày càng có nhiều người Việt chuộng căn hộ có thương hiệu hơn là căn hộ không có thương hiệu. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để được sở hữu căn hộ có thương hiệu.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày